Hai bạn Ngọc Thủy (trái) và Tú Anh chọn công việc tự do (freelance) vì tính chất công việc thoải mái về thời gian và không bị gò bó - Ảnh: DUYÊN PHAN
Do đó, lao động trẻ cần chuẩn bị kỹ và cập nhật liên tục các kỹ năng mà công việc đòi hỏi.
Kỹ năng là mấu chốt
Vì có nhu cầu tuyển trợ lý nghiên cứu, vừa rồi tôi đăng tuyển trên mạng xã hội và trong vòng vài ngày đã nhận được gần 60 hồ sơ ứng tuyển. Vài bạn bị rớt ngay "vòng gửi xe" vì gửi email chỉ có hồ sơ đính kèm mà không có lấy một chữ trong nội dung email.
Với nhiều bạn khác, tôi thấy có điều đáng mừng là khả năng tiếng Anh của các bạn qua điểm số TOEIC hay TOEFL khá tốt. Tuy nhiên, nhiều kỹ năng tin học và số hóa của các bạn còn rất hạn chế. Chẳng hạn, những bạn học khối ngành kinh tế nhưng lại chưa đầu tư nhiều cho các kỹ năng liên quan đến các ứng dụng văn phòng, rất ít bạn biết đến những kỹ năng nâng cao như macros hay VBA.
Điều này làm tôi nhớ đến con số mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Nhưng nghịch lý là các doanh nghiệp khó tìm được ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc ngay, mà hầu hết phải đào tạo lại, nhất là các kỹ năng nghề nghiệp.
Theo thời gian, người lao động ngày càng cần nhiều kỹ năng hơn để đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Đối với các nhà tuyển dụng, sinh viên kinh tế thì phải thuần thục Excel, Word, Power Point hay ứng dụng nâng cao từ macros, VBA và một số phần mềm được sử dụng phổ biến trong doanh nghiệp như các phần mềm chuyên về thống kê, kinh tế lượng. Trong khi đó, sinh viên kiến trúc phải rành AutoCAD và một số phần mềm 3D; sinh viên công nghệ thông tin phải thạo một vài ngôn ngữ lập trình như Java, C, C++, Python, Ruby, MATLAB...
Ngoài ra, các kỹ năng về sử dụng máy vi tính, kỹ năng tìm kiếm thông tin hay các kỹ năng mềm khác cũng quan trọng không kém.
TS Võ Đình Trí - Ảnh: NVCC
Nắm bắt xu hướng làm việc tự do
Trên thế giới, xu hướng làm việc tự do ngày càng tăng. Chỉ riêng Mỹ năm 2016 đã có 55 triệu người làm việc tự do, chiếm 35% lực lượng lao động. Còn tại châu Âu, con số này lên đến cả trăm triệu người. Các công việc phù hợp với làm tự do bao gồm phát triển phần mềm, phát triển website, thiết kế, kiến trúc, tư vấn, viết blog hay quản trị mạng xã hội, nhập dữ liệu, gia sư hay thư ký...
Nhu cầu làm việc tự do ngày càng tăng không chỉ từ các tổ chức, doanh nghiệp, mà còn đến từ các cá nhân. Số lượng ngày càng tăng còn vì công việc đem lại sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống. Đối với nhiều người, công việc ổn định từ sáng đến chiều không đem lại sự năng động, và kết quả công việc không được ghi nhận đúng vì chúng cứ theo lối mòn và lặp lại. Có những người lấy làm việc tự do làm công việc và thu nhập chính, nhưng cũng có người xem đó là việc để tăng thu nhập.
Sự kết nối nhanh chóng và tiện lợi qua Internet ngày nay đã giúp những người làm việc tự do không còn bị giới hạn trong giới hạn địa lý của quốc gia mình đang sống. Ở TP.HCM hay New Delhi có thể làm việc cho một người hay công ty ở Paris hay New York. Tuy vậy, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn khi ngày càng có nhiều người tham gia thị trường. Điều này đòi hỏi phải cập nhật liên tục kỹ năng và kiến thức, trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác như một người làm kinh doanh thực thụ, chứ không chỉ làm chuyên môn.
Với các bạn trẻ Việt Nam, cơ hội việc làm luôn vẫn có cho những bạn biết chuẩn bị trước và nắm bắt được xu hướng việc làm trong tương lai. Khi có được những kỹ năng tốt thì thị trường việc làm không còn bị giới hạn về mặt địa lý. Theo người viết, sẽ đến lúc trong hồ sơ ứng tuyển, phần ngôn ngữ, thay vì các ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Pháp... thì sẽ là các ngôn ngữ lập trình.
Rèn kỹ năng nghề nghiệp
Có ba nhóm kỹ năng mà người lao động nào hầu như cũng phải có. Nếu như những kỹ năng cơ bản được cung cấp ở giai đoạn phổ thông thì hai nhóm kỹ năng còn lại là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm phải tự học và rèn luyện.
Thông thường, các kỹ năng nghề nghiệp được thể hiện rõ trong yêu cầu của nhà tuyển dụng. Muốn biết được những thông tin này, ngoài việc có thông tin từ những người đi trước trong ngành thì có thể biết được qua các mạng xã hội nghề nghiệp (như LinkedIn, Xing...) hay các trang việc làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận