05/06/2018 10:30 GMT+7

Đầu tư gần 150 tỉ đồng tái chế chất thải tại Đồng Nai

K.L
K.L

Khu xử lý chất thải Quang Trung (đặt tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) vừa nâng công suất hạng mục Trạm tái chế chất thải làm mùn compost (Trạm compost) lên 400 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải trên địa bàn.

Đây cũng là một trong những bước đi nhằm nâng cao năng lực xử lý chất thải theo xu hướng tái chế của chủ đầu tư dự án – Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV).

Trước đó, vào tháng 5/2016, trạm tái chế chất thải làm mùn compost thuộc Khu xử lý chất thải Quang Trung được đưa vào vận hành thử nghiệm. Sau 2 năm đi vào hoạt động ổn định và cung cấp cho thị trường sản phẩm mùn compost chất lượng, trạm Compost đã đánh dấu việc hoàn tất quy trình xử lý chất thải khép kín và tăng hiệu quả hoạt động của Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Với quy mô 7,15 ha cho cả 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 150 tỷ đồng, trạm Compost của SDV được đầu tư dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ Châu Âu, công nghệ vi sinh học hiếu khí. Nhà máy đáp ứng tối đa mục tiêu phân loại và xử lý chất thải thành sản phẩm hữu ích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với công suất hiện tại là 400 tấn/ngày, nhà máy tái chế rác thải thành mùn compost của SDV tiếp nhận, xử lý rác thải của thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Thống Nhất, Tân Phú, Vĩnh Cửu và tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho cho các nhà máy chế biến phân vi sinh, phân hữu cơ.

Đầu tư gần 150 tỉ đồng tái chế chất thải tại Đồng Nai - Ảnh 1.

Trạm tái chế chất thải làm phân Compost

Được biết, từ nguồn nguyên liệu chính là rác thải sinh hoạt và công nghiệp thông thường có chứa các thành phần hữu cơ khoảng 80-90%, qua quá trình phân loại bán tự động, xử lý bằng hệ thống ủ luống có thiết bị đảo trộn, tinh chế… sản phẩm đầu ra của nhà máy là mùn compost với đường kính hạt từ 4-5mm, độ ẩm khoảng 35%, pH: 6-8, hàm lượng hữu cơ từ 40-50%, hàm lượng cacbon tổng số từ 15-20%... Sản phẩm có thể dùng để cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng hoặc dùng làm nguyên liệu chế biến phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng sau khi thêm vào một lượng các chất khoáng nhất định và các loại nguyên tố vi lượng.

Theo ông Trần Anh Dũng – TGĐ Công ty SDV, mục tiêu của SDV là tập trung đầu tư và thực hiện thành công các quy trình xử lý chuẩn trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đồng thời, SDV sẽ đẩy mạnh công nghệ xử lý, trong đó nâng cao năng lực tái chế và tái sử dụng.

Hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, SDV đã áp dụng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, đồng thời phấn đấu đạt OHSAS 18001:2007 trong thời gian tới.

Trung bình đầu ra của nhà máy đáp ứng khoảng 30 tấn mùn/ngày. Ngoài ra, trong quá trình phân loại và xử lý rác thải sẽ thu được một số loại sản phẩm phụ có thể tái chế gồm: thủy tinh, giấy, carton, bao ni lông, PE, PP, kim loại…

Theo Công ty SDV, để có được chuỗi hạng mục hoàn thiện và đồng bộ, đáp ứng được quy trình xử lý chất thải khép kín và sản phẩm tái chế đạt chất lượng như hiện nay, Khu xử lý chất thải Quang Trung đã trải qua quá trình gần 10 năm chuẩn bị, đầu tư và nỗ lực. Đến nay, SDV đã cơ bản hoàn thành khu xử lý chất thải liên hoàn, có quy mô lớn, đạt được mục tiêu xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu và xu hướng của thị trường. Qua đó, góp phần xử lý lượng rác thải lớn trên địa bàn, giảm diện tích đất chôn lấp và tạo nguồn thu từ thành phẩm tái chế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Khu xử lý chất thải Quang Trung là một trong những dự án sớm đạt được tỷ lệ chôn lấp rác trơ dưới 15% theo nghị quyết của UBND tỉnh Đồng Nai, đảm bảo được yếu tố môi trường và tăng trưởng về hiệu quả kinh tế. Riêng năm 2017 vừa qua, SDV đã đạt được sự tăng trưởng mạnh cả về lượng chất thải tiếp nhận (khoảng 107.509 tấn) và doanh thu.

Đầu tư gần 150 tỉ đồng tái chế chất thải tại Đồng Nai - Ảnh 3.

Xưởng tinh chế

Năm 2018, với việc đưa vào vận hành một số hạng mục mới, hoàn thành nâng công suất trạm Compost, trạm xử lý nước thải thải tập trung (200 m3/ngày đêm), trạm xử lý hóa lý (60 tấn/ngày) và mở rộng các hạng mục phục vụ công tác xử lý chất thải theo hướng tận thu, tái chế, SDV hy vọng sẽ góp phần trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và mục tiêu phát triển bền vững của các DN nói riêng.

Năm 2009, SDV dự kiến đầu tư 355 tỉ đồng xây dựng Khu xử lý chất thải Quang Trung với quy mô 130 ha. Hiện tại, đây là dự án xử lý chất thải có quy mô lớn và hiện đại nhất trong phạm vi từ miền Trung trở vào đây, đảm bảo được các chức năng xử lý, tái chế gần như liên hoàn. Khu xử lý chất thải Quang Trung hiện tiếp nhận, xử lý chất thải cho trên 200 DN và đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện để cung cấp các dịch vụ xử lý chất thải phù hợp với xu hướng thị trường, đảm bảo hiệu quả đầu tư.



K.L
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên