04/05/2021 13:30 GMT+7

Thị uy ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Trung Quốc đã liên tục phô trương sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Mới đây nhất, Thời báo Hoàn Cầu và Nhân Dân nhật báo ngày 2-5 lần đầu tiên xác nhận nhóm tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) "đang tiến hành một loạt cuộc tập trận trên Biển Đông".

Thị uy ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Sơn Đông (CV-17) của Hải quân Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình CCTV, Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Chính quyền Bắc Kinh dường như tin rằng bằng cách thị uy ở Biển Đông, các nước trong khu vực sẽ khuất phục. Nhưng có lẽ họ đã nhầm, Philippines là nước đầu tiên tuyên bố sẽ không để sức mạnh Trung Quốc làm lung lay ý chí.

Philippines có thể thân thiện và hợp tác với các nước khác, nhưng sẽ không bao giờ đánh đổi chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana

Nhiều toan tính

Động thái trên diễn ra không lâu sau khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) kết thúc đợt tập trận hơn 2 tuần ở Biển Đông. Gao Xiucheng, người phát ngôn của hải quân Trung Quốc, khẳng định nhóm tàu sân bay Sơn Đông tập trận là các hoạt động "chính đáng" để "bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" trong khu vực.

"Chúng tôi hi vọng thế giới bên ngoài sẽ nhìn nhận cuộc tập trận của tàu Sơn Đông một cách khách quan và hợp lý", ông Gao nêu quan điểm của chính quyền Bắc Kinh. Đáng chú ý, ông Gao xác nhận tàu Sơn Đông đang ở cùng "một nhóm các tàu khác" nhưng không tiết lộ chi tiết. Điều này có thể nhằm khẳng định tàu sân bay thứ hai của Bắc Kinh đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, đây là hoạt động đi biển tập trận đầu tiên của tàu sân bay Sơn Đông trong năm 2021. Các hình ảnh vệ tinh của Mỹ và châu Âu cho thấy tàu Sơn Đông bắt đầu rời căn cứ ở Tam Á vào ngày 28-4 để tiến ra Biển Đông. Động thái này diễn ra chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân đến Tam Á dự lễ biên chế 3 tàu chiến hiện đại nhất Trung Quốc cho hạm đội Nam Hải.

Trong số các tàu chiến được biên chế có tàu khu trục Đại Liên thuộc Type 055. Đây là tàu khu trục mạnh nhất và lớn nhất trong hải quân Trung Quốc, được các chuyên gia quân sự xem là "xương sống" trong đội hình tàu sân bay Trung Quốc. Một số chuyên gia Trung Quốc đã tỏ ra hoan hỉ trước lễ biên chế tàu Đại Liên, tự tin tuyên bố giờ đây Bắc Kinh đã có một nhóm tác chiến tàu sân bay thực thụ đồn trú ngay tại Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy trong suốt thời gian tàu Liêu Ninh ở Biển Đông (từ ngày 10 đến 25-4), tàu Sơn Đông hầu như nằm yên tại quân cảng ở Tam Á và chỉ ra biển sau khi tàu Liêu Ninh cập cảng Thanh Đảo. Đó có thể là một sự trùng hợp, nhưng cũng có thể là động thái tính toán rõ ràng nhằm gửi thông điệp tới thế giới và khu vực rằng các tàu sân bay Trung Quốc luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nói như Thời báo Hoàn Cầu, các tàu sân bay Trung Quốc "đang tích cực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để đối phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào mà Bắc Kinh đang phải đối mặt".

Philippines: "Trung Quốc hãy biến đi"

Căng thẳng trên Biển Đông hiện nay chủ yếu xuất phát từ các yêu sách hàng hải vô lý do Trung Quốc đưa ra. Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS 1982 đã bác bỏ các yêu sách này, cho rằng chúng không có cơ sở pháp lý. Bất chấp thực tế đó và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc liên tục leo thang bằng các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa những thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp.

Sự xuất hiện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc đáng ngờ ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh luôn "nói một đằng và làm một nẻo".

Philippines, một bên có tuyên bố chủ quyền đối với đá Ba Đầu, đã thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc chưa từng có kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016.

"Mặc dù chúng tôi thừa nhận khả năng quân sự của Trung Quốc tiên tiến hơn chúng tôi, điều đó không ngăn cản chúng tôi bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá của dân tộc bằng tất cả những gì chúng tôi có" - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố trên Twitter ngày 3-5. 

Trong thông cáo ngày 2-5, ông Lorenzana khẳng định Manila sẽ "không bị lung lay quan điểm" và tiếp tục các cuộc diễn tập, tuần tra trên Biển Đông. Theo truyền thông Philippines, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã có hành động "nguy hiểm" khi tàu Philippines diễn tập gần bãi cạn Scarborough hôm 25-4.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã thẳng thắn và mạnh mẽ với Bắc Kinh. "Này Trung Quốc bạn tôi ơi, bạn hãy biến đi. Bạn đang làm gì với tình bạn của chúng ta thế này?" - ông Locsin viết trên Twitter ngày 3-5. 

Hôm 8-4, Ngoại trưởng Locsin tuyên bố sẽ gửi công hàm mỗi ngày tới Bắc Kinh nếu Trung Quốc không rút tàu khỏi đá Ba Đầu và các thực thể khác ở Trường Sa. Và ông đã làm được, với sự phối hợp cùng Bộ Quốc phòng Philippines, để liên tục đưa ra các tuyên bố đáp trả Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc.

Tàu sân bay Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc đóng mới nội địa. Thiết kế của tàu dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh được mua từ Ukraine. Tàu Sơn Đông được biên chế cho hạm đội Nam Hải hồi tháng 12-2019.

Ngoại trưởng Philippines kêu Trung Quốc Ngoại trưởng Philippines kêu Trung Quốc 'cuốn gói’

TTO - Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 3-5 yêu cầu Trung Quốc ‘cuốn gói’ sau khi chính phủ nước này khẳng định các tàu Trung Quốc vẫn đang hiện diện gần đá Ba Đầu, trên vùng biển không thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên