Nhận định lạc quan này được nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra tại Diễn đàn bất động sản mùa thu lần thứ nhất, với chủ đề dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tạp chí điện tử Bất Động Sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức ngày 28-9.
Thị trường sẽ có cú hích lớn đầu năm 2024
Trao đổi tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết hiện nay cơ hội nhiều hơn thách thức vì thách thức lớn nhất thì thị trường bất động sản đã vượt qua rồi.
Cũng theo ông Lực, thị trường bất động sản đã và đang phục hồi. Theo đó, dự báo thời gian tới thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, cú hích lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý 1-2024, bởi lãi suất đã và đang giảm; độ ngấm của chính sách tại thời điểm đó cũng sẽ tốt hơn, đặc biệt với mức độ tường minh khi 4 luật sẽ được Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật, pháp lý về cơ bản sẽ được xử lý xong trong năm nay; thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn.
"Vì vậy, năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư, bởi lãi suất đã giảm và giá bất động sản cũng được điều hòa hợp lý", ông Lực nhấn mạnh.
Còn PGS Trần Kim Chung - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương - cũng cho rằng thị trường đang ở thời điểm "lên chưa lên mà xuống cũng không xuống", nhưng cơ hội chắc chắn nhiều hơn thách thức. Trong đó, cơ hội lớn nhất là chúng ta đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản.
"Hiện chúng ta không thể khó khăn hơn được nữa, mà chỉ tốt lên thôi, vì khó khăn lớn nhất đã đi qua. Tuy nhiên, tốt lên như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tháng 11 tới đây, khi 4 luật quan trọng liên quan đến bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi và thông qua", ông Chung nói.
Cơ hội phát triển bất động sản còn rất lớn
Nhận định thời điểm hồi phục của thị trường bất động sản, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nói: "Tôi thấy thị trường bất động sản đang có 2 vấn đề phải tập trung xử lý.
Thứ nhất là đất không đến nỗi thiếu, tiền cũng không thiếu, ngân sách nhiều mà sao dân thiếu nhà ở, thị trường cứ liên tục trầm lắng? Nên tôi đồng ý với quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề quản lý. Bản thân tôi từng chứng kiến những dự án triển khai 6 năm rồi vẫn còn nằm đó.
Thứ hai, tôi đồng ý với chỉ đạo của Thủ tướng rằng khủng hoảng của thị trường bất động sản là khủng hoảng phân khúc. Hiện nay, phân khúc thiếu nhất là nhà ở giá rẻ, cần phải bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực. Tuy nhiên đối với vấn đề này, nói thực hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được. Mặc dù chúng ta cũng đã tập trung xử lý cho một số doanh nghiệp nhưng thị trường nhà ở giá rẻ vẫn chưa đâu vào đâu, chưa có tiến triển nào về thủ tục, chính sách, tài chính. Tôi cho rằng nên tập trung vào phân khúc này vì đây mới là "tử huyệt" để thị trường bất động sản đi lên".
Còn theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, để "giải cứu" thị trường bất động sản, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đặc biệt là thông minh của toàn hệ thống chính trị. Bởi vì ách tắc lớn nhất của thị trường bất động sản nằm ở quy hoạch và pháp luật. Trong đó, chúng ta chưa định hình quy hoạch trong phát triển thị trường bất động sản.
Ông Võ cũng khẳng định cơ hội phát triển bất động sản còn rất lớn. Vì theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 20% dân số nước ta không đủ tiền mua nhà, 60% chỉ đủ tiền mua nhà ở xã hội, mà nhà ở xã hội hiện nay đã cao gấp đôi 10 năm trước. Và có khoảng 20% người đủ tiền mua nhà ở trung cấp và cao cấp, trong đó chỉ 8% đủ tiền mua nhà ở cao cấp.
Về thời điểm phục hồi thị trường bất động sản, ông Võ không dám trả lời vì cho rằng nó phụ thuộc vào việc cải tiến pháp luật như thế nào. Còn nếu phục hồi nhưng vướng mắc của pháp luật chưa được giải quyết thì chu kỳ phát triển mới sẽ không được lâu dài, và sẽ lặp lại khó khăn như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận