05/09/2022 19:27 GMT+7

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss, người từng đóng vai 'bà đầm thép' Margaret Thatcher

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Nữ Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 5-9 được bầu làm tân lãnh đạo Đảng Bảo thủ và qua đó trở thành tân thủ tướng Anh kế nhiệm ông Borish Johnson.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss, người từng đóng vai bà đầm thép Margaret Thatcher - Ảnh 1.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss - Ảnh: AFP

Lớn lên trong gia đình cánh tả

Bà Mary Elizabeth Truss (Liz Truss) sinh năm 1975 tại Oxford, có cha là giáo sư toán học và mẹ là y tá.

Trước khi trở thành thủ tướng, bà giữ 6 chức vụ bộ trưởng dưới thời 3 thủ tướng (David Cameron, Theresa May và Boris Johnson), trong đó có 11 tháng giữ chức ngoại trưởng.

Bà được nuôi dưỡng bởi cha mẹ theo cánh tả. Ở tuổi thiếu niên, bà là thành viên của Đảng Dân chủ tự do và ở tuổi 19, bà Liz Truss kêu gọi bãi bỏ chế độ quân chủ. Hiện giờ, tân thủ tướng Anh đứng về phía Đảng Bảo thủ.

Theo báo Washington Post, bà Truss là đồng minh đáng tin cậy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là người ủng hộ Ukraine, có quan điểm cứng rắn với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6-2016 về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh, bà Truss bỏ phiếu trái ngược với người tiền nhiệm Boris Johnson khi chọn ủng hộ Anh ở lại EU. 

Ảnh hưởng từ Margaret Thatcher

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss, người từng đóng vai bà đầm thép Margaret Thatcher - Ảnh 2.

Bà Liz Truss ở Matxcơva, ngày 10-2-2022 - Ảnh: REUTERS

Năm 7 tuổi, bà Liz Truss từng đóng vai "bà đầm thép" Margaret Thatcher trong một buổi diễn về tổng tuyển cử của trường.

Bà Truzz khẳng định bà ngưỡng mộ cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Khi thăm Matxcơva, bà Truss tái hiện khoảnh khắc của "bà đầm thép" Thatcher 35 năm trước, bằng cách mặc áo khoác dài và đội mũ lông.

Bà Truss cũng cam kết cắt giảm thuế 30 tỉ bảng Anh (37 tỉ USD) tương tự như bà Thatcher - người đã giảm thuế thu nhập cá nhân vào những năm 1980 - và hứa sẽ hành động ngay lập tức để giúp mọi người đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

"Trussonomics" là thuật ngữ được sử dụng cho đề xuất về kinh tế của tân thủ tướng, được cho phiên bản kinh tế học trọng cung của riêng bà. Kinh tế học trọng cung cũng là một đặc điểm chính trong các chính sách kinh tế của bà Thatcher.

Kinh tế học trọng cung nhấn mạnh việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế, nhằm mục đích nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Nhờ đó, có thể nâng cao được tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không gây ra áp lực lạm phát.

"Không nghi ngờ gì, Truss thỉnh thoảng tự làm mình giống Thatcher. Nhưng trong khi Thatcher có ý tưởng rõ ràng về việc bà ấy muốn đất nước phát triển ra sao, thì rõ ràng Truss không có cùng tầm nhìn", ông David Jeffery, giảng viên chính trị Anh tại Đại học Liverpool, nói với Đài Al Jazeera.

Kế hoạch kinh tế của tân thủ tướng

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss, người từng đóng vai bà đầm thép Margaret Thatcher - Ảnh 3.

Còn phải chờ xem tân Thủ tướng Liz Truss có mang lại sự ổn định cho chính trường Anh hay không - Ảnh: REUTERS

Trong những năm gần đây, chính trị Anh được mô tả là có phần "điên rồ" khi xảy ra nhiều sự kiện như rời khỏi EU (Brexit) hay các vụ bê bối. Chỉ trong 6 năm, nước Anh có 3 đời thủ tướng và bà Liz Truss có khả năng ổn định tình hình hay không vẫn là câu hỏi chưa lời đáp.

Ben Wallace, bộ trưởng Quốc phòng Anh, cho biết ông ủng hộ Liz Truss "vì bà ấy giữ vững lập trường, thẳng thắn".

Dominic Cummings, cựu cố vấn trưởng của ông Boris Johnson, lại cho rằng bà Truss sẽ là một thủ tướng "thậm chí còn tệ hơn" ông Johnson.

Trong khi đó, EU xem bà Liz Truss là kẻ kích động và là người làm cho mối quan hệ rạn nứt giữa Anh và EU trở nên tồi tệ hơn.

Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị, cho biết khi bà Liz Truss trở thành ngoại trưởng một năm trước, EU hy vọng rằng bà có thể chứng minh Anh là đối tác. Thay vào đó, bà thúc đẩy kế hoạch đơn phương viết lại một phần quan trọng của thỏa thuận hậu Brexit, Nghị định thư Bắc Ireland, khiến các quan chức châu Âu phẫn nộ.

"Liên minh châu Âu cảm thấy bị tổn thương bởi Truss", ông Rahman nói. "Bà ấy khiến lòng tin đối với mối quan hệ giữa hai bên suy giảm ngay từ ngày đầu tiên".

Ở Washington, ít nhất là bên ngoài giới ngoại giao, không có nhiều quan chức ủng hộ Liz Truss. Tân thủ tướng Anh muốn có một thỏa thuận thương mại với Mỹ - điều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden không vội vàng đàm phán. Nhà Trắng cũng cảnh giác với các động thái của bà đối với Bắc Ireland.

Vị thế của bà Liz Truss bị nghi ngờ đến nỗi trang Politico Europe gần đây đã đăng một bài viết với tiêu đề "Cả thế giới có ghét Liz Truss không?".

Bà Liz Truss từng thăm Việt Nam

Bà Liz Truss từng thăm Việt Nam vào tháng 11-2020 trên cương vị bộ trưởng Thương mại quốc tế và gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong chuyến thăm, bà Truss tỏ ra rất vui mừng khi tham gia ký kết thỏa thuận hoàn tất đàm phán Hiệp định FTA Anh - Việt Nam. Bà Truss cho rằng đây là khởi đầu mới cho thúc đẩy hợp tác hai nước và thúc đẩy thương mại tự do sẽ giúp các nước phát triển.

Tân thủ tướng Anh và thế sự nóng bỏng Tân thủ tướng Anh và thế sự nóng bỏng

TTO - Hôm nay (5-9), nước Anh sẽ có tân thủ tướng thay ông Boris Johnson. Ngoại trưởng Liz Truss hoặc cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak sẽ được xướng tên là chủ nhân ngôi nhà số 10 Downing vào buổi trưa (giờ địa phương).

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên