Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngoại trưởng Mỹ cho biết trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, hai nước đã nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Đây là thời điểm lịch sử và là cơ hội, tiềm năng mới để hai nước, doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo; đề nghị các doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác, mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà cả nhân dân hai nước.
Các bộ, ngành hai nước sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam đầu tư kinh doanh thành công, góp phần tạo ra các giá trị bền vững và gắn kết sâu sắc hơn nữa lợi ích chung; tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững trong khu vực và toàn cầu; đem lại sự phồn vinh và thịnh vượng cho cả hai quốc gia.
Định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và phát triển...
Đây cũng là những lĩnh vực mà Mỹ có tiềm năng và thế mạnh. Hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau để hai bên cùng phát triển.
Đại diện các doanh nghiệp hai bên đã có các trao đổi cởi mở, thẳng thắn và thực chất về cơ hội hợp tác đầu tư; trong đó tập trung vào bốn lĩnh vực chính như công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư sản xuất; dịch vụ tài chính và fintech và thương mại, dịch vụ.
Các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan tâm hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, sản xuất nhiên liệu sạch, hydrogen, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh mạng thông tin, trí tuệ nhân tạo…
Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng mong muốn và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất chất bán dẫn, chip điện tử, phát triển mạng 5G, đào tạo nguồn nhân lực, ươm mầm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết một trong những trọng tâm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden là "thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: "Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện".
Thủ tướng và Tổng thống Joe Biden đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Nhất trí với quan điểm của Tổng thống Mỹ "đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai của chúng ta", Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước dành thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực ưu tiên cho đầu tư khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, đổi mới phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng; đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Vì vậy, Việt Nam đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực chủ yếu cho phát triển đất nước. Với phương châm "lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá", chính sách nhất quán của Việt Nam là kêu gọi đầu tư, mở cửa thị trường với tất cả các đối tác, doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhất là các doanh nghiệp Mỹ.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển ngành chuyển đổi số, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính; các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, trong đó có Mỹ.
Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị của Chính phủ Mỹ, của Tổng thống Joe Biden; sự cam kết về vốn, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, nhanh, bền vững và bao trùm.
Với quan điểm "nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp", Thủ tướng cho rằng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên sức mạnh mới, giá trị mới; đề nghị cùng hợp tác, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "thành công của các bạn là thành công của chúng tôi".
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua; cho rằng hiện nay là cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo, mà trên tất cả các lĩnh vực, nhằm mang lại sự phồn thịnh chung. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là điểm khởi đầu; hai nước, doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau củng cố, tăng cường hợp tác để tiến xa hơn trong tương lai.
Mỹ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để nắm bắt cơ hội, tiềm năng của mình; đề nghị Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy phát triển, trong đó có các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh việc hợp tác, chia sẻ không chỉ trong lúc phát triển thuận lợi, mà ngay cả khi khó khăn, rủi ro có thể xảy ra.
Trước đó, theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, ngoài các hợp đồng lớn, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai bên dự kiến khởi động một số sáng kiến hợp tác về bán dẫn và đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Từ mức chỉ khoảng 450 triệu USD năm 1995, đến năm 2022 Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân 16% mỗi năm.
Đến năm 2023, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng. Hiện Mỹ có khoảng 1.200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận