01/11/2023 16:30 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng: Điều hành chính sách tiền tệ năm nay gặp rất nhiều khó khăn

Giải trình thêm về quản lý trong lĩnh vực ngân hàng tại Quốc hội ngày 1-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay gặp rất nhiều khó khăn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Quochoi.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Quochoi.vn

Những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn, tạo nên áp lực với chính sách tiền tệ khi phải thực hiện nhiều mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống trong mọi tình huống…

Điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn

Trong đó, về điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng, bà Hồng nói nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng. Dẫn chứng là dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong số các nước cao nhất thế giới, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.

Tuy vậy, theo thống đốc, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt về tín dụng, thực hiện các giải pháp để thúc đẩy cả bên cung vốn tín dụng cũng như các giải pháp để thúc đẩy bên cầu vốn tín dụng.

Đối với chính sách bên cung, bà Hồng nói với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, giúp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.

Với các chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất, nhằm giúp đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái.

“Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1% so với cuối năm ngoái; so với trước đại dịch COVID-19 thì đã trở về bằng, thậm chí giảm hơn khoảng 0,3%”, bà Hồng nói.

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư, chủ động đề xuất gói 120.000 tỉ đồng tín dụng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, gói tín dụng cho thủy sản 15.000 tỉ đồng... Tất cả những giải pháp này đã góp phần thúc đẩy cầu tín dụng.

Nhiều giải pháp tháo gỡ việc tiếp cận vốn

Chia sẻ với thống đốc, song đại biểu Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tranh luận hiện ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa khát vốn, không thể vay.

Ông Thân đề nghị ngoài các giải pháp tạo điều kiện của ngành ngân hàng, vẫn cần giải pháp tăng bơm vốn thông qua Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng cần xem xét mở rộng bảo lãnh tín dụng cho ngân hàng vay và giảm điều kiện cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đặc thù của Việt Nam.

Về vấn đề này, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương.

Việc tín dụng tăng trưởng chậm, đến ngày 27-10 là 7,1%, theo bà Hồng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.

Theo đó, các giải pháp tập trung là xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.

Thêm nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. Các bộ, các ngành và các địa phương đang quyết liệt để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

“Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ thì chắc chắn tín dụng sẽ được tăng theo quá trình này”, bà Hồng nói.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp đang gặp cảnh "làm thì lỗ, không làm thì phá sản"Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp đang gặp cảnh 'làm thì lỗ, không làm thì phá sản'

Ngày 1-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Việc thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên