Làng A Banh 1 nằm dựa lưng những cánh rừng già - Ảnh: TRẦN MAI
Ý niệm "sống với rừng, chết dựa vào rừng" được lưu truyền từ ngàn đời của người Cơ Tu. Rừng gắn bó máu thịt với dân. Nhờ thế, không có một khu rừng nào được bảo vệ như ở Tây Giang.
Giữ rừng để giữ làng
Pơ Loong Mớ, thôn phó và cũng là thành viên của tổ quản lý bảo vệ rừng của thôn A Banh 2, dẫn chúng tôi vào thăm làng của người Cơ Tu đang trong những ngày chân ướt chân ráo di chuyển về nơi ở mới.
Một bãi đất bằng phẳng đã được chính quyền huyện Tây Giang cho máy ủi cào phẳng ra, những sợi dây rừng được nối dài để phân ô, phân khu đất chia cho từng hộ gia đình.
Sau hàng chục năm sống lang thang, rải rác dưới các cánh rừng già, người A Banh 2 đã được dời về khu dân cư mới để ổn định.
Pơ Loong Mớ cho biết trước đây nhà anh ở sát một mép suối có con nước chảy từ trên các cánh rừng già xuống.
Để có nhà ở mới, trước tết vừa qua Pơ Loong Mớ được người làng đồng ý cho chặt sáu cây gỗ lớn ở "đồi Xắt", một cây ở "đồi Cur" - tất cả đều là gỗ ré, một loại gỗ cứng mà người Cơ Tu thường dùng làm ván thưng nhà cửa.
Chuyện chặt gỗ từ trên rừng tưởng chừng như là điều bình thường của người dân vốn sống quanh các cánh rừng già nhưng ở các ngôi làng Cơ Tu của huyện Tây Giang, đưa một cây ra khỏi rừng là một kỳ công mà nếu không có sự đồng ý của tập thể, của già làng sẽ phạm tội lớn, nhẹ thì bị kiểm điểm giữa nhà gươl, nặng hơn phải đi tù.
Pơ Loong Mớ nhìn ngược lên các cánh rừng huyền bí, bọc dày thành từng lớp rồi bảo rằng nhìn rừng mênh mông thế không ai nghĩ mỗi gốc cây đều được người làng biết mặt đặt tên.
"Trước khi lên rừng lấy gỗ, mình phải viết đơn gửi già làng, trưởng thôn và bà con đề xuất xin được chặt sáu cây gỗ ré.
Đơn gửi lên, hội đồng thôn họp lại, xem xét rồi xuống tận nhà kiểm tra. Họ thấy nhà mình đúng là cần gỗ để làm nhà thật, sau đó thì "bút phê" rồi gửi lên xã xin ý kiến. Khi xã đồng ý mình mới kêu người cầm cưa lên rừng đốn được. Không hề đơn giản".
Không chỉ Mớ mà các hộ gia đình giàu, nghèo hay có người nhà làm cán bộ ở huyện cũng không có ngoại lệ. Sự giám sát theo một quy trình vô cùng chặt chẽ như thế để đảm bảo nếu có một cây gỗ nào bị hạ xuống cũng chỉ để phục vụ đời sống người dân trong làng. Không có mục đích nào khác.
"Dân làng giữ rừng để phục vụ lại chính mình, chính quyền huyện quán triệt và cương quyết như thế nên người dân cũng răm rắp làm theo để giữ được rừng" - Mớ nói.
Hộ gia đình nào có việc cần dùng cưa máy thì phải viết đơn, có già làng ký xác nhận vào thì công an xã mới cho sử dụng. Không một tiếng máy cưa nào vang lên ở đây mà không có lý do rõ ràng.
Ông LÊ HOÀNG LINH (phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang)
Mỗi người dân là một kiểm lâm viên
Chúng tôi đi vào các ngôi làng của người Cơ Tu trên các xã dọc biên giới ở huyện Tây Giang. Đâu đâu cũng một màu xanh bạt ngàn của rừng thẳm. Rừng mọc trên đỉnh núi, rừng ken đặc sát nương rẫy của người dân.
Cây gỗ ngàn năm tuổi đứng sát từng vách nhà của người dân nhưng không chịu một sự tác động nào.
Rừng ở đây được bà con canh giữ tốt đến nỗi bí thư Huyện ủy Tây Giang tự tin rằng "không một người lạ nào có thể lọt qua được các ngôi làng để vào rừng chặt phá. Chỉ một nhát cưa đặt xuống, ngay lập tức người Cơ Tu sẽ mang dao rựa đến vây ráp, dẫn giải về làng".
Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông Lê Hoàng Linh, cho biết hiện Tây Giang còn hơn 92.000ha rừng già.
Thay vì đặt câu chuyện quản lý nhà nước, xử lý hậu phá rừng bằng việc bắt bớ, xử tù người phá rừng, Tây Giang lại làm theo một cách khác hiệu quả hơn: giữ rừng bằng chính các đồn bốt xanh ở các ngôi làng.
Mỗi người Cơ Tu là một kiểm lâm viên. Người dân giữ rừng để được hưởng lợi, mất rừng thì nguồn sống sẽ vơi cạn. Một huyện miền núi rộng lớn hàng ngàn hecta rừng tự nhiên nhưng tất cả các lối vào ra đều được chốt chặn bởi các ngôi làng của người Cơ Tu.
Người dân nộp cưa máy cho thôn cất giữ sau khi dùng đúng mục đích được già làng duyệt - Ảnh: TRẦN MAI
Chúng tôi vào con đường độc đạo qua thôn A Rầng 1, xã A Xan để lên xã Ga Ri nằm sát biên giới Việt - Lào. Khi hỏi về khu rừng pơmu đang nằm phía sau làng, ngay lập tức một thanh niên Cơ Tu đã xuất hiện để "nắm tình hình".
Hỏi chuyện giữ rừng, thanh niên này bảo rằng thôn không có cán bộ kiểm lâm thường trực nhưng lúc nào cũng có người "thường trực" ở làng để quan sát từng người lạ ra vào.
"Ai tình nghi vào rừng chúng tôi đều báo cho già làng, đội quản lý bảo vệ rừng sẽ tìm hiểu để đảm bảo không một người xấu nào có thể đi lên được những cánh rừng pơmu mà người A Rầng 1 đang cùng nhau giữ" - Pơ Loong Zắp, một thanh niên Cơ Tu ở thôn A Rầng 1, nói.
Zắp cho biết thôn mình có tổ chức một đội quản lý bảo vệ rừng khoảng 20 người. Thôn phó, thôn trưởng và già làng đều là thành viên của đội này để "tăng cường trách nhiệm".
Hằng ngày, đội quản lý bảo vệ rừng vừa đi lên rẫy, vừa tranh thủ rảo quanh các khu rừng pơmu để kiểm tra, thám thính, giám sát từng chuyển động ở các vạt rừng. Nhờ thế, từ xưa tới nay tuyến đường độc đạo dẫn vào làng mới thoát khỏi lâm tặc để những khu rừng bình yên.
Xin gỗ làm nhà phải được giám sát
Thôn phó Pơ Loong Mớ cho biết thôn mình có tổng cộng 59 hộ, 225 nhân khẩu. Khi dời về nơi ở mới hầu như các hộ gia đình đều cần gỗ để làm nhà.
Nhưng không phải ai muốn xin gỗ cũng được mà tất cả đều được giám sát hết sức công bằng: hộ nào tích cực giữ rừng, chấp hành tốt "chủ trương của Đảng, Nhà nước, pháp luật" mới được xem xét cho lấy gỗ về dựng nhà.
Số gỗ để phục vụ việc dựng nhà tại nơi ở mới của 59 hộ không hề nhỏ, nhưng mỗi cây gỗ được cưa xuống phải có đường đi, đích đến rõ ràng, thậm chí được đánh dấu ngay khi đã ghim vào thành ván trong các hộ gia đình để chắc chắn gỗ không bị người làng đưa ra ngoài bán cho người lạ.
Kỳ tới: "Học thuyết" giữ rừng của Bh’ríu Liếc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận