Đường tuần tra rừng mỗi ngày - Ảnh: TRẦN MAI
Sau vụ phá rừng ở huyện Nam Giang, hàng loạt lâm tặc bị khởi tố năm 2018, việc bảo vệ rừng lim càng trở nên khắc nghiệt hơn. Khi rừng già đã cạn, lâm tặc sẵn sàng mua chuộc kiểm lâm. Thấy họ kiên quyết, chúng lại chuyển sang đe dọa.
Không e sợ, cả biệt đội càng quyết tâm hơn để bảo vệ khu rừng quý giá này.
Anh em ở đây chỉ cần nghe tiếng ghe máy thôi là bất kể khuya, tối gì cũng phải lập tức lên đường. Ỷ y là mất rừng như chơi.
Kiểm lâm viên A LĂNG ĐƯỢC
Chặn đứng "yết hầu"
Năm 2014, một cuộc họp giữa kiểm lâm Bắc Sông Bung và chính quyền huyện Tây Giang, kiểm lâm viên Nguyễn Thành Long nhận trọng trách trạm trưởng đứng đầu biệt đội qua khu vực giáp huyện Nam Giang chốt chặn bảo vệ rừng lim cổ thụ.
Trong cuộc họp, trạm trưởng Long đứng dậy hứa với lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo huyện Tây Giang: "Hôm nay chúng tôi nhận nhiệm vụ được giao, xin hứa với lãnh đạo sẽ không để mất bất kỳ cây rừng nào trong khu vực được giao".
Sau lời hứa ấy, anh Long cùng sáu kiểm lâm viên bắt đầu đi vòng gần 200km qua vùng được xem là cửa ngõ vào rừng lim cổ thụ độc nhất vô nhị còn sót lại trên dãy Trường Sơn.
Một lán trại nhỏ được dựng lên trên phần đất của huyện Nam Giang, nơi có thể kiểm soát cả đường sông lẫn đường bộ, tầm quan trọng của vị trí đối với rừng lim được xem như yết hầu. Trạm được đặt tên là trạm kiểm lâm Lăng - Zuôih.
Anh Long tâm sự lời hứa năm đó đi cùng trọng trách rất lớn, bởi sông Bung lúc này đã tích nước lòng hồ thủy điện. Chỉ cần sơ hở là trong vòng hai tiếng, một cây lim cổ thụ có thể bị cưa đổ thả xuống sông và kéo khỏi rừng.
"Ở đây chỉ cần cưa xong thả xuống sông không phải vận chuyển hay dùng trâu, xe gì kéo cả" - trạm trưởng Long nói.
Cả đời gắn bó với rừng, sáu năm nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng lim cổ thụ, biệt đội hiểu rõ sự cực khổ của mình bởi khu vực này là điểm nóng của phá rừng.
Cả biệt đội khẳng định tết cổ truyền năm 2019 là cái tết đầu tiên kể từ khi nhận trọng trách bảo vệ rừng lim anh em mới dám ăn tết đúng nghĩa. Những cái tết trước cứ phập phồng lo sợ.
Lý giải điều này, anh Long nói: "Năm vừa rồi cơ quan chức năng bắt nhiều lâm tặc phá rừng ở khu vực huyện Nam Giang, các đối tượng cộm cán bị bắt cũng đỡ gánh nặng cho anh em. Chưa có cái tết nào ở trạm mà anh em ngủ ngon như tết này".
Ba kiểm lâm viên người Cơ Tu đang "biên chế" ở trạm là A Lăng Được, Ploong Láo và Y Vân từ nhỏ đã thông thạo việc lội rừng, vậy mà các anh bảo có nhiều lúc bở hơi vì những con dốc dựng ngược.
Mỗi ngày các anh đối diện với biết bao nỗi lo, dù chặn ngay yết hầu vậy nhưng vẫn phải thay phiên nhau tuần dọc con sông Bung ngầu đục và hung tợn mỗi lần mưa rừng trút xuống.
"Anh em ở đây chỉ cần nghe tiếng ghe máy thôi là bất kể khuya, tối gì cũng phải lập tức lên đường. Ỷ y là mất rừng như chơi" - kiểm lâm viên A Lăng Được chia sẻ.
Các thành viên đội kiểm lâm rừng lim phải lội rừng, cắt suối hằng ngày để kiểm tra rừng lim - Ảnh: TRẦN MAI
Không thỏa hiệp
Khu rừng lim cổ thụ trải rộng trên diện tích 7.000ha đẹp mơ màng như cổ tích. Chưa có cơ quan chức năng nào kiểm đếm đầy đủ các cá thể lim quần tụ ở nơi này. Chỉ đếm số cây lim to ba người ôm trở lên có khoảng 400 cây, còn nhỏ hơn nhiều vô kể.
Những anh em trong biệt đội rừng lim bảo một gốc lim ít nhất cũng 10m3 gỗ, giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 20 triệu đồng/m3, mỗi cây ít nhất cũng 200 triệu đồng.
Giá trị quá lớn, lâm tặc tìm đủ mọi cách để những người trong biệt đội thỏa hiệp. Những năm trước đây việc mua chuộc bằng tình cảm, tiền và những khoản lợi lộc thường xuyên xảy ra. Thấy các kiểm lâm viên "quá cứng" và chung lòng, lâm tặc lại nhắn tin đe dọa.
Anh Long là người nhận được nhiều lời đe dọa qua tin nhắn nhất. Thậm chí trên đường từ trạm về đơn vị làm giấy tờ, vài chiếc xe máy lù lù theo sau, rồ ga "hù" là chuyện "thường ngày ở huyện".
Anh Long nói trong những cuộc họp đã báo cáo với đơn vị và huyện Tây Giang chuyện này, không phải sợ hãi mà để đơn vị nắm bắt tình hình, khi cần thiết sẽ phối hợp với công an trấn áp.
Quy tắc của rừng lim là "nội bất xuất ngoại bất nhập", chuyện người lạ bất ngờ "đi vào rừng chơi" cũng không thoát khỏi đôi mắt của trạm và yêu cầu rời khỏi rừng lập tức được phát ra. Việc bẫy thú ở đây cũng tuyệt đối cấm, việc đào vàng trái phép ở ven suối từ ngày biệt đội lập trạm chốt chặn cũng không còn xảy ra.
Nhờ sự kiên quyết và tâm huyết với rừng của kiểm lâm trạm mà khu rừng lim trăm tuổi này ngoài đường kiểm lâm mở ra để đi tuần, xung quanh không có dấu chân người. Khung cảnh hoang sơ được giữ nguyên.
Chuyến tuần rừng cùng biệt đội rừng lim gian nan ngoài sức tưởng tượng, thử thách trước những con dốc đứng, suối cuộn nước, đá sắc nhọn.
Nơi các anh ở cách ngôi làng gần nhất của người Cơ Tu cũng phải 10km, bảy kiểm lâm viên ở đây mỗi tuần lại luân phiên hai người về lo giấy tờ sổ sách, tiếp tế lương thực, xăng dầu.
Vậy mà sáu năm qua các anh vẫn ở đó, mỗi ngày đi bộ tuần tra chẳng nề hà lễ tết, lặng lẽ đời mình vì khu rừng lim.
Phát hiện phá rừng giúp huyện bạn
Một gốc lim cổ thụ trong rừng lim - Ảnh: TRẦN MAI
Tháng 4-2018, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố sáu bị can trong vụ phá rừng lim xanh ở khu vực giáp ranh ba xã Tà Pơơ, Zuôih (huyện Nam Giang) và xã Lăng (huyện Tây Giang).
Khu vực này thuộc quản lý của huyện Nam Giang nhưng chính "biệt đội rừng lim" của Tây Giang phát hiện.
Ông Lê Hoàng Linh, phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, chia sẻ: "Tôi trực tiếp đến hiện trường vụ phá rừng, đó là khu vực hẻo lánh, lâm tặc hoạt động tinh vi.
Nếu không có tinh thần trách nhiệm và tình yêu dành cho rừng thì các kiểm lâm viên trạm Lăng - Zuôih không thể phát hiện vụ phá rừng diễn ra bên lâm phận huyện bạn. Trong khi 7.000ha rừng lim và 15.000ha rừng khác các anh quản lý mỗi ngày đã là quá rộng rồi".
Kỳ tới: Đội kiểm lâm làng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận