12/05/2023 10:11 GMT+7

Thêm cơ chế đột phá cho TP.HCM

Hôm nay 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt là nghị quyết mới).

Thêm cơ chế đột phá cho TP.HCM - Ảnh 1.

Dự án đầu tư công nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức, TP.HCM) điều chỉnh thời gian thực hiện và quy mô đầu tư từ 1.998 tỉ lên 3.622 tỉ đồng. Đến nay dự án vẫn còn dở dang, thường xuyên xảy ra kẹt xe và tai nạn giao thông, ảnh chụp sáng 11-5 - Ảnh: TỰ TRUNG

Nếu nghị quyết mới về cơ chế đột phá, vượt trội được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 này sẽ rất có giá trị bởi với thời gian thí điểm hai năm, chúng ta đủ thời gian tổng kết, rút kinh nghiệm để đưa vào nhiệm vụ, phương hướng thực hiện nhiệm kỳ tới. Nếu chậm hơn, không đủ thời gian tổng kết sẽ lỡ cơ hội.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nhận định dự thảo nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách đề xuất đã truyền tải hết những "vũ khí" đột phá, vượt trội để TP.HCM thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ lớn lao được Bộ Chính trị giao trong nghị quyết 31 về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

* Sứ mệnh, nhiệm vụ lớn lao đó là gì, thưa ông?

- Trong nghị quyết 31, Bộ Chính trị giao cho TP sứ mệnh, trọng trách lớn lao là xây dựng TP có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 phải phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á.

Đặc biệt, TP.HCM cũng được giao những công cụ, vũ khí sắc bén khi đặt ra nhiệm vụ phải có chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.HCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Để đạt được mục tiêu trên chỉ có cách phải tạo ra một nghị quyết mới với những cơ chế vượt trội thay thế nghị quyết cũ.

* Dự thảo nghị quyết mới, theo ông, đã truyền tải hết những "vũ khí" đột phá, vượt trội?

- Nói ngắn gọn, TP.HCM cần và phải có một thể chế tương thích với đặc thù của một đô thị đặc biệt. Đô thị này có quy mô dân số cao, lớn nhất nước và nằm trong top 20 các TP đông dân nhất thế giới. 

TP có quy mô kinh tế lớn nhất nước, chiếm khoảng 16 - 17% GDP, đóng góp 26 - 27% tổng thu ngân sách toàn quốc và số lượng doanh nghiệp chiếm 1/3 cả nước.

Hàng loạt tiềm năng, lợi thế về vị trí cửa ngõ, quy mô dân số, kinh tế... được nhìn nhận nhưng chưa phát huy, khai thác hết. 

Hơn nữa, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, sự đột phá của trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao hiện nay đòi hỏi cần những cơ chế để phát triển TP thành đô thị thông minh. 

Bối cảnh đó đòi hỏi TP phải có những cơ chế đột phá để giải cùng lúc nhiều bài toán về quản lý dân cư, quản lý đô thị, quy hoạch, giao thông, con người...

Tuy nhiên, đến lúc này có thể nhận định những cơ chế đưa ra trong dự thảo nghị quyết đã đủ tạo đột phá, vượt trội để đầu tàu chuyển bánh và lấy lại đà tăng trưởng, vị thế của mình.

* Nhưng TP.HCM đã có nghị quyết 54?

- Nghị quyết 54 chưa bao phủ hết nội dung của đô thị đặc biệt. Thời điểm đề xuất các chính sách trong nghị quyết này chủ yếu tập trung vào các cơ chế tạo động lực thúc đẩy nguồn lực đầu tư công để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng. 

Như đã nói, nghị quyết 31 của Bộ Chính trị hiện đặt mục tiêu, kỳ vọng phát triển TP ở tầm cao, vị thế mới.

Mục tiêu hướng đến rộng hơn, cao hơn, cho nên nghị quyết mới cũng phải bao phủ rộng, toàn diện hơn. 

Không chỉ vấn đề tài chính, đầu tư công mà còn các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội về quản lý, quản trị, đầu tư, quy hoạch và kể cả huy động tất cả nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển.

Thêm cơ chế đột phá cho TP.HCM - Ảnh 3.

Cống Tân Thuận đã hoàn thành 90% khối lượng, do ngừng thi công đã lâu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ông có thể nói rõ hơn những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội được đề xuất?

- Ngoài các cơ chế kế thừa nghị quyết 54 hay cơ chế mà địa phương khác đã làm, điểm đặc biệt trong dự thảo nghị quyết mới đề xuất đến 22 cơ chế chưa được quy định trong luật và 6 cơ chế đã có trong dự thảo các luật đang trình sửa đổi để thí điểm thực hiện trước. Những cơ chế này thực sự vượt trội với kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá về kinh tế - xã hội.

Chẳng hạn, nếu cơ chế phân bổ và bố trí vốn đầu tư được thông qua, HĐND TP sẽ được chủ động, linh hoạt sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương bố trí vốn đầu tư công trung hạn để làm các dự án quan trọng.

Thay vì chuyển về ngân sách trung ương hoặc để dự phòng như trước nay, số tiền tăng thu ngân sách so với dự kiến được phân bổ thêm vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để làm các dự án sẽ tạo đột phá trong đầu tư, phát triển hạ tầng.

Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cũng sẽ tạo cơ chế vượt trội huy động nguồn lực xã hội, lấp khoảng trống đầu tư công trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, di tích và di sản. Đầu tư khu vực tư nhân của TP đang chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư xã hội, tính luôn khu vực đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85 - 87% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đầu tư công chỉ chiếm khoảng 13%. Như vậy, cơ chế này tạo điều kiện để TP có thể huy động nguồn lực đầu tư xã hội vào đầu tư, phát triển ở những lĩnh vực chưa được luật cho phép.

* Với nhiều cơ chế thực sự vượt trội, đột phá chưa được quy định trong luật, sẽ có ý kiến là TP xin nhiều cơ chế?

- Một nghị quyết về cơ chế để tạo động lực phát triển, chúng ta nên nghĩ theo hướng cơ chế đó có phù hợp, có cần thiết hay không chứ không phải nhiều hay ít.

Khác với bối cảnh khi ban hành nghị quyết 54, lần này ngoài việc TP.HCM xin cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình phát triển, Bộ Chính trị còn xác định trao cho TP thí điểm những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội.

Có thể hiểu ngoài những cơ chế đi xin, TP với vai trò đầu tàu phải nhận lãnh sứ mệnh thí điểm những cơ chế mới để rút kinh nghiệm, tạo tiền đề nhân rộng cả nước. Nhiều cơ chế trong nghị quyết 54 cũng đã được nhân rộng ngay sau khi TP thực hiện.

* Những cơ chế đột phá, vượt trội hẳn không dừng lại ở việc thí điểm để nhân rộng?

- Đúng vậy. Có một điểm vượt trội của TP.HCM khi chi ngân sách 1 đồng sẽ thu về ngân sách được 5 đồng, và thu hút được thêm 9 đồng đầu tư từ xã hội. Theo tính toán, nếu tăng đầu tư công thêm 10%, kinh tế TP sẽ tăng trưởng thêm 0,7%.

Trong năm năm thực hiện nghị quyết 54, TP.HCM đã thu 2 triệu tỉ, trong đó TP chi 400.000 tỉ, chuyển về Trung ương khoảng 1,6 triệu tỉ. 

Với tỉ lệ điều tiết ngân sách giữa TP và Trung ương hiện là 21/79%, nếu thu ngân sách TP tăng 100 đồng, cả nước có thêm 79 đồng. Như vậy tạo ra cơ chế cho TP phát triển, cả nước có điều kiện phát triển.

Trong bối cảnh, điều kiện tăng trưởng kinh tế TP có xu hướng chậm lại, việc có thêm cơ chế thu hút nguồn lực xã hội sẽ giúp TP tăng trưởng nhanh và bền vững hơn. 

TP tăng nguồn thu ngân sách, đương nhiên cả nước có nhiều nguồn lợi hơn, từ đó có điều kiện đầu tư cho hạ tầng, kinh tế - xã hội và có điều kiện chăm chút đầu tư hơn cho những khu vực địa phương còn nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, biên giới.

* Ông Vương Đình Huệ (chủ tịch Quốc hội):

Cần cơ chế để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được Chính phủ chuẩn bị rất công phu và Đảng đoàn Quốc hội đã có hai buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM để cho ý kiến vào dự thảo.

Dự kiến có 8 nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế được Chính phủ trình, trong đó có 27 chính sách cụ thể là chính sách mới nằm trong 7-8 nhóm chính sách.

Có 13 loại chính sách gồm: chính sách kế thừa hoàn toàn nghị quyết 54 và một số chính sách kế thừa nhưng hoàn thiện hơn. Một số loại chính sách cụ thể được đưa vào các dự án luật hiện nay trình Quốc hội với hàm ý cho TP.HCM đi trước thực hiện.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách thí điểm để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Vì vậy, cần tiếp tục giao cho các cơ quan Quốc hội, Chính phủ phối hợp với TP.HCM nghiên cứu, xây dựng trong thời gian tới.

* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):

TP.HCM phải được phát triển đúng tầm

Với một TP lớn như TP.HCM, những chính sách chung cả nước áp vào cho TP sẽ chưa thực sự phù hợp, gò bó, dẫn đến không phát huy được hết tiềm năng, lợi thế cũng như tạo sự đột phá, phát triển nhanh hơn của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Để TP phát triển theo đúng vị trí, tầm quan trọng, cần phải có những chính sách mang tính đặc thù, đột phá.

Quá trình thực hiện nghị quyết 54 cũng rút ra nhiều vấn đề, trong đó có chính sách phát huy hiệu quả nhưng cũng có chính sách chưa có đủ điều kiện để phát huy, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bối cảnh điều kiện, thời hạn nghị quyết...

Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo ra ưu đãi, chính sách đột phá để TP phát triển, từ đó kéo theo sự phát triển của vùng, cả nước.

Phải khẳng định dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM đã được nghiên cứu, chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về phát triển TP.HCM.

Trong đó, số lượng các chính sách nhiều hơn, phạm vi, tính chất, mức độ đều thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho TP.HCM có thêm tiềm lực, tiềm năng, sự chủ động, sáng tạo để phát triển.

Với các cơ chế, chính sách đặc thù, sự chủ động được trao sẽ là "cần câu" được Quốc hội trao cho chứ không phải "con cá". Do đó, điều quan trọng chính là TP.HCM phải nắm bắt để kiên trì, sáng tạo thực hiện.

* Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):

Mạnh dạn loại bỏ những cán bộ sợ, không dám làm

Thời gian qua, tại TP.HCM cũng như nhiều bộ, ngành và địa phương có tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, gây ra hệ quả không tốt trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, người dân.

Để chấm dứt tình trạng này, nhất là khi TP.HCM sẽ có nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù, TP cần để mọi người hiểu thống nhất nếu làm đúng pháp luật và không tư lợi cá nhân sẽ không sợ gì cả.

Chỉ làm sai pháp luật mới phải sợ. Trong hành động, cần phát huy tính tự quản, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhiệm vụ đã giao cho cấp nào, người nào thì cấp đó, người đó phải thực hiện theo đúng quyền hạn được giao.

Với những người không đáp ứng yêu cầu công việc, không hoàn thành nhiệm vụ cần mạnh dạn loại bỏ, đưa vào diện tinh giản biên chế hoặc "để đứng sang một bên" chờ giải quyết chế độ, chính sách. Những cán bộ cảm thấy không đủ năng lực, sợ, không dám làm cũng nên tự xin nghỉ, chuyển ra ngoài tư nhân làm, để vị trí đó cho người có năng lực, trách nhiệm làm.

Đồng thời, cần khơi dậy những tấm gương, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và thổi bùng trong mỗi cán bộ của TP để xây dựng và phát triển.

THÀNH CHUNG

Mở ra nhiều cơ hội phát triển hạ tầng

Mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM là một trong những dự án TP.HCM dự kiến đầu tư theo phương thức hợp tác công tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM là một trong những dự án TP.HCM dự kiến đầu tư theo phương thức hợp tác công tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP, theo nhiều chuyên gia, khi được thông qua sẽ mang lại "làn gió mới" cho các dự án giao thông đang thiếu vốn.

Với nghị quyết mới, khi mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được áp dụng, HĐND TP sẽ quyết định sử dụng ngân sách để triển khai dự án đầu tư công độc lập.

Chẳng hạn, khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến metro số 1, metro số 2 và vùng phụ cận đường vành đai 3, TP sẽ thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị theo quy định.

Cơ chế mới này được đánh giá sẽ giúp nhanh chóng hoàn thiện các dự án metro. Bởi theo quy hoạch, TP có đầu tư tám tuyến đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỉ USD. Tuy nhiên, mới chỉ metro số 1 và metro số 2 triển khai bằng nguồn vốn ODA.

Theo các chuyên gia giao thông, việc vay ODA hết sức khó khăn trong khi nguồn ngân sách hạn chế sẽ rất khó để hoàn thiện các tuyến metro có tổng mức đầu tư cả tỉ USD. Cơ chế TOD là cơ hội giúp TP định hình, cải tạo lại đô thị theo hướng hiện đại, phát huy hiệu quả nguồn thu từ quỹ đất. Mặt khác, nguồn thu từ quỹ đất sẽ giúp cho TP đầu tư các dự án metro.

Dự thảo nghị quyết cho phép lĩnh vực giao thông được áp dụng cơ chế đầu tư theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường trục chính, đường trên cao trên đường hiện hữu.

Trên thực tế, tại TP đang có hàng loạt con đường trục chính có kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhưng rất nhiều năm qua chưa thể triển khai do vốn ngân sách hạn hẹp, nhất là từ khi bỏ quy định về đầu tư BOT trên đường hiện hữu và hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Do đó, kể từ khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời, chưa có một dự án giao thông tại TP triển khai theo hình thức này.

Dự thảo nghị quyết cũng có cơ chế cho phép TP tăng phần vốn nhà nước tham gia dự án được đến 70% (quy định hiện nay là 50%). Đây cũng là điểm mấu chốt để thu hút nhà đầu tư bởi đa số các dự án trục đô thị đi qua khu dân cư đông đúc, tổng mức đầu tư lớn, trong đó tỉ trọng mặt bằng chiếm hơn một nửa.

Cơ chế này không chỉ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia mà còn giúp cho người dân giảm mức chi trả phí BOT, đảm bảo khả thi dự án.

ĐỨC PHÚ

Dự thảo cũng cho phép TP đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia dự án ngay trong giai đoạn TP chưa có khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn. TP sẽ thanh toán (trả chậm) cho nhà đầu tư sau khi công trình hoàn thành từ nguồn cổ phần hóa, khai thác quỹ đất...

Như vậy, TP có thể triển khai ngay hàng loạt dự án nằm trong danh mục trọng điểm giai đoạn từ nay đến năm 2025 mà chưa có tiền như dự án cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao Đài liệt sĩ, mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Chủ tịch Quốc hội: Sẽ có 27 chính sách mới trong cơ chế đặc thù phát triển TP.HCMChủ tịch Quốc hội: Sẽ có 27 chính sách mới trong cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến có 8 nhóm chính sách liên quan 44 cơ chế, trong đó có 27 chính sách cụ thể mới được Chính phủ trình trong cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên