16/12/2020 08:13 GMT+7

Thông điệp 'tất cả vì dân' của ông Biden

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Sau khi được xác nhận thắng cuộc bỏ phiếu cử tri đoàn, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden truyền tải thông điệp đoàn kết, kêu gọi nước Mỹ 'sang trang', cùng đẩy lùi thách thức kinh tế và đại dịch.

Thông điệp tất cả vì dân của ông Biden - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và vợ khi phát biểu trong chương trình được truyền hình trực tiếp trên truyền hình ngày 14-12 - Ảnh: Reuters

Chúng ta đã nhiều lần trải qua gian khó trong lịch sử. Tôi biết chúng ta sẽ vượt qua lần này, nhưng phải cùng nhau. Đó là cách chúng ta vượt qua nó: cùng nhau.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden

"Trong cuộc chiến vì linh hồn của nước Mỹ, nền dân chủ đã thắng thế" - ông Biden nói trong phát biểu được truyền trực tiếp trên các đài truyền hình lớn của nước Mỹ đêm 14-12 (sáng 15-12, theo giờ Việt Nam).

Đồng hành cùng dân

Bài phát biểu của ông Biden xuất hiện sau cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri cùng ngày, trong đó xác nhận ông chiến thắng cuộc bầu cử năm nay, với 306 phiếu so với 232 phiếu của đương kim Tổng thống Donald Trump. Đây cũng là dịp để người Mỹ lần nữa có cái nhìn cận cảnh hơn về ưu tiên của tổng thống đắc cử.

Một trong những ưu tiên ấy là việc bắt tay vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra. Trong buổi sáng 14-12, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt mốc 300.000.

Ông nói: "Ngày hôm nay, quốc gia của chúng ta đã vượt một cột mốc nghiệt ngã: 300.000 người chết vì con virus corona này. Trái tim tôi đồng hành cùng từng người các bạn trong mùa đông tăm tối của đại dịch, những người sẽ có kỳ nghỉ chào đón năm mới với tấm lòng trĩu nặng, không có người thân bên cạnh; những người không thể ngủ mỗi đêm, nhìn lên trần nhà, gánh nỗi lo về những gì mà ngày mai có thể mang tới cho bạn và gia đình mình".

Phát biểu này - cũng có thể được xem là một dạng "thông điệp chiến thắng" - phản ánh thông điệp mà ông Biden muốn gửi tới người dân Mỹ trong suốt cuộc bầu cử năm nay: trong một nước Mỹ chia rẽ, ông sẽ là vị tổng thống của mọi người Mỹ. Nội dung bài này gần như cũng phản ánh chính xác giá trị của gia đình, vốn là những gì ông Biden muốn thể hiện trong sự nghiệp chính trị của mình.

Thời gian qua, cư dân mạng truyền tai nhau lá thư mà ông Biden gửi nhân viên của mình vào tháng 11-2014. Ông Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, viết rằng: "Tôi không kỳ vọng hay mong muốn bất kỳ ai trong các bạn bỏ lỡ hoặc hi sinh nghĩa vụ gia đình để phục vụ công việc... Thực tế, tôi sẽ đi xa hơn để nói rằng nếu tôi thấy bạn đang làm việc cho tôi mà bỏ lỡ những trách nhiệm quan trọng với gia đình, điều này sẽ khiến tôi rất thất vọng. Đây là luật bất thành văn của tôi từ những ngày còn là thượng nghị sĩ".

Kêu gọi đoàn kết

Kết quả bỏ phiếu đại cử tri vừa qua cũng gián tiếp xác nhận việc ông Biden thực sự tạo ra một cột mốc, khi trở thành tổng thống được bầu với số phiếu cao nhất lịch sử: 81 triệu phiếu. 

Tuy vậy, dù dư luận có đồng tình tới cỡ nào, một thực tế không thể chối bỏ là việc hai đảng của Mỹ đã chia rẽ rất sâu sắc. Tới nay, như đánh giá của hãng tin AP, nhiều nhân vật chủ chốt bên Đảng Cộng hòa tiếp tục ủng hộ đương kim Tổng thống Trump - người cho rằng cuộc bầu cử này có gian lận.

Tình trạng này được xem sẽ tạo thách thức rất lớn cho nhiệm kỳ sắp tới của ông Biden. Và nó góp phần lý giải vì sao trong thông điệp ngày 14-12 nêu trên, ông Biden càng thúc đẩy sự đoàn kết trong chính trường Mỹ bằng cách khẳng định đã tới lúc "giở sang trang mới" và đoàn kết để cùng vượt qua thách thức.

"Giờ là lúc giở sang trang mới như chúng ta đã làm suốt lịch sử của mình, đoàn kết, để chữa lành vết thương... Chúng ta phải làm việc cùng nhau, cho nhau cơ hội và hạ nhiệt căng thẳng" - ông nói.

Theo AP, hiệu quả trong thông điệp của ông Biden với Đảng Cộng hòa vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Kể cả khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden vẫn sẽ đối mặt với một Thượng viện đầy chia rẽ. 

Tháng tới, cuộc bầu cử ở Georgia sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện, trong khi đó lợi thế của Đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng bị thu hẹp sau khi một số thành viên Cộng hòa vẫn thắng ghế bất chấp tổng thống của họ thất bại.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ rời nhiệm sở sớm

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr ngày 14-12 (giờ Mỹ) thông báo quyết định sẽ rời nhiệm sở vào ngày 23-12, sớm hơn thời hạn lý thuyết là 20-1.

Tổng thống Mỹ Trump đã công bố việc từ chức của ông Barr ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn, trong đó ghi nhận thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay.

Đài CNN cũng nhận xét rằng sự ra đi sớm của ông Barr là đòn mạnh giáng vào chiến dịch kiện kết quả bầu cử năm nay. Trong thông báo trên, ông Trump khẳng định mối quan hệ của mình với bộ trưởng tư pháp "rất tốt", dù dư luận râm ran về những bất đồng giữa hai người. Trong thư thông báo rời nhiệm sở, ông Barr cũng dành lời lẽ tốt đẹp cho tổng thống, ca ngợi thành quả của ông Trump. Một nguồn tin Nhà Trắng cũng nói ông Barr không hề bị ép từ chức.

Trong thư, ông Barr cũng cho rằng những cáo buộc về gian lận bầu cử sẽ tiếp tục được xem xét. Sắp tới, người thay ông Barr sẽ là ông Jeff Rosen - trước đó là cấp phó của ông Barr.

Thắng phiếu cử tri đoàn, ông Biden chỉ trích ông Trump Thắng phiếu cử tri đoàn, ông Biden chỉ trích ông Trump 'không tôn trọng ý dân'

TTO - Bài phát biểu đánh dấu chiến thắng về mặt cử tri đoàn của ông Biden có những lời chỉ trích chưa từng có nhắm vào ông Trump. "Không gì dập tắt được ngọn lửa dân chủ của nước Mỹ, kể cả một đại dịch hay lạm dụng quyền lực", ông Biden tuyên bố.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên