10/06/2019 13:36 GMT+7

'Thanh toán điện tử không có tác hại mà chỉ có... tác lợi'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ý tưởng "Ngày không dùng tiền mặt" do báo Tuổi Trẻ phát động nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội - nói đây là sự "đón đầu một xu hướng mới".

Thanh toán điện tử không có tác hại mà chỉ có... tác lợi - Ảnh 1.

"Thanh toán điện tử chắc chắn là xu hướng của tương lai" - ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Ảnh: B.D.

"Nếu Việt Nam sớm phổ biến rộng rãi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thì không có tác hại mà chỉ có... tác lợi. Đó là việc kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn, giúp minh bạch nền tài chính và hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống tham nhũng", ông Lê Thanh Vân nói với PV Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội sáng 10-6.

"Hỗ trợ đắc lực cho phòng chống tham nhũng"

* Theo ông, tạo được thói quen thanh toán số thì sẽ có những lợi ích nào?

Cái lợi dễ thấy được nhất là kiểm soát được sự gia tăng về tài sản. Thứ hai là giúp cơ quan thuế biết được hoạt động giao dịch thương mại của các cá nhân, tổ chức kinh tế. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng chống tham nhũng. 

Nếu xã hội chỉ dùng tiền mặt đơn thuần thì dòng tiền sẽ không kiểm soát được hết. Ngân hàng Nhà nước sẽ không kiểm soát được lưu lượng dịch chuyển của đồng tiền giữa các khu vực nhà nước - tư nhân - nhà nước.

Hiện nay các công cụ quản lý, nền tảng hỗ trợ cho phòng chống tham nhũng cũng rất tốt. Một cá nhân khi có sự tăng giảm bất thường từ tài khoản thì ngân hàng sẽ nắm được và cung cấp cho cơ quan chống tham nhũng khi có yêu cầu. Cá nhân đó sẽ phải giải trình nguồn gốc số tiền đó.

Nếu dùng tiền mặt quá phổ biến trong lưu thông giao dịch thường ngày như hiện nay, người ta có thể đem tiền mặt đi đút lót. Khi áp dụng thanh toán số, có đưa tiền cũng không thể tiêu được bởi số tiền tiêu dùng sẽ bị khống chế.

* Việc thay đổi thói quen thanh toán đã từng được đặt vấn đề chưa?

Chủ trương thanh toán bằng công nghệ đã được tôi đặt vấn đề với Thủ tướng Chính phủ cách đây mười mấy năm rồi. Đề xuất của tôi lúc đó là giới hạn ở một chừng mực nào đó tiền mặt trong giao dịch thông thường. Ví dụ tiền mặt mỗi lần giao dịch tối đa 5-10 triệu đồng, nhiều hơn số này thì phải thanh toán số.

Không tiền mặt thật tiện lợi Không tiền mặt thật tiện lợi

TTO - Những tấm biển mang các thông điệp về Ngày không tiền mặt 16-6 đã xuất hiện trên các đường phố. Mọi thứ đã sẵn sàng cho sự kiện do báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.

"Thói quen thanh toán cũ vẫn đang là rào cản"

* Tại sao xu hướng thanh toán số hiện nay vẫn chưa được chấp nhận nhiều?

Một là nền tảng công nghệ của chúng ta chưa đáp ứng được thanh toán điện tử. Dù các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số đã có các ứng dụng như iPay, mobile money... nhưng tính phổ biến ngay cả trong phương tiện thực hiện giao dịch cũng chưa đồng bộ.

Thứ hai là thói quen tiêu tiền mặt kiểu "tiền trao cháo múc" vẫn còn rất phổ biến. Trong khi đó an ninh về thanh toán điện tử cũng chưa bảo đảm, người dân chưa thấy yên tâm khi giao dịch điện tử. Người ta chưa được bảo đảm quyền lợi khi gửi tiền qua hệ thống điện tử, khi có rủi ro thì không được bảo vệ, không biết được tiền đã mất đi đâu.

Một nhà chức trách từng nói "việc mất tiền từ thanh toán điện tử trước hết người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm" rõ ràng đang làm sự e ngại gia tăng, nền tảng thanh toán điện tử chưa đủ khiến người dân yên tâm hoàn toàn.

* Với hạ tầng kỹ thuật đang được đầu tư và sự phát triển nhanh của đời sống, liệu hình thức thanh toán số có trở thành xu hướng tương lai tại nước ta?

Chắc chắn là một xu hướng của tương lai! Khi công nghệ, hình thức giao tiếp của những giao dịch điện tử trong kỷ nguyên số đang thay đổi từng ngày, không chóng thì chầy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở thành xu hướng.

* Vậy đặt vấn đề cổ vũ không dùng tiền mặt ở thời điểm hiện nay đã thích hợp chưa?

Phát động ngày không dùng tiền mặt ở thời điểm này là hết sức phù hợp. Chúng ta đang đón đầu để xã hội dần thích nghi thói quen mới, bỏ thói quen tiêu dùng truyền thống. Hơn nữa là bảo đảm góp phần vào kiểm soát tài sản của cá nhân.

Mặt khác, việc này cũng góp phần cho việc chi tiêu minh bạch hơn, ngành thuế sẽ rất tiện lợi và áp dụng luật chuẩn xác.

Thanh toán điện tử không có tác hại mà chỉ có... tác lợi - Ảnh 3.

ĐB Lê Thanh Vân - Ảnh: B.D.

"Khuyến khích trước, bắt buộc khi đủ điều kiện"

* Ông có đề xuất gì để thúc đẩy thanh toán số không?

Chúng ta nên có lộ trình. Từ vận động, thuyết phục cho đến bắt buộc về sau này. Ví dụ tất cả công dân Việt Nam đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý bắt buộc phải có tài khoản để thanh toán. Cần đưa ra lộ trình thích hợp để người dân hiểu và dần áp dụng thanh toán điện tử. 

Song song với đó, cần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Từ các hàng tạp hóa ở nơi heo hút xa xôi nhất cũng phải có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho việc thanh toán điện tử. Điều này ở một số quốc gia đã áp dụng rất hiệu quả.

Ví dụ ở Tanzania, doanh nghiệp Halotel của chúng ta hoạt động chỉ cần bán một cái sim cơ quan thuế Tanzania cũng nắm được, vì mua bán đều thanh toán qua hệ thống điện tử. Hệ thống ngân hàng của họ rất tốt, kiểm soát được ngay đầu vào khi hai bên thực hiện giao dịch.

Sau khi làm được hai việc trên, chúng ta sẽ áp dụng thanh toán điện tử bắt buộc. Có như thế thì nền tài chính mới minh bạch, chúng ta mới theo kịp được xu hướng công nghệ mới. Và dần tiết giảm chi phí in tiền mặt của Nhà nước.

* Bộ Thông tin - truyền thông đang có chủ trương đẩy mạnh xây dựng nền tảng cho mạng 5G. Đây sẽ là một động lực để chúng ta tin rằng hình thức thanh toán điện tử sẽ rất có điều kiện để phổ biến?

Lúc này là rất hợp lý. Chúng ta phải thích nghi với sự thay đổi của công nghệ số, của trí tuệ nhân tạo. Đó là ứng dụng quản lý xã hội, quản lý tài chính, ngân hàng rất tốt. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh là cần phải có lộ trình thích hợp, nếu áp dụng bắt buộc đường đột quá thì điều kiện sẽ chưa đủ.

Không nên thu phí mà phải miễn giảm cho người thanh toán số

Thanh toán điện tử không có tác hại mà chỉ có... tác lợi - Ảnh 3.

"Cần bỏ thu phí để khuyến khích giao dịch thanh toán điện tử" - ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) - Ảnh: B.D.

"Có thực tế là hiện nay khi người dân muốn xài thẻ để thanh toán như chuyển khoản hay giao dịch hàng hóa thông qua thẻ điện tử, họ phải trả một khoản phí. Đây là điều rất bất hợp lý khiến người mua hàng, chủ thẻ e ngại khi thanh toán điện tử. Nhưng cũng có nhiều công ty khuyến khích không thanh toán tiền mà miễn phí, giảm giá khi khách hàng dùng thẻ.

Các tổ chức tín dụng, phát hành thẻ cần thay đổi cách quản lý thẻ, tài khoản điện tử tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, dẫn đến tài khoản của người tiêu dùng dễ bị 'hack'. Nên sử dụng loại thẻ có tính bảo mật cao hơn như thẻ gắn chip điện tử", đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM).

Thêm cú hích khuyến mãi không dùng tiền mặt Thêm cú hích khuyến mãi không dùng tiền mặt

TTO - Không chỉ ngân hàng, các hãng thương mại điện tử, trung gian thanh toán cũng bắt đầu công bố khuyến mãi cho chương trình "Ngày không tiền mặt" của báo Tuổi Trẻ.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên