Chợ hoa Tết ở Kỳ Đài, Huế - Ảnh: GIA TIẾN
Những năm đầu mới vào Sài Gòn - TP.HCM làm việc, tôi vẫn luôn mong ngóng Tết để trở về. Ít ra trong cuộc sống mình tạo được một cột mốc để hướng đến, để thôi thúc mình cố gắng, đứng lên sau mệt mỏi bề bộn của công việc, để an ủi mình, sắp Tết - là sắp được về nhà.
Cũng như thời còn nhỏ, ước mong Tết đến Xuân về là được ăn chơi thoả thích, được ngủ nướng và không phải học bài. Tết như là một thứ gì đó vô cùng ngọt ngào và tràn ngập niềm vui. Sẽ không ai mắng mình, ai gặp nhau đầu năm cũng xúng xính thơm mùi mới, miệng cười trên môi.
Vui nhất là bà con, họ hàng, chòm xóm sẽ í ới gọi nhau đêm giao thừa. Anh em xa nhà quay về tụ họp bên mâm cơm ngày đầu năm. Thời đó, tôi không nghĩ mình sẽ sống nơi nào ngoài Huế. Và tôi vẫn mong mỗi Tết để được nghỉ ngơi, được thảnh thơi hoặc ít ra là không phải bù đầu công việc.
Thế nhưng cuộc sống luôn có những con đường tự mở ra, vậy là cũng đã 10 năm tôi xa nhà, xa Huế. Cũng thỉnh thoảng trở về chớp nhoáng vì lý do này kia nhưng sự chờ đợi trong tôi vẫn là một mùa Tết sum họp.
Hai năm rồi tôi không về nhà ăn Tết. Những bộ phim của tôi cứ mặc định ra đúng dịp Tết nên mình phải làm việc xuyên giao thừa, xuyên các mùng của Tết để phục vụ khán giả.
Những ngày cuối năm, mọi người sẽ tất bật chuẩn bị đặt vé về quê, mua sắm cho gia đình thì chúng tôi vẫn miệt mài chuẩn bị cho các khâu cuối cùng của một bộ phim sắp ra rạp. Cứ vậy, thời gian trôi đi vèo như một ngọn gió thổi qua tai, hốt hoảng nhận ra hai năm rồi tôi chưa ăn Tết quê nhà.
Đi mua mứt tết ở chợ Đông Ba, Huế - Ảnh: GIA TIẾN
Tôi nhớ lần ăn Tết gần nhất, tôi bắt đầu có cảm giác mình là khách của gia đình. Những món ăn Tết tôi được ăn từ tấm bé trở nên lạ lẫm. Mọi người trong gia đình tự cài đặt một chế độ ưu đãi cho tôi - người con, người em xa nhà.
Năm xưa, khi còn ở nhà, nghĩa vụ những đứa con như chị em tôi trong nhà là phải thay phiên nhau dọn dẹp, bài trí, mỗi người một việc... thế nhưng giờ khi tôi về nhà, tôi được miễn tất cả công việc đó, tôi như một người khách trong chính ngày Tết của gia đình mình!
Chợt thấy xa lạ quá! Cái Tết của Huế muôn đời vẫn vậy! Vẫn đầy đủ tục lệ từ ngày ông Công - ông Táo cho đến hết 3 mùng.
Những năm tôi ăn Tết ở Sài Gòn mới thấm thía cảm giác thèm Tết. Nhớ ngày mùng 1 Tết, tôi xuống chung cư và hốt hoảng vì cảm giác mình là người còn lại duy nhất của thành phố này. Tiếng còi xe, tiếng ồn ào thường ngày không có. Một sự im lặng khó tả. Tôi dần xác định cảm giác Tết Sài Gòn là sự im lặng đến kỳ quặc.
Có lẽ, sự thiếu vắng dễ cảm nhận nhất của ngày Tết Sài Gòn là thiếu vắng không khí chòm xóm mà tôi đã quen thuộc đến mức cảm thấy bình thường của những ngày còn ở Huế.
Ở Huế, những ngày Tết thường lạnh và mưa phùn đã tạo cho tôi một cảm giác thân quen. Cứ mặc định Tết là rét là mưa Xuân lãng mạn lắm. Chính thứ thời tiết ẩm ương đó cũng chính là thứ xúc tác tạo nên một mùi Tết độc vị quê hương.
Thứ mùi ghi vào kỷ niệm từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành nhưng đôi khi mình chẳng để ý. Đến khi rời gót xa quê mới thấm thía nổi buồn vì thiếu thiếu một mùi Tết khi ở nơi đất khách quê người.
Đoàn lân của Trung tâm Thanh thiếu nhi Thừa Thiên - Huế chạy ngang qua chợ hoa tết Huế - Ảnh: GIA TIẾN
Những năm ăn Tết Sài Gòn, tôi cũng đã quen dần và chuẩn bị được tâm lý đón mùa Tết theo kiểu hoài niệm quê mình. Tôi cũng chuẩn bị những tục lệ kiểu Huế nhưng đơn giản chứ không cầu kỳ như ở gia đình.
Mẹ tôi gửi vào những loại mứt gừng, mứt dừa do gia đình tự làm ở Huế để tôi nếm lại vị Tết Huế đúng chuẩn ngày xưa.
Tết Sài Gòn bây giờ với tôi không còn đến mức bất ngờ. Đêm giao thừa gia đình livestream trò chuyện, mùng 1 đến mùng 3 vẫn nhìn thấy nhau nếu muốn chỉ cần mở điện thoại lên. Nhưng cái thiếu là cái mùi Tết Huế. Đó là một mùi thân thuộc mà không tìm thấy được trong năm và hoàn toàn không tìm thấy được ở Sài Gòn.
Chao ơi là nhớ!
Mùng 1 Tết ở Huế sôi động lắm. Những con đường lên chùa Thiên Mụ hay đường lên Thiên Thai luôn đông nghẹt xe. Ai cũng í ới rủ nhau đi chùa, đi viếng mộ đầu năm. Bạn bè ở Huế thì cũng ít hẹn nhau đầu năm mà chủ yếu dành thời gian cho gia đình, họ hàng.
Trong khi ở Sài Gòn thì từ ngày mùng 1 đã í ới gọi nhau đi xem phim, đi nghe nhạc, xem kịch. Rất sôi động đủ các thú vui giải trí. Đó là điểm rất khác biệt! Phải đi xa mới có cảm giác hoài niệm về những ngày Tết.
Năm nay, tôi lại không được ăn Tết Huế vì phim Gái già lắm chiêu V của tôi lại ra đúng dịp Tết.
Bạn bè cũ của tôi ở Huế í ơi lên những cuộc hẹn họp lớp nhưng lần nữa lại không tham dự. Mặc dù chúng tôi vẫn giữ liên lạc qua facebook nhưng một thói quen gặp gỡ, hội họp gặp nhau trở thành nét đặc biệt của ngày Tết Huế đã ăn sâu vào thói quen sống của những người con gốc Huế như tôi.
Tết đúng nghĩa là lúc quay về, lúc gặp nhau ôn lại kỷ niệm vui buồn, xí xoá chuyện cũ để bước sang một năm mới nhiều kỳ vọng hơn.
Mấy năm nay tôi cứ mải mê cho phim ảnh mùa Tết mà quên mất rằng mình đã đến lúc mình nên chậm lại, nên dành một ít thời gian để quay về, gặp bạn bè cũ, gặp lại họ hàng, gặp những bậc cha chú, ông bà mà chẳng biết mình có còn được gặp họ chỉ vài năm sau nữa hay không?
Tôi đã thu xếp năm tới không làm phim Tết nữa để mùa Tết tôi được thảnh thơi. Tôi sẽ về Huế để hít cho no mùi Tết Huế quê nhà.
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa Tết nay.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 của FPT Shop; 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53 của FPT Shop; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air.
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20 của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size lớn.
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là sạc dự phòng UMETRAVEL 10.000 mAh của FPT Shop; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ.
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận