Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nửa năm sau khi lương tối thiểu được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng, từ ngày 15-1-2019, viện phí của gần 1.900 dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh theo lương.
Trong số này, các dịch vụ có sử dụng nhiều chi phí nhân lực như tiền khám bệnh, giường bệnh... sẽ tăng nhiều nhất, khoảng 10% so với hiện hành.
Năm 2018 là năm thứ 2 lương của cán bộ y tế được đưa vào giá viện phí. Điều đó có nghĩa người bệnh đang là người trả lương cho đội ngũ nhân viên bệnh viện, từ giám đốc đến các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên các lĩnh vực làm việc trong bệnh viện.
Hễ lương (lương tối thiểu theo quy định) được điều chỉnh tăng thì viện phí lại tăng và phần chi trả của người bệnh cũng sẽ tăng theo.
Khoan nói đến lương ấy cao hay thấp (vì mức lương trả cho thầy thuốc phải tuân theo quy định chung), nhưng rõ ràng viện phí hiện nay đã kết cấu đủ các chi phí cấu thành nên dịch vụ, từ lương, phụ cấp cho cán bộ đến khấu hao thiết bị, thuốc và vật tư sử dụng cho điều trị, chống nhiễm khuẩn bệnh viện...
Vì vậy, người bệnh mua dịch vụ phải được nhận lại chất lượng tương ứng với giá, theo hướng chất lượng luôn phải được cải tiến tương đương với mức tăng viện phí.
Trong hai năm gần đây, các bệnh viện công đã có nhiều động thái nhằm cạnh tranh. Ngay cả một bệnh viện hạng đặc biệt vốn nổi tiếng bảo thủ, "kín" như bưng hiện cũng trở nên cởi mở, tham gia cuộc đua để thu hút nguời bệnh.
Trong cuộc đua này, tất nhiên người bệnh được lợi: bệnh viện sạch sẽ hơn, được chăm lo chu đáo hơn. Đặc biệt, nhiều bệnh viện đã giảm hẳn chuyện "phí ngầm". Người bệnh đến bệnh viện không phải lo lắng "đưa cho ai", "khi nào đưa" và "đưa bao nhiêu".
Trong thông tư vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, cũng đã có những quy định theo hướng rạch ròi và "tính đúng, tính đủ" với bệnh nhân, như người bệnh nằm ghép đôi thì chỉ được thu 50% phí giường bệnh, nằm ghép 3 chỉ được thu 30% phí…
Rõ ràng khi đã đến bệnh viện, người bệnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ nỗi đau thể xác cho đến điều kiện chăm sóc, điều trị. Trong khi đó, chi phí y tế nói chung lại không ít, người bệnh phải chi trả đủ thứ, trong đó có cả chi phí cho người chăm sóc (người thân).
Nười bệnh vẫn chưa thật hài lòng và bằng chứng là người giàu có vẫn thích ra nước ngoài chữa bệnh.
Giải pháp hiện nay là cần một chuẩn chất lượng dịch vụ y tế và các bệnh viện phải đáp ứng được chuẩn chất lượng tương ứng với giá. Người bệnh từ đó sẽ đánh giá được chất lượng dịch vụ mà mình được nhận.
Như vậy mới là sòng phẳng với người bệnh, thay vì thay đổi từng chút, cảm nhận có thay đổi nhưng chưa rõ ràng như hiện nay.
Sòng phẳng với người trả lương - người bệnh, thông qua chất lượng dịch vụ, đó là yêu cầu không thể chậm trễ hơn với ngành y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận