30/11/2019 09:33 GMT+7

Tên đường sáng tạo

JESSE PETERSON
JESSE PETERSON

TTO - Khi địa lý không còn là khoảng cách, tên đường không chỉ là những cái tên của Việt Nam mà cần có cả những tên tuổi, địa danh, sự kiện của thế giới, những cái tên của những điều vui vẻ, tốt lành...

Tên đường sáng tạo - Ảnh 1.

Khi sống ở thành phố Edmonton (Canada), tôi thấy có nhiều du khách đến đây đều ấn tượng với các con đường rất... dễ quên: tên đường chỉ là các con số. Thực sự để tìm đường thì dễ, siêu dễ. Tuy nhiên, tôi cảm thấy chán, Edmonton thiếu đi nét văn hóa của những cái tên đường được đặt theo lịch sử dặm dài của nó.

Quebec thì khác, tên đường có cả tên của những loài cây, động vật; hoặc đặt tên theo một ngọn núi, con sông nào đó; hay tên những nhà sáng chế mang lại lợi ích cho khoa học, y học, những nhà sử học Canada... Rất đa dạng.

Ở Việt Nam, tôi thấy phần lớn tên đường là tên người đã đi vào lịch sử, nhất là lịch sử suốt các cuộc chiến tranh. Tôi hiểu việc giữ gìn lịch sử và nét văn hóa của người Việt là quan trọng, song tôi nghĩ tên đường không chỉ là chuyện của lịch sử, mà có hiện tại và thậm chí cả tương lai.

Tôi nghĩ nếu "quảng cáo" lịch sử ở mọi nơi mọi lúc, qua những tên đường, có thể sẽ tập trung thu hút sự quan tâm của một bộ phận người dân, nhưng nó cũng sẽ không bao quát được tất cả những vấn đề của khu vực đó, của thành phố đó. Nơi chốn và không gian không chỉ có lịch sử, mà còn có sự vận động của môi trường, của vạn vật, của Mẹ thiên nhiên.

Nếu có ai đó hỏi tôi tên đường đáng nhớ nhất của Việt Nam, tôi chắc hẳn là đường Trần Hưng Đạo. Bởi ông được tạc một bức tượng, tên ông cũng được đặt cho hai con đường lớn, hơn nữa tôi cũng rất thích câu chuyện về ông. Nhưng nếu đi đâu cũng gặp những con đường mang tên những cuộc chiến đấu, về chiến tranh đã qua lâu lắm rồi, tôi thực sự không muốn nhìn thấy hoài đâu.

Đó là lý do tôi thích kiểu đặt tên đường ở Nhật Bản. Lúc tôi còn sống ở đó, hầu hết các tên đường cũng như nghệ thuật công cộng mà tôi thấy chủ yếu tập trung vào tự nhiên chứ không chỉ lịch sử chính trị Nhật Bản. Họ vẫn có rất nhiều thứ để giữ nét văn hóa, cả ở tên đường.

Sống ở Thái Bình, Hà Nội và bây giờ là TP.HCM, tôi thấy rất nhiều cái tên được dùng đi dùng lại để đặt tên đường, một số thành phố sử dụng tên một nhân vật hai ba lần làm tôi bị bối rối khi tìm địa chỉ. Rõ ràng là khi có điều kiện để đặt những cái tên khác hoặc những thông tin khác nhưng vẫn lặp lại tên cũ thì không sáng tạo.

Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, tên đường không nên chỉ là các nhân vật chính trị. Đó còn là những danh nhân văn hóa, những nhà sử học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn... Không chỉ là những người đã "khuất núi" lâu rồi, tên đường nên có cả những người còn đang sống, đang được chúng ta ngưỡng mộ. Và khi địa lý không còn là khoảng cách, tên đường không chỉ là những cái tên của Việt Nam mà cần có cả những tên tuổi, địa danh, sự kiện của thế giới.

Sao không phải là những cái tên của những điều vui vẻ, tốt lành hơn cho sự sáng tạo của mình?

Đặt tên đường 2 giáo sĩ: chờ tranh luận ngã ngũ Đặt tên đường 2 giáo sĩ: chờ tranh luận ngã ngũ

TTO - Kiến nghị phản đối Đà Nẵng đặt tên đường hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes nhận được nhiều phản biện và làm dấy lên những nghi ngại về tính chính danh.

JESSE PETERSON
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên