28/06/2020 12:44 GMT+7

Tại sao Washington D.C không thể thành bang thứ 51 của Mỹ?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Một lần nữa, số phận "bang thứ 51" của Mỹ lại được mang ra nghị trường mổ xẻ. Khả năng Washington D.C trở thành một bang mới không cao, nhưng dường như nó liên quan đến cán cân sức mạnh trước cuộc bầu cử tháng 11.

Tại sao Washington D.C không thể thành bang thứ 51 của Mỹ? - Ảnh 1.

Thủ đô Washington, D.C, (District of Columbia) của Mỹ được thành lập vào năm 1790 - Ảnh: ThoughtCo

Hôm 26-6, Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ chiếm đa số thông qua dự luật biến thủ đô Washington, D.C (tên chính thức District of Columbia, gọi tắt D.C), thành bang thứ 51 của Mỹ với tên gọi mới là Washington, Douglass Commonwealth.

Frederick Douglass là tên một chính trị gia - nhà hoạt động chống nô lệ người Mỹ hồi thế kỷ 19. Ông sống 17 năm cuối đời ở Washington, D.C.

Dự luật - tên gọi H.R. 51 - được thông qua với tỉ lệ 232-180, chia rõ rệt làm hai phe Dân chủ và Cộng hoà. Chỉ có một mình nghị sĩ Dân chủ Collin Peterson của bang Minnesota là bỏ phiếu chống.

Dù khả năng thành công không cao nhưng cuộc bỏ phiếu hôm thứ sáu đánh dấu lần đầu tiên dự luật "tiểu bang D.C" được thông qua ở một viện của Quốc hội Mỹ. Hồi năm 1993 đã từng có đề xuất tương tự nhưng thất bại ngay từ vòng đầu.

Thị trưởng D.C - bà Muriel Bowser - tung hô trên Twitter: "Tôi sinh ra không có người đại diện, nhưng tôi thề sẽ không chết mà không có người đại diện. Chúng ta sẽ cùng nhau biến D.C thành một tiểu bang, và khi ngày đó đến, chúng ta sẽ nhìn lại và nhớ đến tất cả những ai đã đứng về phía lẽ phải của lịch sử".

"Đại diện" trong ý của bà Bowser là 2 ghế đại biểu ở Thượng viện và 1 ghế ở Hạ viện của Quốc hội Mỹ. Bang mới sẽ bao gồm toàn bộ diện tích hiện tại của D.C, chỉ trừ các tượng đài và tòa nhà liên bang, ví dụ Nhà Trắng và đồi Capitol.

Theo đúng quy trình, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện do phe Cộng hoà nắm, và có lẽ nó sẽ dừng tại đó. Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell đã tỏ rõ thái độ phản đối, trong khi không có chính trị gia Cộng hoà nào ủng hộ.

Phe Cộng hoà chỉ trích các đối thủ muốn tìm cách thâu tóm thêm quyền lực thông qua dự luật H.R 51. Họ lập luận rằng các nhà sáng lập nước Mỹ chưa bao giờ có ý định biến D.C thành một bang.

Lời kêu gọi biến D.C thành tiểu bang xuất hiện nhiều kể từ khi phong trào biểu tình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd lan khắp nước Mỹ. Thị trưởng D.C thì tranh thủ vấn đề an ninh trên địa bàn để thúc đẩy nghị trình này.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 25-6, bà Bowser đặc biệt chỉ trích động thái của Tổng thống Donald Trump điều quân đội giải quyết nạn bạo lực biểu tình ở D.C, cho rằng cách duy nhất giải quyết là biến nó thành tiểu bang.

Ông Trump thì gọi đó là một ý tưởng "ngu ngốc", trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 5.

Thượng viện Mỹ hiện đang chia 53-47 nghiêng về phía Cộng hoà, nếu bổ sung thêm 2 đại diện D.C thì lợi thế đa số của phe Cộng hòa sẽ giảm.

Hiến pháp Mỹ trao cho Quốc hội khả năng thành lập tiểu bang, nhưng liên quan đến D.C thì hơi mù mờ.

Vốn ban đầu Quốc hội Mỹ nắm toàn quyền kiểm soát vấn đề lập pháp của D.C, do các nhà lập quốc lo khả năng nó tập trung nhiều quyền lực hơn chính phủ liên bang. 

Nhưng sau này D.C được trao quyền tự quyết nhiều hơn thông qua các đạo luật mới, riêng Tu chính án 23 thì trao quyền cho cư dân D.C bỏ phiếu bầu cử tri đoàn trong bầu cử tổng thống.

Ông Trump về "cứ điểm" Ông Trump về 'cứ điểm'

TTO - Giới quan sát lưu ý số lượng người có mặt nghe Tổng thống Trump phát biểu đã không nhiều như mong đợi. Đây là dấu hiệu cho thấy đợt bầu cử đầu tháng 11 tới còn khó đoán.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên