Cộng lãi suất và phí thì số tiền người vay phải trả rất lớn
Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 31-10.
Phát biểu tại hội thảo, thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - cho biết thời gian qua, lực lượng công an đã khởi tố 90 vụ án với hơn 400 bị can hoạt động tín dụng đen.
Đáng lưu ý là có nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến công nghệ cao, thậm chí có cả đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam thành lập các công ty rồi thuê nhân viên là người Việt Nam. Hoạt động tín dụng đen chủ yếu trên môi trường không gian mạng và cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm/năm.
Khoản vay có số tiền rất nhỏ nhưng cộng lãi suất với các khoản phí thì số tiền người vay phải trả rất lớn.
Hình thức hoạt động phổ biến của tội phạm tín dụng đen là các đối tượng tạo lập ứng dụng, website giả mạo có logo, tên gọi, địa chỉ truy cập gần giống với các ứng dụng của ngân hàng, công ty tài chính chính thống để lôi kéo người vay.
"Vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá một số nhóm tội phạm núp bóng dưới công ty luật. Chúng mua bán các khoản nợ của công ty tài chính rồi gọi điện đe dọa người vay, người thân, đồng nghiệp của người vay để đòi nợ. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản" - thiếu tá Sơn nhấn mạnh.
Về tình hình tội phạm tín dụng đen trong những tháng tới, thiếu tá Sơn dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và có hành vi đòi nợ gây bức xức trong dư luận.
Bởi trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập cũng như đời sống của người lao động bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm.
Cùng chung nhận định này, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - lo ngại nguy cơ tín dụng đen sẽ bùng phát.
Ông phân tích dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đến nay chỉ còn 135.000 tỉ đồng, giảm hơn 65.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, nợ xấu tăng rất cao đến 20%. Một trong những nguyên nhân là do người vay bị các hội nhóm trên mạng xã hội lôi kéo bùng nợ, trốn nợ.
"Do đó, hoạt động kinh doanh của công ty tài chính cho vay tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang rất khó khăn. Hệ quả là tín dụng đen trỗi dậy với hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng" - ông Hùng nói.
Tăng khả năng tiếp cận vốn chính thức cho người dân
Về giải pháp trong thời gian tới, để hạn chế tội phạm tín dụng đen, ông Sơn thông tin Cục Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục tăng cường đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm tín dụng đen.
Bên cạnh đó, các ý kiến tham gia hội thảo đề xuất cần tạo điều kiện cho người dân, nhất là công nhân, người lao động khó khăn, thu nhập thấp… tiếp cận vốn vay ở các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Song lãi suất cho vay tiêu dùng cũng phải được các công ty tài chính cân đối lại.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - khuyến nghị mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa 20-25%/năm. Đây là mức phù hợp đảm bảo khả năng chi trả của người vay cũng như đặc thù của hoạt động cho vay tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận