Thanh toán các loại phí qua ví điện tử tại quầy làm thủ tục hành chính công ở trung tâm hành chính TP Đà Nẵng - Ảnh: webTPĐN
Mới đây, trong khuôn khổ lễ công bố đề án thành phố thông minh, chính quyền Đà Nẵng và ví điện tử MoMo đã chính thức ký thỏa thuận triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công thông qua ví điện tử.
Theo nội dung thỏa thuận, MoMo sẽ cung cấp cho chính quyền Đà Nẵng giải pháp thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công của Đà Nẵng. Người dân có thể thanh toán phí dịch vụ thông qua cổng thanh toán trên trang thông tin điện tử của thành phố hoặc sử dụng ứng dụng MoMo để quét QR code thực hiện thanh toán tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.
Với thỏa thuận này, Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đầu tiên thực hiện triển khai thanh toán điện tử cho dịch vụ công theo nghị quyết số 02 của Chính phủ ban hành đầu năm nay.
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành - chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - cho biết vừa qua ngân hàng này đã làm việc với một số tỉnh về phát triển chính phủ điện tử. Theo đó Vietcombank sẽ làm cổng thanh toán cho một số tỉnh và vừa qua đã có văn bản đăng ký cho Chính phủ theo hướng này.
Theo lãnh đạo Vietcombank, nghị quyết 02 là cơ hội vàng cho các ngân hàng vì nếu thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng được hết các dịch vụ công như điện, nước... thì sẽ tạo ra nguồn vốn rất lớn.
"Tuy nhiên để triển khai nhanh chóng và thuận lợi không thể chỉ từ phía các ngân hàng mà phải có sự quyết tâm của các ban ngành, địa phương. Hiện các ngân hàng đã làm cho nhiều bệnh viện lớn rồi nhưng người tiêu dùng vẫn có sự lựa chọn dùng tiền mặt... Do vậy phải có quyết tâm cao mới đẩy nhanh được thanh toán không dùng tiền mặt", ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Nộp phạt cũng qua kênh điện tử
Tại các tỉnh ĐBSCL, các cơ quan chức năng cũng khuyến khích thanh toán điện tử. Ông Phạm Chí Đô - cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng - cho biết đến nay 100% doanh nghiệp và 80% hộ kinh doanh trên địa bàn đã nộp thuế điện tử thông qua 5 chi nhánh ngân hàng do Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm.
Theo ông Đô, Sóc Trăng cũng đã tổ chức thu lệ phí trước bạ và nộp phạt theo hình thức điện tử qua 5 chi nhánh ngân hàng. Tuy nhiên trong thực tế, vẫn còn trường hợp nộp lệ phí trước bạ, nộp phạt bằng tiền mặt. Ngành thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân.
Tỉnh Quảng Nam đã có quyết định ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Mục tiêu đến năm 2020, 80% giao dịch nộp thuế tại cấp huyện thực hiện qua ngân hàng, 100% Kho bạc Nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện được trang bị thiết bị chấp nhận thẻ, 100% trường đại học, cao đẳng thanh toán học phí qua ngân hàng...
Để làm được việc này, theo ông Trần Đình Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh sẽ phải hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử, triển khai trả lương qua tài khoản, vận động người dân...
BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM - LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận