02/04/2023 11:17 GMT+7

Tái chế rác thải cho cuộc sống thêm xanh

Mỗi ngày trạm thu mua rác thải tái chế Tống Văn Trân (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) thu mua khoảng 2,3 tấn rác thải tái chế. Thời gian cao điểm lên đến 5,5 tấn/ngày và dự kiến tăng trong thời gian tới.

Trạm thu mua rác thải tái chế Tống Văn Trân (quận 11) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trạm thu mua rác thải tái chế Tống Văn Trân (quận 11) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hoạt động trên thuộc dự án "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) triển khai.

Đồng hành với dự án còn có sự hợp tác và hỗ trợ của Công ty TNHH tái chế bao bì PRO - Việt Nam.

Khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn

Ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết dự án này bao gồm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là thiết lập hệ thống thu mua chất thải tái chế sau phân loại, đầu tư cơ sở hạ tầng cho trạm thu mua tại trạm trung chuyển Tống Văn Trân, Quang Trung.

"Còn giai đoạn 2, chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới, thiết lập trạm thu mua trên toàn địa bàn TP đảm bảo toàn bộ chất thải tái chế sau phân loại được thu hồi và tái chế.

Đặc biệt, giai đoạn này công ty sẽ đầu tư hệ thống phân loại, tái chế chất thải thành nguyên liệu cung cấp cho các nhà sản xuất, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Và nếu được sự chấp thuận của TP, công ty sẽ thành lập trung tâm xử lý và tái chế chất thải tại Phước Hiệp, Củ Chi.

Mục tiêu của dự án là thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế, giảm khối lượng chất thải nhựa nói riêng và các loại chất thải khác nói chung ra các bãi chôn lấp", ông Tuấn cho hay.

Sau một năm thực hiện chương trình thu mua thử nghiệm rác thải tái chế, CITENCO đã kết nối được với khoảng 10 doanh nghiệp trong các mảng tái chế nhựa, tái chế giấy, tái chế laminate (loại vật liệu nhựa tổng hợp cao cấp - PV)... là các đối tác tái chế quan trọng.

Hiện tại, CITENCO và các doanh nghiệp đã bước đầu thương thảo giá thu mua, giá bán và các giải pháp nâng cao năng lực thu mua, chất lượng sản phẩm. Trong hợp đồng, CITENCO và các đơn vị tái chế đều ghi rõ về sản phẩm đầu ra sau khi tiếp nhận, xử lý các loại rác thải.

Bên cạnh đó, CITENCO đã có định hướng thu mua đa dạng, linh hoạt về các loại phế liệu, giúp thu hút nhiều lực lượng thu gom rác dân lập bán rác.

Số xe rác dân lập tham gia chương trình trung bình đạt gần 60/400 xe, chiếm khoảng 15% trên tổng số xe dân lập đăng ký tại trạm trung chuyển rác Tống Văn Trân.

Bà Nguyễn Thị Lệ - tổ trưởng tổ công nghệ môi trường và phòng thí nghiệm (phụ trách dự án) - khuyến khích người dân nên quan tâm và phân loại rác tại nguồn nhiều hơn. "Việc phân loại rác tại nguồn giúp giảm ô nhiễm môi trường và diện tích chôn lấp".

Khi tái chế chất thải, chúng ta đã biến hành động thành một phần của giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Về lâu dài, dự án sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, góp phần bảo vệ môi trường, cho cuộc sống thêm xanh.
Ông Cao Văn Tuấn (trưởng phòng công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM)

Hướng đến thu gom 100 tấn rác thải tái chế/ngày

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại trạm thu mua chất thải tái chế Tống Văn Trân ngày 29-3, hoạt động thu mua rác tái chế diễn ra khá tấp nập. Các xe thu gom rác (loại nhỏ) của các đơn vị dân lập là khách hàng chính của trung tâm. Hoạt động phân loại rác tại đây diễn ra hoàn toàn bằng thủ công.

Hiện trạm đang thu mua 13 loại chất thải chia làm bốn nhóm lớn gồm: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh. Sau khi thu gom rác từ người dân, những người thu gom rác dân lập (đã đăng ký tham gia chương trình - PV) sẽ tiến hành phân loại sơ bộ theo các nhóm trên.

Lực lượng thu gom rác dân lập sẽ đưa số rác này về trung tâm. Nhân viên CITENCO sẽ thực hiện cân khối lượng từng loại phế liệu, lưu trữ số liệu và thanh toán tiền mặt cho người bán theo bảng giá thu mua hiện hành.

Tại đây, các nhân viên sẽ kiểm tra, phân loại nhóm rác nhựa thành những nhóm nhỏ hơn như: nhựa màu xô, bao ni lông...

Sau đó, lượng rác này được đem đến khu vực lưu chứa và sắp xếp theo quy định. Khi khối lượng rác tái chế lớn sẽ có xe vận chuyển đến các đơn vị tái chế hoặc về địa điểm tiền xử lý và tái chế tại Công trường xử lý chất thải rắn Gò Cát (quốc lộ 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân).

Ông Sơn Minh Thiện (thuộc đơn vị thu gom rác dân lập) là một trong những người ủng hộ dự án thu mua chất thải từ những ngày đầu triển khai.

"Tôi thấy việc đặt một trạm thu mua chất thải để tái chế ngay trong trạm trung chuyển rác như này rất thuận lợi cho các anh em thu gom rác. Giá cả thu mua cũng hợp lý, chúng tôi chỉ việc phân loại rác và đem đến là có các nhân viên hỗ trợ mua lại.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều hộ dân phân loại rác tại nguồn. Đôi lúc trong quá trình thu gom, chúng tôi bị mảnh thủy tinh vỡ cứa vào tay. Tôi hy vọng người dân sẽ có ý thức hơn để không gây nguy hiểm tới những người thu gom rác", ông Thiện bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết sau một thời gian thử nghiệm, dự án vẫn còn một số khó khăn như: mặt bằng không đủ rộng để thu gom lượng rác như mong muốn, một số loại rác thuộc nhóm kim loại, thủy tinh chưa tìm được đơn vị tái chế phù hợp để chuyển giao...

Mỗi ngày, khối lượng rác thải tái chế thu mua trung bình đạt 2,3 tấn. Thời gian tới, trạm mong muốn có thể mở rộng mạng lưới thu mua lên đến 100 tấn/ngày.

Trạm hiện thu mua 13 loại chất thải chia làm bốn nhóm lớn gồm: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trạm hiện thu mua 13 loại chất thải chia làm bốn nhóm lớn gồm: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cần tăng tỉ lệ phân loại rác

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn TP khoảng 10.000 tấn/ngày. Tỉ lệ các công nghệ đốt, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều khó khăn do tỉ lệ hộ gia đình tham gia phân loại rác còn thấp, chưa được duy trì ổn định.

Do đó, việc tổ chức tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu chôn lấp rác. Đồng thời, chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực vệ sinh môi trường

Trong khuôn khổ Tháng thanh niên 2023, sáng 28-3 Đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã tổ chức tọa đàm "Người truyền lửa".

Buổi tọa đàm là dịp để các lãnh đạo, đoàn viên thanh niên thảo luận về những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số gắn với hoạt động môi trường đô thị.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Cao Văn Tuấn cho hay hiện tại công ty đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng phần mềm đóng tiền rác sinh hoạt qua app, đang xây dựng cơ sở dữ liệu để thiết lập phần mềm quản lý công tác tiếp nhận, vận chuyển chất thải.

Trong thời gian tới, công ty sẽ chuyển đổi hình thức thanh toán dịch vụ bằng tiền mặt qua các hình thức khác như chuyển khoản vào tài khoản của công ty, Mobile banking, Internet banking, ví điện tử.

Rác thải nhựa:  Tái chế không phải  là câu trả lờiRác thải nhựa: Tái chế không phải là câu trả lời

TTCT - Giải pháp thật sự để chuyển đổi nền kinh tế nhựa phải là tạo ra ít nhựa hơn ngay từ đầu thay vì chăm chăm vào tái chế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên