20/10/2021 19:13 GMT+7

'Tăng quyền cho công an xã được tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm là cần thiết'

N.AN - N.HIỂN - T.LONG
N.AN - N.HIỂN - T.LONG

TTO - Các đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã tại phiên thảo luận ở tổ vào chiều 20-10 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tăng quyền cho công an xã được tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm là cần thiết - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã - Ảnh minh họa

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, được đề xuất bổ sung khoản 3 điều 146, trong đó "Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền".

Với nội dung này, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm đối với công an xã là cần thiết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của luật. Đồng thời, đây cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra, đó là tỉ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm.

"Tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới, nhất là kinh tế thị trường, có quá nhiều phức tạp, không những thành phố mà ở cả nông thôn, vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn phát triển. Vì thế, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã là rất cần thiết. Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân, chứ không phải cấp gây trở ngại, khó khăn", Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, công an xã là lực lượng trực tiếp biên chế nhà nước, còn dân quân tự vệ là lực lượng trong dân nên việc phối hợp giữa các lực lượng rất quan trọng.

Nói thêm về dự thảo luật này, viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu thực tế quy định trước đây chỉ đề cập đến lực lượng công an phường và đồn công an, không nhắc đến công an xã.

Trong khi đó, những năm gần đây, Bộ Công an đã chuyển công an chính quy làm công an xã, cho thấy lực lượng này đã có thay đổi căn bản về chất. Tuy nhiên, tính pháp lý trên thực tế lại không có, vì vậy cần thiết phải bổ sung để lực lượng công an xã được "chính danh".

Ông Trí phân tích tất cả diễn biến phức tạp về tội phạm ở cơ sở chủ yếu ở cấp xã, làm tốt ngay từ đầu sẽ giảm được áp lực giải quyết ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.

Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho hay 2 năm qua, công an đã chuyển đổi lực lượng về công an xã rất lớn, hầu hết công an xã đều có cán bộ công an chính quy. 

Theo ông Quang, lượng xử lý tin báo, tố giác tội phạm đã có hiệu quả hơn, số lượng tin báo tố giác tội phạm và năng lực xử lý của công an xã được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu. Do đó, ông Quang nhận định việc bổ sung thẩm quyền là phù hợp với tình hình hiện nay.

Tuy đa số ý kiến tán thành, song trong báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cho hay có ý kiến đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 điều 146 trong lần sửa đổi này vì cho rằng việc bổ sung, giao thêm trách nhiệm cho công an xã cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.

Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do COVID-19 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do COVID-19 tại phiên khai mạc kỳ họp

TTO - 9h sáng nay 20-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc, bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

N.AN - N.HIỂN - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên