06/03/2019 10:45 GMT+7

Tây Giang gìn giữ rừng xanh - Kỳ 1: Sáu năm một vụ phá rừng

TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG
TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG

TTO - Với diện tích rừng lên tới 92.000ha, độ che phủ rừng tự nhiên đạt 75%, Tây Giang - vệt rừng nằm trên biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Quảng Nam - đang được đánh giá là thành lũy xanh hiếm hoi còn lại và được người dân ở đây ra sức bảo vệ.

Tây Giang gìn giữ rừng xanh - Kỳ 1: Sáu năm một vụ phá rừng - Ảnh 1.

Những thành viên Cơ Tu dẫn đoàn chuyên gia vào thăm rừng pơmu quý báu ở Tây Giang - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Đối bất chấp luật làng để phá rừng do có quan hệ họ hàng với ông Bh’ríu Liếc. Nhưng ông Đối không thể ngờ ông Liếc bắt quả tang ông và xử lý nghiêm trước pháp luật

Giữa năm 2013, một vụ án không lớn nhưng khá đình đám được TAND huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức ngay giữa nhà gươl của người Cơ Tu tại xã Tr’hy. 

Ở nhiều nơi, những vụ án phá rừng được ngành nội chính xét xử như cơm bữa nhưng ở Tây Giang, việc phá rừng lại được xem là... chuyện hiếm. 

Điều lạ lùng hơn, bị cáo là người nhà của bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’ríu Liếc. Người trực tiếp đi bắt, thúc đẩy vụ án tới kết quả một phiên tòa cũng chính là... ông Liếc.

Phiên tòa đầu tiên và duy nhất trong 6 năm

"Đó là vụ án của 6 năm về trước và cũng là vụ phá rừng duy nhất ở Tây Giang đến tận bây giờ. Tôi làm như thế để bà con thấy rằng việc phá rừng dù nhỏ hay lớn là chuyện không thể chấp nhận, dù đó là ai" - bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’ríu Liếc nói khi nhắc đến vụ việc hi hữu này.

Đầu tháng 3, chúng tôi gặp Clâu Phan (26 tuổi, xã Tr’hy) sau ca mổ gãy cẳng chân. Chàng trai trẻ này từng tham gia chặt 3 cây pơmu ở xã A Xan vào năm 2013. 

Kể lại chuyện cũ, Phan tỏ vẻ xấu hổ: "Lúc đó em đi cưa cây giúp anh họ làm nhà, không biết mình đang phạm pháp".

Đến bây giờ, Phan vẫn nhớ phiên tòa của huyện kết án mình 2 năm cải tạo không giam giữ (tù treo). Đó là buổi sáng bất an nhất trong cuộc đời Phan. 

Người Cơ Tu sợ nhất là luật làng và Phan cũng vậy. Bên mái nhà gươl, người làng bắt đầu kể tội kẻ phá rừng. Đó là hành động xấu mà người Cơ Tu không chấp nhận. Dù chủ tọa đã nói trước người làng rằng Phan không ý thức được việc làm xấu của mình và không cố ý, nhưng Phan không thể mở miệng giải thích. 

Những đêm sau phiên xử, Phan luôn tự hỏi: "Tại sao cả làng giữ rừng mà mình lại hành động như vậy?". Thế rồi chàng trai trẻ lên nhà gươl thắp hương sám hối.

Buổi sáng tòa mở ở Tr’hy, buổi chiều tòa di chuyển lên tận xã biên giới A Xan để tiếp tục phiên xử lưu động. Người tổ chức chặt ba cây pơmu mà Phan tham gia là ông Hối’h Đối (thôn Ganih, xã A Xan) được đưa ra xử công khai. 

Ông Tơngol Tờ, phó chủ tịch UBND xã A Xan, kể phiên tòa xét xử tội phá rừng của ông Đối lần đầu tiên xảy ra ở địa phương, chính vì vậy mà người dân cả xã tập trung về theo dõi. Người đàn ông chặt pơmu đứng im nghe bản luận tội từ vị đại diện viện kiểm sát. 

Bản cáo trạng đọc đến đâu, người làng ồn ào đến đó, họ bức xúc vì ông Đối đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng người Cơ Tu. 

"Phiên xử diễn ra nhanh chóng, ông Đối nhận toàn bộ tội lỗi của mình và nhận mức án 3 năm cải tạo không giam giữ. Cuối buổi xử, ông cũng xin lỗi dân làng. Lúc đó, phần đông các già làng không chấp nhận lời xin lỗi của ông Đối" - ông Tờ cho biết.

Thời gian sau phiên xử, ông Đối xấu hổ nên đã bỏ xuống xã A Vương sống. Sau một thời gian dài ở A Vương, ông Đối chủ động về làng, nhờ già làng tổ chức cuộc họp, đứng trước làng xin lỗi. 

Làng chấp nhận tha thứ, nhưng người dân ở các làng khác thì chưa chắc, thế là trong một cuộc họp ở xã, ông Đối được chính quyền cho "mượn diễn đàn" để nói lời hối tội. Người Cơ Tu bấy giờ mới chấp nhận tha thứ.

Từ người phá rừng thành người giữ rừng

Bản án pháp luật, bản án lương tâm và bản án của người Cơ Tu theo thời gian cũng dần phai mờ. Hai con người từng gây phá rừng ấy giờ nằm trong đội bảo vệ rừng. Vụ tai nạn gãy chân dịp tết của Phan xảy ra trong lúc anh leo lên nhà sàn lấy rựa, chuẩn bị cùng tổ bảo vệ rừng của làng đi tuần rừng.

Trước mặt chúng tôi, Phan tỏ ra tự hào khi được tham gia đội bảo vệ rừng của làng. Đó chẳng khác nào sự tín nhiệm và tin tưởng bởi những ngày sau khi bị kết án, Phan bị cấm vào rừng, mọi động tĩnh của anh cả làng đều theo dõi. 

Ai cũng nhìn Phan với đôi mắt dè chừng. Làng của Phan nằm phía đông đỉnh Zi Liêng, nơi trú ngụ của những thân pơmu có tuổi đời nghìn năm và hiện Phan là một trong những thành viên tích cực tham gia gìn giữ chúng. 

"Phát hiện người lạ đến khu vực rừng là tôi báo làng ngay. Từ ngày tham gia đội giữ rừng, chỗ nào có pơmu tôi cũng biết, tôi sẽ cố gắng bảo vệ thật tốt để trả ơn sự vị tha của mọi người và mong thần rừng xóa tội cho tôi" - Phan nói.

Giữa thâm sơn cùng cốc, cây vẫn cứ lên xanh thẳm, lòng người bỗng hòa cùng thiên nhiên khi cùng chung tay bảo vệ những tuyệt phẩm của nó. 

Ông Đối bây giờ tham gia công tác chính quyền ở thôn, trở thành người có uy tín bởi tích cực tham gia công tác giữ rừng. Ông tự lấy câu chuyện của chính mình răn dạy đám trẻ trong làng. 

"Giữ rừng chính là giữ cuộc sống của mình, phá rừng là triệt hạ cả sinh kế của cộng đồng. Chuyện tôi từng làm sai cũng là bài học cho cả làng" - ông Đối nói.

Xét xử để thấy cái sai

rừng pơmu

Một gốc pơmu tuổi đời ngàn năm tại Tây Giang - Ảnh: TRẦN MAI

Ba cây rừng, hai phiên xử đã lùi vào dĩ vãng, bây giờ ở Tây Giang là câu chuyện rừng làng, cả tập thể chung tay bảo vệ rừng.

Ông Bh’ríu Liếc - bí thư Huyện ủy Tây Giang, người trực tiếp lên rừng bắt quả tang hành vi chặt ba cây pơmu của ông Đối và Phan ngày đó - vẫn theo sát hành trình của hai con người cùng mang dòng máu Cơ Tu như mình.

"Xét xử để ông Đối và thằng Phan thấy cái sai mà sửa đổi. Bây giờ, nhìn cả hai tích cực tham gia giữ rừng, lòng tôi cũng thấy vui. Người Cơ Tu chấp nhận tha thứ để hướng đến cuộc sống tốt đẹp" - ông Liếc nói.

______________________________________

Kỳ tới: "Sống với rừng, chết dựa vào rừng"

TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên