Một gốc pơmu già trên đỉnh Zi Liêng - Ảnh: TRẦN MAI
Chúng tôi chẳng có ước mơ nào hơn là cả nước sẽ có thêm nhiều người giữ rừng tâm huyết như “đội kiểm lâm làng” mà chúng tôi đã từng thấy trên đỉnh Zi Liêng.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt
Khác với trạm kiểm lâm A Xan (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung) đóng ngay lối dẫn vào rừng pơmu, "đội kiểm lâm làng" đóng chốt ngay giữa "trái tim pơmu". Từ đây đi về tứ phía là những thân pơmu đại thụ có tuổi đời cả nghìn năm.
Ăn ngủ giữa rừng
Chiếc xe bán tải do phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cầm lái vượt qua những khúc cua gấp vào thẳng vùng lõi của "vương quốc pơmu". Nơi ấy có một ngôi làng vừa được lập bên bờ suối Zi Liêng chừng ba năm.
Từ ngày lập làng có bốn người đàn ông Cơ Tu vào sinh sống, mỗi ngày họ đi tuần khắp đỉnh Zi Liêng hùng vĩ, đếm từng cây pơmu. Ông Hốih Mia, bí thư chi bộ thôn Ganil (xã A Xan), được "bổ nhiệm" thêm "chức vụ" đội trưởng đội kiểm lâm làng.
"Quyền lực" của ông Mia được thể hiện bằng chữ ký ở cuối lịch phân công "trực chiến" giữ rừng pơmu dịp Tết Nguyên đán dán ngay trên bức tường ngôi nhà đầu làng.
Ông Mia cho biết: "Bình thường anh em ở đây cả, tết thì chia ra trực để thay nhau về đón tết cùng gia đình". Theo lịch phân công, việc tuần rừng vẫn diễn ra như ngày bình thường dù là mùng 1 tết cổ truyền.
Báo cáo tình hình rừng cho phó chủ tịch huyện ngay bữa cơm trưa, ông Mia chỉ tay về phía đỉnh Zi Liêng, những ngọn cây phóng lên cao nhất rừng già đón lấy ánh mặt trời chính là pơmu và nói gọn: "Cây sống, cây khô gì cũng còn nguyên vẹn".
Sau bữa cơm, ông Mia dẫn chúng tôi tiến vào rừng pơmu. Ánh nắng không xuyên qua nổi rừng già, sự yên tĩnh đến lặng người bị phá bỏ bởi bản hòa tấu của thiên nhiên, tiếng suối chảy, tiếng chim ríu rít.
Vượt qua con suối nhỏ nằm giữa hai quả đồi lớn, hiện ra trước mắt chúng tôi cây pơmu to đến 10 người ôm. "Đó là cây ngũ hổ" - ông Mia nói.
Sự xuất hiện của chúng tôi cùng những lời trò chuyện khiến muông thú bắt đầu dáo dác gọi nhau. Với đội kiểm lâm làng, âm thanh đó như tiếng chuông báo hiệu có điều lạ lẫm đang xảy ra trong rừng.
Có nhiều lần, tiếng thú hoang báo hiệu điều không bình yên cho rừng ngay trong đêm, thế là cả đội lập tức lên đường. Khi vào đến nơi thì phát hiện người làng đi lấy mật ong dựng lán trại ngủ, lúc đó mới an tâm trở về.
Theo lý giải của ông Mia, người Cơ Tu sống giữa trùng trùng núi lớn từ bao đời, sự hòa hợp với thiên nhiên đủ để họ nhận diện có điều bất thường và muông thú chính là những chiếc "chuông" báo hiệu.
Ploong Nghị, một chàng trai trẻ trong đội kiểm lâm làng, bảo: "Ngoài mấy anh em ở làng, chúng tôi có thêm lực lượng bảo vệ rừng pơmu hùng hậu là thú rừng".
“Đội kiểm lâm làng” đi tuần tra rừng - Ảnh: B.D.
Những người am hiểu rừng già
Kiểm lâm viên A Lăng Nhú, làm việc ở Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, đã nhận xét về đội kiểm lâm làng bằng sự trân trọng.
"Những ngày mưa, chính họ đã bám trụ trên rừng, giúp đỡ các nhà khoa học làm việc. Từ ăn uống đến dựng lều trại, bảo dưỡng máy móc khỏi ẩm ướt đều nhờ sự giúp đỡ của đội, nhất là việc kiểm đếm đánh dấu tọa độ cho pơmu, rất cực. Bây giờ, chúng tôi bảo vệ vòng ngoài, còn vùng lõi thì họ quán xuyến. Các anh ấy là đồng nghiệp của chúng tôi" - anh Nhú nói.
Giữa thăm thẳm đại ngàn, có những con người yêu rừng như máu thịt. Chàng trai Bríu Nhôi bảo rằng người Cơ Tu coi trọng cây pơmu, xem đó là kết tinh sự thiêng liêng của đất trời, gỗ pơmu lâu nay chỉ được người dân dùng để làm quan tài.
Nhưng tập tục ấy dần thay đổi nên hiện giờ, kể cả cây pơmu khô ngã đổ cũng không ai đụng đến. Bríu Nhôi thuộc tên từng cây pơmu mà đội kiểm lâm làng đặt trong rừng.
Anh chỉ tay kể vanh vách: "Bên kia có cây Hẹn Hò, cây Mẹ, cây Khỉ; bên này có cây Đình Làng, cây Chùa Cầu; còn bên nọ có cây Tình Nhân, cây Tháp Quan Sát, cây Hang Alibaba, cây Gấu Trèo, cây Bạch Tuộc...".
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt (Viện Sinh thái học miền Nam) - trưởng nhóm nghiên cứu thực vật ở rừng pơmu - nói về đội trưởng đội kiểm lâm làng bằng sự trân quý: "Ông Mia biết rất rõ khu rừng này. Chỉ cần đưa ra yêu cầu là ông có thể đưa đến khu vực có những loài thực vật mang đặc tính thổ nhưỡng mà chúng tôi muốn nghiên cứu nên rất thuận lợi cho công việc".
Dù tuổi đã 50 nhưng ông Mia đi rừng không biết mệt. Người trẻ như chúng tôi nhiều lúc phải thở hổn hển trước những con dốc dựng đứng, còn ông vẫn cười khà khà với cây rựa trong tay đi trước mở lối. Hướng nào, có loài cây gì, hệ động vật ra sao ông nắm rõ như trong lòng bàn tay.
Hai năm rồi, do bận bịu ở những vùng rừng khác nên thạc sĩ Đạt và các nhà khoa học chưa trở lại cánh rừng đầy pơmu này ở đỉnh Zi Liêng. Nhưng khi nghe chúng tôi kể về chuyến đi vừa rồi vẫn thấy rừng còn nguyên vẹn như lần đi trước, thạc sĩ Đạt hồ hởi nói: "Tôi nhớ có lần ông Mia bảo: Các anh cứ nghiên cứu xong rồi bọn tôi giữ rừng cho. Thật đáng mừng khi nghe tin tốt lành này".
Nhà khoa học nghiên cứu rừng này cho biết ông đã đến nhiều khu rừng quốc gia, rừng phòng hộ ở khắp nước nhưng hiếm thấy ở đâu có rừng già "nguyên lõi" cũng như những người dân giữ rừng đầy tâm huyết như ở Tây Giang.
“Đại bản doanh” của các thành viên đội quản lý bảo vệ rừng và ngôi làng du lịch sinh thái Cơ Tu được mở giữa rừng già, cũng là bản doanh của “đội kiểm lâm làng” - Ảnh: B.D.
Số lượng cây pơmu trên đỉnh Zi Liêng
Cách đây ba năm, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đi cùng cán bộ Viện Sinh thái học miền Nam đo tuổi cho rừng pơmu và nghiên cứu đa dạng sinh học ở Zi Liêng.
Theo con số kiểm đếm của các nhà khoa học, cây pơmu trải rộng trên đỉnh Zi Liêng, tập trung nhiều nhất ở diện tích 450ha, độ cao 1.400m so với mực nước biển, với tổng số lượng 2.011 cây.
Trong số này, có 725 cây được công nhận là cây di sản. Cây to nhất có đường kính 3,5m, chu vi thân 11m, chiều cao dưới tán là 19,5m, tuổi thọ 1.328 năm.
Có được cứ liệu khoa học này, các nhà khoa học đã nhận được sự trợ giúp rất lớn từ đội kiểm lâm làng.
Kỳ tới: Lễ hội "Tạ ơn rừng" và giấc mơ vườn quốc gia
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận