22/06/2020 09:02 GMT+7

Ông Trump về 'cứ điểm'

LÊ KIM (từ Mỹ)
LÊ KIM (từ Mỹ)

TTO - Giới quan sát lưu ý số lượng người có mặt nghe Tổng thống Trump phát biểu đã không nhiều như mong đợi. Đây là dấu hiệu cho thấy đợt bầu cử đầu tháng 11 tới còn khó đoán.

Ông Trump về cứ điểm - Ảnh 1.

Người ủng hộ ông Trump đến nghe diễn thuyết ở Trung tâm BOK tại Tulsa tối 20-6 - Ảnh: Reuters

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump có vẻ chịu chi tiền ủng hộ hơn là dành thời gian đến nghe ông phát biểu ở Tulsa tối 20-6. Ngay trước khi diễn ra cuộc vận động tranh cử trở lại sau khi dịch giảm xuống, ban vận động tranh cử của ông Trump và Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) thông báo đã gây quỹ được khoảng 74 triệu USD trong tháng 5 vừa qua.

Đây là số tiền gây quỹ đạt mức cao kỷ lục trong tháng của Tổng thống Trump cũng như RNC, cao hơn 12 triệu USD so với số tiền thu được trong tháng 4, nâng tổng số tiền thu được lên 817 triệu USD.

“Ông ấy khiến chúng tôi tin tưởng vì nói chuyện như chúng tôi nói, chứ không như kiểu chính trị gia truyền thống. Đúng là đôi khi kiểu nói chuyện của ông Trump có thể khiến ta chưng hửng, khó chịu, nhưng cũng như chúng ta thôi, đôi khi chúng ta cũng buột miệng chửi thề vậy.

David Jones (cư dân TP Oklahoma)

Về "cứ điểm" của Cộng hòa

Con số đáng phấn khởi đó không thể tạo đà thu hút cho cuộc nói chuyện được trông chờ ở bang Oklahoma, "cứ điểm" của Đảng Cộng hòa, nơi ông Trump từng chiến thắng vẻ vang trước đối thủ Hillary Clinton bốn năm trước. 

Ban vận động tranh cử của ông Trump tiên đoán người đến nghe sẽ phải chen chúc nhau nên đã chuẩn bị nhiều phương án, nhưng cuối cùng đến phương án chính là khán đài khu phức hợp thể thao của Tulsa với sức chứa 19.000 người cũng còn trống loang lổ. Chỗ sân trống được bố trí màn hình rộng dự phòng cho những người không thể vào khán phòng cũng chẳng có mấy ai.

Ông Brad Parscale, giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, một mặt nhìn nhận con số người ủng hộ không được như kỳ vọng nhưng cũng tìm cách lý giải nguyên nhân là do những kẻ biểu tình cực đoan (ám chỉ đến những cuộc biểu tình có tính bạo lực liên quan chống bạo lực cảnh sát, phân biệt chủng tộc) và "cả tuần lễ truyền thông thảm họa".

Trên "sân khấu", ông Trump cũng diễn theo mạch truyện đó, đổ lỗi cho "những người xấu làm chuyện xấu" đang tụ tập gần nơi ông tổ chức nói chuyện. Nhưng truyền thông ghi nhận là không có mấy cuộc đụng độ giữa hai bên, nên khó có thể biện hộ cho chuyện người ủng hộ ông Trump vì e ngại nhóm kia mà không đến.

Dẫu vậy, trong gần hai tiếng diễn thuyết, ông chủ Nhà Trắng cũng đã nói được những điều mình muốn nói trực tiếp với người ủng hộ sau hơn ba tháng mệt mỏi vì phong tỏa khắp nơi và giải quyết những vấn đề của dịch COVID-19. Ông vẫn gieo niềm tin cho họ là ông đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng dịch bệnh cho nước Mỹ. 

Thực sự là những người ủng hộ ông đều có suy nghĩ như thế ngay từ trước khi bước vào khán phòng ở Tulsa. Bằng chứng là chẳng mấy ai thèm đeo khẩu trang và sử dụng nước khử trùng, dù hai thứ này được phát miễn phí ở các cổng ra vào.

Cử tri trung thành

Nói như GS Joshua Sandman (khoa khoa học chính trị ở ĐH New Haven), hiện ông Trump đang có được số người ủng hộ ổn định trong nhóm người lao động bình dân ở khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ - những người của số đông thầm lặng nhưng khá trung thành. 

Như truyền thông dẫn ý kiến đầy tin tưởng của bà Michelle Voss, cư dân ở Tulsa đến dự buổi vận động tranh cử của ông Trump: "Ông ấy là doanh nhân chứ không phải chính trị gia. Ông ấy có tài nên tôi ủng hộ ông ấy. Trong nhiệm kỳ của ông ấy, nước Mỹ đã có nền kinh tế tốt nhất trong lịch sử và ông ấy có khả năng vực dậy kinh tế một lần nữa".

Thực sự là nước Mỹ đã có những năm tháng tăng trưởng kinh tế tốt đẹp cùng với tỉ lệ thất nghiệp cực thấp, trước khi đại dịch COVID-19 quét bay trong vài tháng. Nhưng không ít người Mỹ vẫn tin tưởng rằng nhà lãnh đạo của mình sẽ sớm giải quyết vấn đề.

Bởi thế trên sân khấu, đã có lúc ông Trump trình diễn pha chút hài hước cho thấy ông vẫn khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần để tiếp tục cùng người Mỹ giải quyết các vấn đề, đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. "Nếu có chuyện gì về sức khỏe, tôi sẽ nói cho quý vị biết", ông cam đoan với cử tri rồi giải thích một lần nữa về nguyên do ông loạng choạng mấy bữa trước sau bài phát biểu ở Học viện quân sự West Point.

Vẫn một cung cách như thế: trực diện, không sáo ngữ, không bóng bẩy, màu mè như cách ông tranh cử bốn năm về trước. Đó là cách khiến không ít người ủng hộ ông tin tưởng. Như cặp vợ chồng trẻ Joe và Vanessa Palmeri, cư dân Oklahoma City cách Tulsa một giờ rưỡi chạy xe. Anh Joe giải thích: "Tôi từng bỏ phiếu cho Obama vào năm 2008 vì tôi tin ông ấy, tin vào ý tưởng về niềm hi vọng, nhưng rồi tôi phải xét lại. Chỉ toàn là những lời hoa mỹ mà thôi". 

Vợ của Joe cùng chung suy nghĩ với chồng: "Đúng là ông Trump nói năng thô lỗ, bình dân và đôi khi ông ấy phát biểu những lời khó nghe, nhưng ít ra thì ông ấy minh bạch, không che giấu điều gì".

Tiếp tục "đá xoáy" Trung Quốc

Phát biểu trước người ủng hộ phần lớn là da trắng, ông Trump giải thích rằng đã yêu cầu giới chức y tế Mỹ "xét nghiệm corona lại ít ít thôi". Ý của ông là do xét nghiệm trên diện rộng nên số người nhiễm ở Mỹ mới đứng đầu thế giới, vượt mặt nhiều quốc gia khác. "Chúng ta đã xét nghiệm 25 triệu người, có lẽ nhiều hơn 20 triệu so với bất cứ nước nào. Đức xét nghiệm nhiều. Hàn Quốc cũng vậy.

Cái dở là khi anh xét nghiệm nhiều quá, anh càng phát hiện nhiều ca nhiễm hơn. Vậy nên tôi nói với họ: vui lòng chậm chậm lại chút", ông Trump nói trước đám đông.

Ông còn dùng từ "kung flu" - lắp ghép từ "kung fu" (công phu) vốn chỉ võ thuật truyền thống Trung Quốc với "flu" là bệnh cúm. Trong thời gian vừa qua, ông Trump và đội ngũ của ông không ít lần dùng những cụm từ như "virus Vũ Hán", "virus Trung Quốc" để chỉ việc Trung Quốc là nguồn cơn của trận đại dịch gây thiệt hại lớn trên toàn cầu hiện nay.

PHÚC LONG

Người đứng đầu cuộc điều tra luật sư riêng của ông Trump từ chức Người đứng đầu cuộc điều tra luật sư riêng của ông Trump từ chức

TTO - Ông Geoffrey Berman, người đứng đầu cuộc điều tra luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đồng ý từ chức hôm 20-6 sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố ông Trump sa thải ông Berman theo yêu cầu của mình.

LÊ KIM (từ Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên