Sau khi ngành bất động sản rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng vào năm ngoái, một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc bắt đầu nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
Ngành bất động sản Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt sau khi các hạn chế được nới lỏng vào năm 1998.
Trong hai thập kỷ, các nhà phát triển bất động sản đã có thể xây dựng hàng loạt dự án nhờ vay ngân hàng dễ dàng, song các khoản nợ của họ cũng "phình to" đến mức giới chức đã phải hạn chế hoạt động đi vay từ năm 2020.
Kể từ đó, khả năng tiếp cận tín dụng bị thu hẹp trong khi nhu cầu nhà ở yếu đi do suy thoái kinh tế và khủng hoảng niềm tin.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi "người khổng lồ" bất động sản Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản và cú sốc "cạn tiền" đã lan sang các nhà phát triển khác.
Từng là công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande cho biết họ đã ký một thỏa thuận tái cấu trúc với một nhóm chủ nợ quốc tế trong tháng 4.
Đây có thể là một thỏa thuận đột phá nhằm giảm bớt khoản nợ khổng lồ của tập đoàn này.
Theo Evergrande, kế hoạch này là một cột mốc tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực để công ty tiếp tục hoạt động và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Ở Trung Quốc, phần lớn bất động sản mới được thanh toán trước cả khi dự án bắt đầu xây dựng.
Chuyên gia Rosealea Yao của Công ty tư vấn kinh tế Gavekal-Dragonomics cho hay thị trường bất động sản chứng kiến sự sụt giảm tồi tệ nhất trong năm 2022, với doanh số bán nhà giảm 24%.
Đại dịch COVID-19 là một yếu tố gây bất an, khiến nhiều người mua tiềm năng trì hoãn quyết định mua nhà.
Lĩnh vực bất động sản cũng bị ảnh hưởng sau khi một số chủ nhà từ chối thanh toán khoản thế chấp hằng tháng, trong bối cảnh nhiều nhà phát triển bất động sản buộc phải ngừng xây dựng do thiếu tiền.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đã có dấu hiệu ổn định kể từ đầu năm 2023, theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings.
Tháng 3-2023, khảo sát của Cục Thống kê quốc gia (NBS) tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận giá bất động sản tăng đáng kể.
Trong số 70 thành phố khảo sát, 64 thành phố có giá nhà tăng lên, cao hơn mức 55 thành phố vào tháng 2-2023 và 36 thành phố vào tháng 1-2023.
Theo Shehzad Qazi - giám đốc điều hành của Công ty tư vấn China Beige Book, đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự phục hồi được chờ đợi từ lâu của lĩnh vực bất động sản.
John Lam, nhà phân tích về thị trường bất động sản Trung Quốc của Ngân hàng UBS, dự đoán sự phục hồi sẽ tiếp diễn trong vài tháng tới, nhưng trên cơ sở dài hạn hơn, năm 2024 hoặc năm 2025 sẽ không chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn.
Ông John Lam lập luận rằng xu hướng giảm dân số của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2022, sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu bất động sản.
Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng thúc đẩy quan điểm rằng nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ.
Chuyên gia Shehzad Qazi cũng cho rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi theo chu kỳ nhưng thời kỳ tăng trưởng chóng mặt có thể sẽ không quay trở lại.
Lĩnh vực bất động sản, cùng với xây dựng, đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc, và là trụ cột chính cho tăng trưởng của đất nước. Ngành này cũng đóng góp không nhỏ cho nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương.
Để vực dậy một lĩnh vực đang gặp khó khăn, chính phủ đã áp dụng một cách tiếp cận mang tính ổn định kể từ tháng 11-2022, với các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cho các nhà phát triển có năng lực tài chính tốt nhất.
Dù vậy, trong tháng 3-2023, số lượng công trình mới xây dựng đã giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhà kinh tế học Larry Hu từ Ngân hàng đầu tư Macquarie lý giải các nhà phát triển bất động sản vẫn giữ tâm lý thận trọng và họ đang ưu tiên hoàn thành các dự án hiện có hơn là bắt đầu những dự án mới.
Hơn nữa, sự phục hồi hiện nay chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, trong khi thị trường bất động sản ở các thành phố nhỏ hơn vẫn chưa có sự cải thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận