Nhiều người bị bỏng và liệt do đắp lá chữa đau lưng
Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiếp nhận anh L.V.N., 39 tuổi (ngụ ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), bị bỏng lưng độ 2 sau khi tự đắp lá chữa đau lưng.
Nguyên nhân là anh N. có tiền sử đau lưng nhiều năm, do đặc thù công việc nặng nhọc. Trước khi phải nhập viện 1 tuần, anh T. bị tái phát đau lưng, đau lan xuống chân hai bên, tê mỏi liên tục, đau tăng khi vận động hoặc ho, hắt hơi...
Tuy nhiên, anh N. không đến viện khám mà tự đọc trên Internet tìm một loại lá cây đem giã trộn với muối đắp điều trị. Sau 3 ngày, tình trạng đau lưng không cải thiện mà vùng da đắp thuốc còn bị phỏng rộp độ II vùng thắt lưng, kích thước khoảng 3x6cm.
Tại khoa y học cổ truyền, anh N. được điều trị giảm đau chống viêm, giãn cơ, chăm sóc vệ sinh vết bỏng, kết hợp điều trị các thủ thuật y học cổ truyền như điện châm, thủy châm, xoa bóp…
Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng đau lưng đã giảm, anh N. có thể vận động cúi ngửa dễ dàng hơn, vết bỏng vùng thắt lưng bong vảy thành sẹo…
Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, bệnh nhân nữ 53 tuổi (ngụ ở Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vào viện trong tình trạng yếu nặng hai chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng hai gan bàn chân.
Nguyên nhân trước nhập viện 6 tháng, cảm thấy đau nhức vùng lưng, đi lại khó khăn. Người bệnh đã đi khám tại một phòng khám tư nhân được chẩn đoán: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhẹ và được chỉ định điều trị nội khoa.
Sau khi dùng thuốc không đỡ, bệnh nhân được bạn bè tư vấn chườm lá (không rõ loại) vài đợt, lúc đầu các triệu chứng được cải thiện một thời gian ngắn thì bệnh lại tái phát, đau tê vùng hông xuống hai chân, yếu hẳn hai chân, đi lại khó, tiểu không tự chủ.
Mặc dù vậy, gia đình vẫn mua thêm vài thang thuốc nữa để uống kèm, đồng thời hơ chân trên lửa để tăng cảm giác theo sự hướng dẫn của người bán thuốc.
Hậu quả bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt hẳn hai chân, loét bỏng hai gan bàn chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Qua thăm khám các bác sĩ khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh lý tủy ngực nên đã chỉ định chụp MRI cột sống ngực.
Kết quả phát hiện một khối u tủy ngực mức D9 chèn ép nặng ống sống. Người bệnh được chỉ định mổ bán cấp cứu bóc u tủy vi phẫu. Sau gần 3 giờ phẫu thuật, ca mổ hoàn thành.
Một tuần sau mổ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, đi lại được, đại tiểu tiện tự chủ.
Chữa sai phương pháp tốn thời gian, bệnh trầm trọng
ThS Nguyễn Văn Mận, trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, chia sẻ nhiều trường hợp đau cột sống thắt lưng đã điều trị sai phương pháp, chẳng những gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh cột sống lưng có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể của con người bởi đây là trụ cột nâng đỡ, giúp chúng ta có thể đi đứng thẳng. Đồng thời, còn là nơi chứa hệ thống dây thần kinh, dây chằng để điều khiển và giúp các xương khớp được nối liền.
Đau cột sống lưng là hiện tượng đau, tê ở cột sống lưng, có thể là những cơn đau cấp tính (đau một cách đột ngột, kéo dài vài tuần), cũng có thể là mạn tính (tiến triển theo một quá trình, kéo dài tới vài tháng) và tại bất cứ vị trí nào trên cột sống cũng có thể gặp, chẳng hạn: trên, dưới, giữa, một bên hoặc trái, hoặc phải.
Các cơn đau có thể âm ỉ, kéo dài, cũng có thể gây ra cảm giác nóng rát hoặc đau dữ dội. Một số trường hợp còn đau lan xuống vùng xương chậu, các chi hoặc gây tê bì chân tay.
Đau cột sống là bệnh dễ gặp không chỉ ở người lớn tuổi do sự thoái hóa tự nhiên của xương khớp mà hiện nhiều người trẻ tuổi cũng bị mắc.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn từ các nhóm nguyên nhân bệnh lý như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm; viêm khớp; ung thư; hẹp ống sống... cho đến các nguyên nhân khác nhau như:
- Phụ nữ trong các giai đoạn thay đổi nội tiết tố hoặc cân nặng thay đổi: khi mang thai hoặc hành kinh, nhiều phụ nữ có thể xuất hiện hiện tượng đau cột sống lưng. Với những người thừa cân, áp lực lên cột sống và một số vị trí khác như: cổ, khớp gối... tăng cao cũng dẫn tới đau.
- Chấn thương: trong quá trình đi lại, lao động hoặc chơi thể thao, có thể bị ngã, va chạm khiến cột sống lưng bị tác động gây ra các cơn đau.
- Những người thường xuyên phải lao động nặng, đặc biệt là các hoạt động mang vác gây áp lực lớn lên cột sống lưng, lâu dần khiến chúng bị suy yếu và đau đớn.
- Các thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày: đây là nguyên nhân rất nhiều người gặp phải. Trong đó, điển hình là việc ngồi hoặc đi khom lưng, thường xuyên vắt chéo chân, ngồi xổm... ảnh hưởng đến tình trạng lưu thông máu, dây chằng bị chèn ép, cột sống bị cong vẹo, lệch. Với những người ăn thiếu chất, hay dùng chất kích thích hoặc hay mệt mỏi, căng thẳng cũng có thể dẫn tới đau lưng.
Ngoài ra, nếu mắc các bệnh như: thận, phụ khoa, phình động mạch... cột sống lưng cũng có thể bị đau.
"Khi xuất hiện các triệu chứng như cơn đau dai dẳng ở bất kỳ vị trí nào của cột sống; sưng, khó chịu ở cột sống; đau nhức ngày càng nặng hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm; đau kèm cảm giác tê hoặc yếu tay chân nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh tự chữa trị làm tình trạng bệnh nặng thêm" - ThS Mận khuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận