Thông điệp kép tới Bắc Kinh?
Ngày 3-6, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận các tàu chiến của nước này và Canada đã đi qua eo biển Đài Loan (Trung Quốc).
Việc quá cảnh nhằm mục đích chứng minh rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực mà họ coi là vùng biển quốc tế, bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo WSJ.
Cùng lúc, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có bài phát biểu tại Hội nghị an ninh châu Á (hay Đối thoại an ninh Shangri-La). Trong đó, ông bày tỏ những lo ngại về việc Trung Quốc "không sẵn lòng tham gia xây dựng cơ chế phù hợp hơn trong việc quản trị khủng hoảng giữa quân đội hai nước".
Tuy vậy, ông thể hiện hy vọng tình hình "sẽ sớm thay đổi".
Tờ WSJ nhận định hành động điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan ngay lúc bộ trưởng quốc phòng Mỹ phát biểu đã "gửi một thông điệp kép với Bắc Kinh".
Tại Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng Canada, bà Anita Anand từ chối bình luận về sự việc này. Thay vào đó, bà nói rằng nước này đang và sẽ tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một cách rõ nét.
Mỹ và các đồng minh thường xuyên tiến hành các hoạt động quá cảnh mà họ gọi là "hoạt động tự do hàng hải" qua eo biển Đài Loan và Biển Đông. Song, hoạt động hôm 3-6 có phần đáng chú ý, vì nó diễn ra cùng thời gian với Đối thoại Shangri-La và trong bối cảnh những căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ vùng biển nằm giữa đảo Đài Loan và đại lục là vùng biển quốc tế, đồng thời không công nhận "đường trung tuyến giả định" do Đài Bắc tuyên bố. Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về sự việc. Bắc Kinh thường xuyên phản đối các nước đưa tàu đi qua eo biển Đài Loan
Trung Quốc nói chỉ "đáp trả hợp pháp"
Tờ WSJ dẫn lời Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Trung tướng Cảnh Kiến Phong ngày 3-6 tại Singapore cho biết Bắc Kinh tin rằng họ đang đáp trả một cách hợp pháp những gì họ coi là "hoạt động giám sát bất hợp pháp" của Washington.
Ông Cảnh cũng nhấn mạnh nước này đang bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Bên thềm Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Cảnh Kiến Phong đã chỉ trích bộ trưởng quốc phòng Mỹ vì bài phát biểu "bóp méo nghiêm trọng thực tế và sự thật" về tình trạng Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Cảnh nhắc lại nguyên tắc "một Trung Quốc" của Bắc Kinh, khẳng định "Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng và không thể tách rời khỏi Trung Quốc".
Trước đó, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, ông Lý Thượng Phúc đã từ chối gặp ông Lloyd Austin bên lề sự kiện.
Phía Trung Quốc cho biết họ sẽ không gặp Mỹ cho đến khi nước này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào năm 2018 với ông Lý Thượng Phúc (lúc đó là người đứng đầu Cục Phát triển trang bị của quân đội Trung Quốc), sau khi ông đồng ý mua máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ không trực tiếp khẳng định liệu nước này có xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt với ông Lý hay không. Thay vào đó, ông nói "đối thoại không phải là một phần thưởng, đó là một điều cần thiết".
Một số quan chức Mỹ cảnh báo việc hai nước không thể trao đổi có thể làm dấy lên lo ngại giữa các đồng minh ở Đông Nam Á, khi các nước này bị "kẹt giữa" hai cường quốc.
Ông Zack Cooper - thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - cho rằng đối tượng chính nghe những nhận xét của ông Austin không phải là Trung Quốc, mà là các đồng minh và đối tác của Mỹ.
"Điều Trung Quốc lo lắng là Mỹ tiến hành các hoạt động tại các vùng biển gần Trung Quốc. Còn Mỹ lo ngại một sự cố leo thang thành một sự kiện lớn. Tôi nghĩ hai bên đang nhìn nhận cuộc đàm phán theo những cách hơi khác nhau", ông Cooper nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận