Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rơi vào giai đoạn hết sức khó khăn khi số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng, doanh nghiệp gặp khó trong huy động vốn từ cả kênh ngân hàng, trái phiếu, chứng khoán… lẫn từ khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải ngưng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, giảm lương, giảm nhân sự…
Nguồn cung khan hiếm, ít dự án bất động sản triển khai
Để phục vụ hội nghị này, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở khan hiếm trong năm 2022 trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% xuống dưới 5%, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.
Về tín dụng bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2022 khoảng 800.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tính đến 12-2022 là khoảng 400.000 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng đánh giá năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn, lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm...
Nhiều vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp, ghi nhận thực tế những vướng mắc. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tổng hợp những khó khăn và khái quát thành bốn điểm quan trọng.
Thứ nhất, liên quan đến pháp luật về đất đai, điển hình là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá… đặc biệt là xác định đâu là giá đất thị trường.
Thứ hai, liên quan đến đến pháp luật về quy hoạch. Thứ ba, liên quan đến pháp luật về đầu tư và thứ tư là vướng mắc liên quan đến pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Với khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Xây dựng nhận định nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023.
Do đó, đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Cần có biện pháp hỗ trợ lãi suất cho người vay
Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt giải pháp từ hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật, thúc đẩy nhà ở xã hội…
Trong đó, về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng kiến nghị điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng, hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường. Đồng thời, bộ này kiến nghị nới trần (room) tín dụng phù hợp trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản…
Đối với trái phiếu, Bộ Xây dựng kiến nghị kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn.
Ngoài ra, cần giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật.
Các doanh nghiệp bất động sản canh cánh nỗi lo vốn
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản đã kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường.
Trong đó, ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes, đề xuất xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý được duy trì tỉ lệ tài sản bảo đảm như các khoản vay thông thường.
Còn ông Lê Trọng Khương, tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, bày tỏ lo lắng đến việc doanh nghiệp nhảy nhóm nợ và cho rằng việc nới room cũng là điều cần thiết để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh.
Trong khi đó, đại diện Sungroup cho biết đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận