Một gốc pơmu cổ thụ đường kính nhiều người ôm ở Tây Giang - Ảnh: BÁ DŨNG
"Đường ông Liếc"
Đặt chân vào bất cứ ngôi làng nào ở Tây Giang, tên "bác Liếc" cũng được nhắc đến. Một già làng đang lụi hụi cuốc đất, chọc lỗ để chuẩn bị gieo hạt ở một triền rừng khi được hỏi rằng rừng ở làng có bị phá không, liền nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Phá làm sao được. Có bác Liếc mà. Chỗ nào phá ổng biết ổng kêu người làng ra bắt phạt chết".
Chúng tôi đi vào trung tâm "vương quốc pơmu" để được tận mắt chứng kiến những quần thể pơmu ngàn năm tuổi đang được người làng của ông Liếc gìn giữ như báu vật. Một tuyến đường được xẻ ra dẫn từ tỉnh lộ thọc vào biên giới, con đường này xuyên qua những cánh rừng già mà đa số là pơmu ken dày đặc.
Nhiều cán bộ ở huyện Tây Giang kể rằng ngay cả việc mở đường này cũng có ý chí rất lớn của ông Liếc.
"Rừng ở khu vực này là rừng đặc dụng. Động vào phải có ý kiến của tỉnh, thậm chí là ý kiến từ bộ. Khi huyện muốn dựng một ngôi làng Cơ Tu nguyên sơ giữa lõi rừng già thì bắt buộc phải mở đường vào. Nhưng rừng thì ken dày đặc, luật pháp không thể du di, kể cả những lý do thiết thực nhất là mở đường để phục vụ du lịch, phục vụ giữ rừng. Nhưng ông Liếc đã làm được".
Tháng 2 đầu năm nay, đoàn người chạy xe máy, ôtô băng tuyến đường dài gần 7km vào lõi của vương quốc pơmu. Đường ngoằn ngoèo và kiên nhẫn vòng qua từng gốc cây, lách những mỏm đá lớn, mềm mại như một sợi chỉ đưa con người từ bên ngoài vào lõi rừng già. Ở đó, những ngôi nhà bằng lá mọc lên thành hình vòng tròn như những đụn nấm ngay dưới các gốc cây cổ thụ.
Ông Bh’ríu Liếc ngồi bên một căn nhà gỗ, cười hiền lành khi kể về chuyện mở đường: "Luật pháp sinh ra cũng chỉ để phục vụ công tác giữ rừng được tốt hơn. Cái gì tạo ra giá trị từ những quy định do chúng ta đặt ra thì đó là pháp luật. Không ai cho mở đường mà tác động vào rừng nguyên sinh cả.
Cho nên lúc có ý định đó, chúng tôi mời các lãnh đạo tỉnh lên, dẫn các anh vào rừng. Tôi trình bày ý nguyện và cam kết rằng nếu mở đường thì tôi ghè đá, khoét núi chứ không chạm vào một rễ cây nào. Tôi lấy cá nhân mình ra cam kết. Thế là các anh cho tôi làm".
Theo ông Liếc, khi rừng già đã được an toàn thì ông muốn gắn mọi thứ tín ngưỡng vào rừng. Cũng là để bà con có nơi để làm nghi thức cúng, để khách du lịch gần xa được tới tận mắt chứng kiến những kỳ hoa dị thảo của rừng Tây Giang. Đó là lý do mà ông quyết tâm mở đường.
Con đường này giờ đã hoàn thiện, là con đường độc đạo dẫn khách vào thăm vương quốc pơmu ở Tây Giang.
"Anh em vẫn hay nói vui với nhau về con đường này là "đường bác Liếc"" - phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh nói.
Quan điểm của tôi là rừng phải giao cho dân giữ. Mình nói cho dân hiểu, tiền được nhận cũng phải chia cho già làng rồi tự họ điều tiết với nhau một cách ý chí và công bằng chứ mình không áp đặt
Bh’ríu Liếc
"Học thuyết" dựa vào dân để giữ rừng
"Hồi xưa khi chưa có làng Cơ Tu giữa rừng như thế này tôi hay đi bộ vào rừng để tìm cảm giác thân thuộc của mình. Tôi lớn lên ở đây, biết rõ từng con nước, từng quả đồi, thuộc từng gốc cây nên đi rừng là tôi cứ thích đi bộ cho tự do.
Tôi phát hiện một con đường khó đi hơn, lối tắt dẫn từ vương quốc pơmu về trung tâm xã. Mình cứ lụi cụi đi bộ thế để ngắm rừng, để tháo bớt mồ hôi trong người. Cứ đi hằng tuần đều đặn như thế nên bà con người ta gọi cái lối đi bộ đó bằng tên của mình" - ông Bh’ríu Liếc nói.
Ông Liếc là người Cơ Tu, lớn lên đi học rồi về lại huyện làm cán bộ. Ông nói rằng mình biết mặt tất cả từng người làng của mình, hiểu rõ cái nghèo của huyện và con đường thoát nghèo duy nhất của Tây Giang chỉ có thể là rừng. Một huyện mà vẻn vẹn chỉ có 450ha lúa nước, không nhiều nương rẫy hoa màu, còn lại là đất trồng cây dược liệu thì dân sẽ sống bằng gì nếu không dựa vào rừng?
Đó chính là lý do mà từ khi lên làm chủ tịch UBND huyện Tây Giang những năm 2008 và hiện nay là bí thư Huyện ủy Tây Giang, ông Liếc vẫn kiên định một lối suy nghĩ là bằng mọi cách phải giữ đường rừng.
Ý chí của ông được thể hiện sống động và thực tế ngay từ slogan đặc trưng báo hiệu địa giới hành chính huyện Tây Giang: "Rừng còn thì Tây Giang phát triển, rừng mất thì Tây Giang suy vong".
Theo ông Liếc, quan điểm giữ rừng của ông từ xưa đến nay vẫn không thay đổi: giữ rừng bằng chủ thể cộng đồng. Rừng của Nhà nước quản lý chứ Nhà nước không sở hữu. Người sở hữu là cộng đồng làng. Những gì thu được từ rừng thì nhất quyết dân phải được hưởng.
"Tôi hiểu rõ bà con nơi đây họ muốn gì, nghĩ gì. Bà con sống dựa vào rừng, giờ mọi lợi tức, chính sách mà Nhà nước đưa về rồi phân phát không đúng đối tượng, bà con không được hưởng thì sớm muộn gì rừng cũng bị phá" - ông Bh’ríu Liếc nói.
Thay vì tổ chức một bộ máy giữ rừng, trấn áp khổng lồ từ trên xuống dưới bằng kiểm lâm, công an, chính quyền thì ông Liếc lại làm ngược lại: huy động bà con giữ rừng, chốt chặn ngay từ cửa ngõ vào rừng để ngăn chặn sự tấn công của kẻ phá rừng vào các tuyến.
"Không ai vào được rừng thì không có phá rừng. Rừng mà bị đổ xuống rồi thì kiểm lâm, công an tới bắt bớ, giải quyết cũng chỉ là phần ngọn. Làm sao ngăn không cho chuyện đó xảy ra mới là gốc rễ của vấn đề" - ông Bh’ríu Liếc nói.
Thường xuyên chống gậy vào rừng
Ông Liếc (đi đầu) thường xuyên cùng cán bộ huyện vào rừng để kiểm tra rừng - Ảnh: BÁ DŨNG
Ông Bh’ríu Liếc kể về chuyện rừng cả ngày không hết. Ông bảo mấy chục năm lớn lên từ làng Cơ Tu, đi làm cán bộ cứ có thời gian rảnh rỗi là ông chống gậy tự mình đi bộ vào rừng.
Ít khi ông đi với tùy tùng như thường thấy với các quan huyện khác. Người dân chỉ thấy ông đi một mình, bạn đường của ông là một cây gậy, mũ phớt hờ hững trên đỉnh đầu và một chai nước bên hông.
Việc đi rừng của ông bất thình lình và đôi khi bất thần tới mức ngay cả người ở làng cũng không hề biết lúc nào ông xuất hiện.
______________________
Kỳ tới: Biệt đội rừng lim
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận