14/07/2020 11:27 GMT+7

Thấy rồi, sửa không?

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TTO - Khi vá các lỗ hổng, chuyện tình - lý phải được cân nhắc để có cách sửa chữa tốt nhất, trong đó lý vẫn phải đặt lên trên, vì lợi ích chung cả cộng đồng. Thấy rồi, phải sửa, dù biết đau, vất vả nhưng tất cả nên chung tay cùng với Nhà nước.

Trên số báo hôm nay, một số câu chuyện, lĩnh vực khác nhau nhưng đều có cùng bài học, đó là thấy không ổn nhưng không sửa và nay phải lãnh hậu quả: từ bệnh bạch hầu nguy hiểm quay lại; condotel là loại hình bất động sản gì; và cuối cùng là giao thông ở TP.HCM, biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Trên trang 14 là câu chuyện dịch bạch hầu "uy hiếp" Tây Nguyên trong khi nhiều người dân không muốn đi chích ngừa.

Dù từ năm 2013, Chính phủ đã có quy định phạt người không chấp hành tiêm chủng, phòng bệnh lây nhiễm nhưng hiện tại ngành y tế địa phương vẫn muốn tiếp tục vận động, tuyên truyền vì "không thể đè họ ra mà tiêm được".

Cách làm ấy cũng có thể là chuyện từ 7 năm trước, rất dễ thông cảm nhưng nay thì vì một người, một nhóm do không tiêm chủng đã mắc bệnh, gây lo lắng cho cộng đồng.

"Lỗ hổng" về tiêm chủng sau 7 năm được quy định bằng pháp luật là chuyện cần nghiêm túc nhìn nhận, không chỉ ở các địa phương đang có dịch ở Tây Nguyên mà là của chính ngành y tế cũng như các địa phương có dân di cư đến vùng đất này mưu sinh, lập nghiệp là vậy.

Trên trang 5 là câu chuyện về condotel. Khi Bộ Công an kiến nghị thanh tra, xử lý sai phạm trong đầu tư condotel tại các địa phương, đã xuất hiện nhiều lo lắng.

Một tài khoản Facebook tại Đà Nẵng thốt lên: "Hàng trăm nghìn tỉ đồng cùng hàng vạn căn hộ người dân đã mua sẽ "treo", ở không xong mà mua bán cũng chẳng được. Nếu cơ quan chức năng có trách nhiệm, khi chấp thuận dự án, cấp phép xây dựng rình rang, mua bán ầm ầm, sao không ách lại giúp họ với".

Thật vậy, chuyện về condotel vài năm gần đây đã gây ra tranh luận rất nhiều về tính pháp lý, vậy mà người ta vẫn rao bán, vẫn kinh doanh... Và nay nếu trả lại đúng khuôn phép của pháp luật, chắc chắn không chỉ doanh nghiệp mà hàng vạn người đã mua condotel mất ăn mất ngủ.

Cuối cùng trên trang 2-3 là câu chuyện không còn đường lùi trong việc cải thiện giao thông ở TP.HCM.

"Nếu không làm, 5 năm nữa sẽ kẹt xe toàn TP" như khẳng định của đại diện Sở GTVT TP.HCM. Tình hình đã quá cấp bách, chẳng còn đường lùi. Đây là "lỗ hổng" về giao thông cho TP đã được nhận diện từ hàng chục năm trước nhưng không được vá.

Vì không vá nên tình hình cứ ngày một tệ đi, đến mức đã ngấp nghé ngưỡng cửa vỡ trận. Vậy đến bao giờ mới có thay đổi? Và ai sẽ là người vá lỗ hổng đó?

Khi vá các lỗ hổng, chuyện tình - lý phải được cân nhắc để có cách sửa chữa tốt nhất, trong đó lý vẫn phải được đặt lên trên, vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Hàng trăm ngàn tỉ đã được đổ vào condotel, nay thoát vốn ra thế nào, chưa ai biết được...

Nhưng với dịch bệnh, khi dịch bệnh bùng lên, chúng ta sẽ phải kêu lên giá mà tất cả đã được (và tự nguyện) tiêm chủng tốt. Với giao thông, khi ra đường gặp kẹt xe, có muốn quay lại với xe công cộng cũng khó.

Thấy rồi, phải sửa thôi, dù biết là đau, là vất vả, là đụng chạm đến thói quen đi đứng của từng cá nhân... thì tất cả chúng ta đều phải nên chung tay vá lỗ hổng này cùng với Nhà nước.

Đối phó kẹt xe ở cửa ngõ TP.HCM dịp Tết: công bố lộ trình dự phòng cho xe khách Đối phó kẹt xe ở cửa ngõ TP.HCM dịp Tết: công bố lộ trình dự phòng cho xe khách

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa công bố lộ trình dự phòng cho xe ôtô khách đi lại trong dịp Tết Nguyên Đán. Dựa vào đó, khi xảy ra ùn tắc tại cửa ngõ miền Đông, miền Tây, các đơn vị vận tải có thể điều chỉnh lộ trình đi lại.

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên