13/12/2023 08:09 GMT+7

Nhiều học sinh cong vẹo cột sống: Khám định kỳ giúp phát hiện sớm

Cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường ngày càng phổ biến nhưng chưa được quan tâm đúng mức, cho đến khi cột sống của trẻ cong vẹo ở mức độ nặng.

Hình ảnh X-quang cho thấy cột sống của một bạn trẻ bị vẹo hình chữ S rất nặng - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Hình ảnh X-quang cho thấy cột sống của một bạn trẻ bị vẹo hình chữ S rất nặng - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng có thể làm giảm hoặc mất khả năng lao động, học tập và sinh hoạt của trẻ.

Thạc sĩ Đào Phú Khánh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - thông tin qua báo cáo khám sức khỏe học sinh năm học 2019-2020 tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ cong vẹo cột sống là 2,62%.

Theo nghiên cứu "Cong vẹo cột sống và một số yếu tố liên quan ở học sinh tiểu học dân tộc Khmer tại hai tỉnh Sóc Trăng và An Giang" của tạp chí Y Học Việt Nam năm 2022, tỉ lệ mắc cong vẹo cột sống ở học sinh tiểu học tại nước ta chiếm 1,3 - 36,33%. Trong đó học sinh khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa bị cong vẹo cột sống cao hơn khu vực thành thị.

Nghiên cứu này cũng nhận thấy có mối liên quan giữa giới tính và tình trạng thiếu cân dẫn đến cong vẹo cột sống. Cụ thể, học sinh nam sẽ cong vẹo cột sống gấp 1,65 lần so với học sinh nữ, học sinh thiếu cân sẽ mắc cong vẹo cột sống cao gấp 1,78 lần so với học sinh có cân nặng bình thường.

Việt Nam chưa có một chiến lược khám, phát hiện sớm và kiểm soát cong vẹo cột sống trong cộng đồng có hiệu quả, nhất là ở lứa tuổi học đường.

Việc khám sàng lọc cong vẹo cột sống định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý và phòng chống kịp thời; giúp nhà trường, gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn đến sức khỏe, trong đó có phòng chống cong vẹo cột sống.

Thạc sĩ Phú Khánh cho hay cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường vốn có của nó.

Cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém, bắt buộc học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết hoặc học nghề); do các tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế); cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi…

Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể do trẻ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng học sinh kém do ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương) hoặc do ngồi, đi đứng quá sớm.

Ngồi đúng phòng ngừa cong vẹo cột sống

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, thạc sĩ Phú Khánh cho rằng cần cải thiện điều kiện vệ sinh trường học bằng cách nhà trường trang bị bàn ghế phù hợp với kích thước cơ thể, lứa tuổi học sinh theo thông tư liên tịch số 26 về hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Khi ngồi, học sinh phải đảm bảo ngồi học đúng tư thế bằng cách: hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành một góc tối ưu là 90 độ (dao động trong khoảng 75-105 độ), lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn.

Cao thêm 8cm, dáng đi thẳng sau nhiều năm vẹo cột sống thắt lưngCao thêm 8cm, dáng đi thẳng sau nhiều năm vẹo cột sống thắt lưng

Mắc chứng vẹo - còng cột sống, biến dạng cột sống thắt lưng - ngực, người phụ nữ 60 tuổi không đi được liên tục quá 5-10m. Trải qua 7 tiếng rưỡi phẫu thuật, bệnh nhân cao thêm 8cm, dáng đi thẳng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên