Nhưng có những sự lãng phí lớn gấp trăm, ngàn lần như bỏ hoang phí nhà, đất công không nên có thì lại tồn tại suốt thời gian dài, không hướng tháo gỡ.
Nhiều đại biểu khi thảo luận về Luật Dược (sửa đổi) đã đề nghị bổ sung vào điều 3 dự thảo luật quy định cơ chế bắt buộc về dự trữ "thuốc hiếm" hoặc "thuốc mồ côi" sử dụng trong cấp cứu bệnh nhân.
Điều đại biểu băn khoăn và muốn được "giải tỏa" nhất là quy định đó phải xem việc nếu khi dự trữ mà thuốc hết hạn thì việc hủy thuốc (mua bổ sung thuốc mới) là điều hoàn toàn bình thường, chứ không phải xem đó là lãng phí.
Sở dĩ có đề xuất này bởi lâu nay, đâu đó có những trường hợp các cơ quan hậu kiểm vẫn nặng nề, cứng nhắc cho rằng việc dự trữ nhưng không sử dụng, phải hủy thuốc khi hết hạn là lãng phí, hậu quả gây nên tâm lý sợ sai của cán bộ quản lý và cơ sở y tế.
Để rồi không dự trữ thuốc (có loại chỉ vài ngàn đồng/liều) cứu chữa cho bệnh nhân qua giây phút sinh tử.
Trong khi đối với thuốc chữa bệnh, cũng như bình chữa cháy ai cũng mong là "phòng" hơn "chữa".
Tất nhiên để tránh lãng phí, lượng thuốc mua dự trữ bao nhiêu cũng phải có quy định bằng cơ chế tính toán dựa trên số lượng thuốc dùng của một số năm trước đó.
Đồng thời cũng phải có cơ chế để luân chuyển thuốc giữa các khu vực, các cơ sở y tế với nhau để sử dụng tối ưu lượng thuốc dự trữ.
Nếu nói về lãng phí không ví dụ nào điển hình, chua xót cho bằng hàng loạt nhà, đất công ở các địa phương đang bỏ không, hoang hóa, lãng phí.
Những "mỏ kim cương", "mỏ vàng" lộ thiên đó chỉ cần một cơ chế cho phép cho thuê hợp lý để đưa vào khai thác đã đem lại nguồn lực lớn cho ngân sách. Số tiền thu về chắc chắn giúp nhiều địa phương xông xênh dự trữ thuốc.
Báo cáo mới nhất tại TP.HCM có hàng ngàn địa chỉ nhà, đất, với diện tích hàng chục ngàn mét vuông bỏ trống, không thể cho thuê, lãng phí do không có cơ chế cho thuê nhà, đất công sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.
Rất nhiều nhà, đất trong đó tọa lạc vị trí "vàng" ở các quận 1, 3, 5, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận... Đất thành phố có nơi cho thuê đắt đỏ, có nơi cho thuê hàng triệu đồng/m2, số tiền đang lãng phí là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng/năm.
Chưa kể dự án 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) cũng để không, chưa có cơ chế hiệu quả để bán hoặc cho thuê.
Một núi tiền "phơi" nắng mưa. Sốt ruột trước tình trạng này, một số đơn vị, điển hình như Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm vừa lập đề án đề xuất cho liên kết hợp tác khai thác một phần lô đất ký hiệu DL-6, thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (tọa lạc phường An Khánh, TP Thủ Đức) làm sân tập golf trong thời gian chưa sử dụng.
Dù vậy đến nay đề xuất này cũng chưa được xem xét. Rõ ràng nếu có một quy định bằng luật chung sẽ dễ dàng hơn cho các địa phương khi lập, duyệt phương án cho thuê.
Thay vì sốt ruột, lo lãng phí với những việc rất cần thiết để cứu chữa sinh mạng người dân, phải nghĩ đến việc đừng để lãng phí nguồn lực tài sản công.
Đó cũng chính là việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm sử dụng phù hợp, hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận