Điều này cho thấy những nhà phân phối thuộc kênh phân phối hiện đại trên cả nước tự tin thực hiện các chương trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh toán không tiền mặt
Ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết như vậy khi đánh giá vai trò tích cực của thanh toán không tiền mặt đối với lĩnh vực bán lẻ nhân lễ hội Ngày không tiền mặt 16-6. Ông nói:
Bước sang năm thứ 6, "Ngày không tiền mặt 16-6" chứng minh vai trò truyền tải và lan tỏa được những thông điệp và giá trị tích cực về thanh toán không tiền mặt.
Điều này không chỉ góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt an toàn và tiện lợi mà còn tạo nên những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Chương trình đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại nhiều đề án như Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, và Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
* Vậy ông đánh giá thanh toán không tiền mặt đang chuyển động như thế nào trong ngành bán lẻ?
- Ông Nguyễn Anh Đức: Trong 5 tháng đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023, các chỉ số liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng ấn tượng với tỉ lệ tăng 57% về số lượng và 39,49% về giá trị.
Điều này cho thấy các nhà phân phối thuộc kênh phân phối hiện đại trên cả nước tự tin thực hiện các chương trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Các con số càng có ý nghĩa hơn khi trong nửa đầu năm 2024, bức tranh kinh tế của nước ta có nhiều khởi sắc. Điểm sáng đáng ghi nhận là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng qua các tháng, tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.998,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 77,5% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và may mặc đều có mức tăng trưởng tốt.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như TP.HCM tăng 6,8%; Hà Nội tăng 6,7%; trong đó chiếm tỉ lệ đáng kể là thanh toán không tiền mặt.
Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng cho thanh toán không tiền mặt
* Theo ông, thanh toán không tiền mặt mang lại lợi ích gì cho các nhà phân phối?
- Thanh toán không tiền mặt giúp các nhà phân phối nắm bắt được xu hướng tiêu dùng và sức mua thông qua thanh toán trực tuyến.
Điều này giúp họ xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Chẳng hạn nhờ quan sát túi tiền của khách hàng, nhà bán lẻ nhìn ra xu hướng tiêu dùng từ đầu năm đến nay đang chuyển vào nhóm hàng chăm sóc sức khỏe, nông sản tươi, sản phẩm từ sữa.
Những nhóm hàng này chiếm đến 40% túi tiền mua sắm của khách hàng. Các nhà phân phối đã chủ động điều chỉnh để kịp nắm bắt xu hướng này, từ trưng bày hàng hóa, sắp xếp quầy kệ đến thiết kế các chương trình khuyến mãi, đảm bảo tính sẵn có của sản phẩm.
Phải nhấn mạnh rằng thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Hệ thống phân phối hiện đại, thương mại điện tử mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, tỉ trọng chiếm lĩnh chỉ từ 10 - 20%.
Trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cùng với những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nên tảng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà bán lẻ nội địa đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ nội địa cần phải liên tục đổi mới các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhanh chóng ở chặng cuối như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày, ứng dụng các công cụ trực tuyến để giúp khách hàng lựa chọn/thử hàng/chuyển đổi/trả hàng (ví dụ quần áo, giày dép) cũng như thanh toán không tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện nhất.
* Nhân Ngày không tiền mặt 16-6, hệ thống phân phối hiện đại có những hoạt động gì đặc biệt?
Hệ thống phân phối hiện đại bao gồm các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ tổ chức hàng loạt các chương trình khuyến khích khách hàng mua sắm không tiền mặt.
Ví dụ, Saigon Co.op phối hợp với các đối tác công nghệ như VNPAY, MOMO để tặng quà ngay cho khách hàng nếu họ mua sắm tại siêu thị và sử dụng công nghệ không tiền mặt để thanh toán. Saigon Co.op cũng giới thiệu tính năng thanh toán bằng nhận diện gương mặt dựa trên ứng dụng công nghệ AI, giúp khách hàng có những trải nghiệm thú vị và thuận tiện hơn khi thanh toán.
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hiện đã áp dụng nhiều hình thức tiên tiến để khuyến khích khách hàng mua sắm không dùng tiền mặt như dùng thẻ hoặc ví điện tử. Các quầy thu ngân của Saigon Co.op đều có bố trí đầu đọc thẻ và thường xuyên phối hợp với các ngân hàng tổ chức khuyến mãi, tặng điểm, tặng quà, thưởng tiền trực tiếp vào thẻ cho khách hàng.
Thông qua đầu tư hạ tầng cho thanh toán không tiền mặt, các nhà bán lẻ nội địa tin tưởng sẽ cải thiện được sức cạnh tranh, góp phần hiện thực chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2024 "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận