Ông Matsumoto Nobuyuki - Ảnh: N.BÌNH
Sau khi Tuổi Trẻ Online phát động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", ông Matsumoto Nobuyuki, trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm ở Nhật Bản và vai trò của việc tạo dựng tinh thần "Monozukuri Spirit":
"Monozukuri" không chỉ đơn giản là "tạo ra sản phẩm", mà còn để nhấn mạnh sự sáng tạo của người lao động trong hình thành tinh thần sản xuất, một hệ thống cùng các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra một sản phẩm tốt nhất có thể.
Làm việc phải sáng tạo
Khi gặp một chiếc máy đang hoạt động bỗng dưng bị hư hỏng, những người lao động bình thường sẽ nghĩ chiếc máy bị hư và tìm linh kiện, phụ tùng để thay thế. Nếu dừng lại ở mức đó thì không có gì phải bàn cãi, nhưng tư duy của chúng ta cần phải thay đổi.
Người có tinh thần sản xuất "Monozukuri Spirit" sẽ đặt câu hỏi sâu hơn: Tại sao chiếc máy bị hư? Tại sao lại hư ở bộ phận này và có cách nào để làm chiếc máy tránh khỏi lỗi hỏng hóc đó lặp lại? Những nguồn nhân lực tay nghề cao trong một thế giới 4.0 nhưng phải có tư duy đặt vấn đề "Tại sao", luôn biết thắc mắc. Chính những câu hỏi và sự đặt tâm vào công việc sẽ là tiền đề để người lao động chủ động cải tiến được hiệu quả, năng suất làm việc. Khi đó chúng ta tiến tới một tinh thần khác của lao động hiệu quả, là Kaizen.
Thực ra, tư duy tìm tòi này không đến từ bằng cấp, trình độ như bạn phải tốt nghiệp đại học, là kỹ sư, mà do nhận thức, tư duy cách đặt vấn đề của người lao động, anh kỹ sư hay công nhân.
Thành công của nền công nghiệp Nhật Bản được xây dựng dựa trên tinh thần này và chúng tôi rất hiểu sự cần thiết hoạt động sản xuất với một tinh thần trách nhiệm, đặt cái tâm vào công việc quan trọng như thế nào với người Nhật Bản.
Ấn tượng của Việt Nam với nhiều nhà đầu tư nước ngoài là sử dụng nhiều nhân công với giá rẻ, nhưng bắt đầu có khuynh hướng nâng chất lượng thị trường lao động Việt Nam lên. Đây cũng là điều kiện để trong tương lai mặt bằng lương ở Việt Nam có thể nâng lên khi nguồn lao động chất lượng cao nhiều hơn.
Ông Matsumoto Nobuyuki, trưởng đại diện JETRO tại TPHCM
Tôi hy vọng những bạn trẻ ưu tú của Việt Nam, những lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp phụ trợ dù ở công đoạn nào cũng luôn biết đặt những câu hỏi cho bản thân về công việc mình làm và tự đi tìm câu trả lời để nâng cao tay nghề, hiểu biết. Khi đó chúng ta sẽ xây dựng được một lực lượng lao động chất lượng cao.
Cần thêm nhiều người gắn bó với công nghiệp
Có thể khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hoàn toàn không đủ cho nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam đều có mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu ở đây và họ đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tôi cho rằng thu hút vốn đầu tư, nhưng Việt Nam cũng cần chú trọng đào tạo thật nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như gia công cơ khí chính xác, điện và lao động sản xuất ngành điện.
Các doanh nghiệp nước ngoài thường mang đến Việt Nam những công nghệ, máy móc tối tân. Để vận hành, bảo trì cũng như sửa chữa những máy móc này, họ cần những lao động có tay nghề cao, mà ở đây không chỉ đảm bảo đúng kỹ thuật, cần cả sự chủ động tìm hiểu.
Sự phát triển của ngành công nghiệp máy móc tại Việt Nam là phù hợp với sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó nhiều lĩnh vực đã đạt được những bước phát triển nổi bật trong thập kỷ gần đây, và thành quả này chỉ có thể tiếp tục diễn ra khi chất lượng lao động trong ngành công nghiệp được cải thiện.
Thay đổi tư duy lợi thế nhân công giá rẻ
Khác với những ngành nghề mang tính hàn lâm, tri thức khác, tiêu chuẩn chất lượng cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ khá đặc thù.
Có doanh nghiệp tâm sự họ lo lắng không tuyển dụng đủ lao động có tay nghề cao, khi mở rộng sản xuất. Vì nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia lân cận, chúng ta mới manh nha tìm kiếm, xây dựng nguồn nhân lực cao, số lượng lẫn chất lượng chưa thể bắt kịp so với các TP Bangkok hay Jakarta, nhưng đây là thời điểm để thay đổi, bởi nếu để sự thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao vẫn kéo dài, thì nhà đầu tư sẽ chọn nước khác chứ không phải Việt Nam.
Cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0"
Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).
Cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.
Nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.
Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước.
Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Yêu cầu bài dự thi:
- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.
- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.
- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.
- 1 giải ba: 5 triệu đồng.
- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).
Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.
Quy định chung:
- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền
bài viết.
- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.
- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.
- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.
- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.
Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: chuyennghecongnghiep@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".
Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27-10 đến hết ngày 10-12-2022.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận