Khẩu hiệu giữ rừng của Tây Giang: “Rừng còn Tây Giang phát triển/Rừng mất Tây Giang suy vong”
Dưới mái nhà gươl, bao quanh là những cánh rừng pơmu, người Cơ Tu nắm tay nhau nhảy múa, uống rượu, dâng lên thần rừng những lời cảm tạ của con người trong lễ hội "Tạ ơn rừng".
Biến rừng già thành rừng thiêng
Người Cơ Tu ở Tây Giang sống dựa vào rừng. Rừng như vị thần linh khổng lồ che chở từng công dân bé nhỏ giữa đại ngàn, mang lại cho họ những mùa màng bội thu.
Tháng 2-2019, một lễ hội nhằm tạ ơn thần rừng được UBND huyện Tây Giang tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng. Lễ hội không chỉ truyền đi thông điệp con người phải nương dựa vào mẹ thiên nhiên mà phải ứng xử tốt để những ngôi làng Cơ Tu trường tồn dưới tán rừng già.
Lễ hội Tạ ơn rừng của người Cơ Tu là một hoạt động tín ngưỡng rừng vốn được bà con duy trì trong sinh hoạt đời thường từ ngàn đời nay. Người Cơ Tu sống vắt vẻo trên các triền núi cao, họ sinh con đẻ cái, dựng nhà, lợp mái, ra suối lấy nước, lên nguồn hái lá cây...
Rừng được người Cơ Tu xem là một vị thần và con người phải biết ơn những giá trị mà rừng thiêng mang lại. Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc cũng là người lớn lên từ những lễ nghi tín ngưỡng đặc biệt này và ông hiểu tạ ơn rừng không chỉ là một nghi lễ thiêng liêng nên ông muốn gắn vào nghi lễ này công tác bảo vệ rừng.
"Qua ruộng dưa thì phải buộc dây giày, vào đền chùa thì phải chắp tay, sống ở rừng thì phải gìn giữ rừng" - ông Liếc nói về việc chính quyền huyện đứng ra tổ chức lễ hội Tạ ơn rừng cho người Cơ Tu.
Trong tổng số 92.000ha rừng sừng sững như thành lũy xanh chạy dọc biên giới Việt - Lào ở Tây Giang, có những cánh rừng đến nay các nhà khoa học đã đo đếm được chính xác tuổi đời lên đến hàng ngàn năm tuổi.
Những cánh rừng đó, người Cơ Tu luôn dành một sự kính cẩn đặc biệt. Tuyệt nhiên không ai dám chặt phá, đả động bởi sợ thần linh trách phạt.
Trước sức ép quản lý bảo vệ rừng ngày càng lớn, từ năm 2018 chính quyền huyện Tây Giang đã mời các già làng, tập hợp người dân, mời gọi khách du lịch gần xa về để tổ chức lễ cúng, giới thiệu lễ hội Tạ ơn rừng.
Một nghi lễ đặc biệt thiêng liêng được các già làng khấn nguyện ngay dưới các gốc cây cổ thụ ngàn năm tuổi, những lễ vật hiến tế được đưa ra kèm theo những tiếng hú hét man dại giữa rừng đã biến những cánh rừng trở nên thiêng liêng.
"Chúng tôi muốn giữ rừng ở một mức độ cao hơn: giữ rừng bằng ý niệm linh thiêng. Rừng là của cộng đồng, rừng mang lại cho bà con Cơ Tu những lợi ích và họ được Nhà nước tổ chức lễ cúng chung để gửi những lời tạ ơn tới các vị thần linh.
Việc này cũng có nghĩa rằng rừng thiêng chính là nơi trú ngụ của các vị thần, bất kỳ một sự đả động nào vào rừng cũng không được phép, phải xin ý kiến già làng, phải làm nghi thức cúng Yang" - một thành viên ban tổ chức lễ hội Tạ ơn rừng nói.
Các già làng Cơ Tu làm nghi lễ tạ ơn thần rừng trong lễ hội Tạ ơn rừng năm 2019 - Ảnh: B.D.
Bắt rừng "đẻ" ra tiền
Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh bảo rằng nếu rừng là vàng thì không ở nơi đâu mà người dân có nhiều "vàng" như ở Tây Giang. Nhưng nghịch lý là người dân vẫn còn nghèo lắm. "Lãnh đạo tỉnh lên thăm bà con, thấy cuộc sống cứ dựa vào các sản vật rừng, đắp đổi qua ngày thì cũng sốt ruột lắm.
Nhưng nếu vì sốt ruột mà để mất rừng thì mọi thứ cũng sẽ bị hủy diệt. Rừng ở Tây Giang không chỉ che chở riêng cho Tây Giang mà quyết định đến nguồn nước, sự an nguy của các đô thị phía dưới như phố cổ Hội An... Dù thế nào thì điều tiên quyết vẫn là giữ được rừng, bảo vệ được thành lũy xanh này cho Quảng Nam" - ông Linh nói.
Ông Linh dừng xe giữa đỉnh Quế - một địa điểm du lịch đang bắt đầu được cộng đồng cùng chính quyền người Cơ Tu dựng lên. Một thanh niên lê từng bước một, nặng nhọc cõng sau lưng một gốc cây xá xị đã mục ruỗng, gốc cây được mối mọt đục khoét, tạo hình khá lạ mắt.
"Mình lấy cái gốc này trong rừng già, cõng về rửa sạch rồi ai mua thì bán" - thanh niên nói với vị phó chủ tịch huyện. Ông Linh cho biết các lâm sản phụ như lan rừng, rau tự nhiên, củi mục... bà con được chính quyền cho phép vào rừng thu lượm về đổi gạo, cũng là cách để động viên dân giữ rừng.
Những ngày đầu năm 2019, lễ hội Tạ ơn rừng lần thứ hai được tổ chức đã kích thích từng nhóm du khách trẻ lên Tây Giang. Một huyện có tới trên 75% diện tích là rừng, cách TP Đà Nẵng nửa ngày đi đường đã không còn quá ngán ngại đối với khách du lịch.
Những toan tính về việc bắt rừng "đẻ ra tiền" của huyện Tây Giang sau nhiều năm miệt mài đeo đuổi đã bắt đầu có tác dụng. Rừng già trở thành điểm đến hấp dẫn khiến chính quyền thành lập hẳn một trung tâm xúc tiến hoạt động du lịch, thí điểm xây dựng nhiều địa danh để phục vụ khách tham quan khám phá.
Điểm đến đầu tiên là đỉnh Quế - nơi cao nhất của Tây Giang để du khách có thể nhìn toàn cảnh rừng già nằm chìm dưới các đám mây.
"Người Cơ Tu đã nói với chúng tôi là bà con sẽ giữ rừng tới cùng. Còn việc của chính quyền là bắt cái rừng đẻ ra tiền cho người dân. Cách lãng mạn nhất và triển vọng nhất là mở ra các tuyến du lịch sinh thái giữa rừng già để phục vụ du khách" - ông Linh nói.
Điểm đứng của du khách để ngắm toàn cảnh rừng Tây Giang - Ảnh: B.D.
Giấc mơ khu bảo tồn
Ông Bh’riu Liếc - bí thư Huyện ủy Tây Giang - cho biết qua hàng chục năm miệt mài giữ rừng, hiện nay 92.000ha rừng ở huyện Tây Giang đang được giữ gần như nguyên vẹn.
Quần thể rừng già ngàn năm tuổi gồm pơmu, lim xanh, đỗ quyên, xá xị... xếp từng tầng dày đặc trên các xã biên giới.
Để nâng tầng rừng Tây Giang lên một vị thế mới, năm 2017 UBND huyện đã mời các nhà khoa học của Viện Sinh thái học miền Nam tiến hành khảo cứu, đánh giá, thống kê chủng loài để huyện lập hồ sơ đề nghị được nâng lên thành khu bảo tồn thiên nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận