Tết này các bác sĩ thuộc Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ở Hà Nội sẽ đảm đương rất nhiều nhiệm vụ, trong đó có hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà 24/24. Trong hình, bác sĩ Vũ Quang Huy, thành viên mạng lưới, sẽ trực xuyên Tết - Ảnh: NVCC
Suốt 10 năm gắn bó với nghề y, có lẽ đây là quãng thời gian đặc biệt với đại úy, bác sĩ Dương Văn Hiếu (Bệnh viện 19-8 Bộ Công an) khi anh phải hỗ trợ một số lượng bệnh nhân rất lớn, hầu hết là bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Trong năm mới Nhâm Dần 2022, bản thân tôi có mong muốn rất lớn là mong cho đại dịch sớm qua đi, nhân dân cũng như tập thể các bác sĩ trở lại cuộc sống bình thường
bác sĩ Dương Văn Hiếu
Đảm đương "3 vai"
Tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ở Hà Nội, trong thời điểm Tết Nguyên đán, bác sĩ Hiếu và những thành viên khác phải đảm đương "3 vai": vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia trực tổng đài chăm sóc bệnh nhân F0 điều trị tại nhà và dành thời gian cho gia đình trong những ngày Tết.
Hiện nay, nhóm của bác sĩ Hiếu (gồm 10 bác sĩ và 30 tình nguyện viên) phụ trách hỗ trợ cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Qua phần mềm của Sở Y tế Hà Nội, "thầy thuốc đồng hành" sẽ chủ động gọi cho bệnh nhân, trực tiếp tư vấn 24/24.
Đại úy, bác sĩ Dương Văn Hiếu - Ảnh: HÀ THANH
"Các bác sĩ không chỉ hỗ trợ về chuyên môn y tế mà còn tư vấn cho bệnh nhân về các mảng khác, hỏi thăm và ghi nhận bệnh nhân có cần giúp đỡ lương thực thực phẩm, nhu cầu thiết yếu gì không để phối hợp với các cơ quan đoàn thể hỗ trợ kịp thời, tối đa cho bệnh nhân, đảm bảo người bệnh có đủ điều kiện điều trị và cách ly tại nhà" - bác sĩ Hiếu nói.
Hỏi về dự định của bác sĩ trong dịp Tết, anh bác sĩ trẻ cười hiền: "Các bác sĩ thì không có Tết đâu". Dịp Tết khối lượng việc chung, việc riêng tăng lên gấp nhiều lần, anh nói thêm nhóm thầy thuốc đồng hành đã "lên dây cót" hỗ trợ các bệnh nhân F0 24/24 xuyên Tết.
"Là F0 đã khó khăn cho bệnh nhân rồi, còn F0 vào đúng dịp Tết thì bệnh nhân cần hỗ trợ tâm lý nhiều hơn. Cho nên các bác sĩ sẽ cố gắng dành nhiều thời gian cho bệnh nhân hơn. Tất nhiên như vậy sẽ hy sinh rất nhiều thứ như thời gian cho bản thân và gia đình, nhưng chúng tôi mong mỏi làm sao hỗ trợ bệnh nhân vượt qua đại dịch nhanh nhất. Mỗi cuộc gọi sớm sẽ thêm một phút giây cho bệnh nhân được khỏi nhanh hơn" - bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Sẻ bớt khó khăn ở "điểm nóng"
Giữa tháng 7-2021, từ Hà Nội, bác sĩ Vũ Quang Huy (30 tuổi, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) đã xung phong tham gia mạng lưới chăm sóc và tư vấn cho F0 tại nhà tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Khi dịch ở TP.HCM hạ nhiệt, dịch ở Hà Nội bước vào giai đoạn căng thẳng, bác sĩ trẻ này lại tiếp tục đảm đương nhiệm vụ, tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ở Hà Nội.
Trong vai trò của bác sĩ quản lý mạng lưới ở quận Tây Hồ, anh triển khai nhiệm vụ, phân công cho các bác sĩ thành viên và tình nguyện viên.
Bên cạnh đó, anh cũng tham gia phân tầng nguy cơ, chăm sóc các bệnh nhân F0. Khó khăn nhất là cao điểm cuối tháng 12, đầu tháng 1 khi quận Tây Hồ chuyển sang vùng cam, trong đó có 6/8 phường vùng cam.
Bác sĩ Vũ Quang Huy, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tham gia trực tổng đài 1022 tại các điểm nóng TP.HCM, các tỉnh phía Nam và hiện nay là Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH
"Thời điểm đó, số lượng bệnh nhân cập nhật lên hệ thống khoảng 200 - 300 bệnh nhân/ngày. Với nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y tế địa phương cũng như Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, chúng tôi kịp thời phân tầng nguy cơ, phối hợp phân luồng bệnh nhân để giúp họ tiếp cận hỗ trợ y tế kịp thời và nhanh chóng nhất" - bác sĩ Huy chia sẻ.
Tết này, bác sĩ Huy tham gia điều trị F0 ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong đó có 2 ngày Tết phải trực 24/24 ở bệnh viện.
"Tôi mong sao dịch bệnh sớm qua đi để chúng ta có được khoảnh khắc mùa xuân năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, bình an nhất", anh nói.
Triển khai từ ngày 20-12-2021, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội có 1.500 bác sĩ và tình nguyện viên trên cả nước tham gia. Công việc hằng ngày của các thầy thuốc là nhận cuộc gọi từ các F0 và F1 nghi vấn qua Tổng đài 1022.
Bên cạnh đó, bác sĩ chủ động gọi điện thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người bệnh (hướng dẫn các bài tập thở, cách dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe…); đánh giá tình trạng bệnh nhân; sàng lọc phân nhóm các bệnh nhân thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ, từ đó đưa ra khuyến cáo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu.
Kết nối với Sở Y tế, 115 cùng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung, khu cách ly để chuyển các bệnh nhân nặng tới cấp cứu.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Thành, phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, cho biết trong dịp Tết này mạng lưới sẽ luôn rà soát, đảm bảo trực 24/24 để các trường hợp gọi điện đến đều sẽ có người tiếp nhận.
Ngoài ra, sẽ có một lực lượng các bác sĩ thường trực ở Hà Nội để khi có thông tin, luôn luôn phản hồi cho y tế địa phương nắm được các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, từ đó giúp bệnh nhân được nhập viện, cấp cứu kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận