Nỗi khổ không của riêng ai này đang là vấn nạn, nhưng chưa có giải pháp chế tài đúng mức.
Thích nuôi chó nhưng kém ý thức
Bạn đọc nguyenchibang161175 cho rằng trong câu chuyện nhiều người nuôi chó trong khu dân cư thì ý thức là điều quan trọng nhất.
Theo bạn đọc này, dù nuôi chó hay bất cứ công việc gì, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích, sở thích của mình mà gây hại cho người xung quanh thì đó là cách hành xử kém văn minh, thiếu tôn trọng tập thể.
Đồng tình ý kiến này, bạn đọc Trần Đăng Hiến cho rằng để tăng cường ý thức thì phải nhờ vào sự nghiêm khắc của pháp luật. Bởi việc phạt thật nặng người có hành vi kém văn minh thì cuộc sống mới bình yên được.
Bạn đọc Nguyên phê bình việc chủ nuôi chó hành xử thiếu sự vì tập thể: Thả chó sang nhà hàng xóm phóng uế, chủ đứng nhìn chó phóng uế xong ung dung sảng khoái. Chủ chó cùng nhau tung tẩy đi về thì nói thật tôi nhìn cũng na ná như nhau.
Bạn đọc Hồng Tú nêu quan điểm rằng việc nuôi chó là quyền của từng người. Nhưng quan trọng nhất là ý thức.
"Nếu có ý thức và lòng tự trọng thì họ sẽ không làm những việc khuất tất sau lưng người khác. Càng nhịn thì họ càng vênh váo tự đắc, nhưng không hề nghĩ là người khác nhịn họ chẳng qua vì người ta xem thường và không muốn dây vào việc bẩn, chứ chẳng phải họ hay ho gì.
Đối với loại người này thì chỉ có dùng pháp luật xử lý, chứ trông chờ vào ý thức là chuyện viển vông" - bạn đọc Hồng Tú nói.
Kêu mãi, nói riết nhưng vẫn thế
Ngoài việc lên án hành vi nuôi chó nhưng không quản lý trong khu dân cư, gây ảnh hưởng tới mọi người, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online cũng cho rằng quy định pháp luật hiện đã có.
Nhưng việc xử lý thì rất lỏng lẻo, nhiều trường hợp chính quyền can thiệp nhưng bị chủ nuôi chó phản ứng quyết liệt. Do vậy, đây vẫn là một câu chuyện nan giải, xấu xí ở khu dân cư mà mọi người phải đối diện hằng ngày.
"Cấm đốt pháo, tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm, đo nồng độ cồn. Những việc đó khó nhưng sao thực hiện được và rất tốt, việc nuôi chó dân rất bức xúc từ lâu sao không làm được?" - bạn đọc Tú đặt câu hỏi.
Bạn đọc Thainguyen hiến kế rằng mỗi tổ dân cư nên lập nhóm Zalo, Facebook. Khi có việc người nuôi chó nhưng thiếu quản lý, phóng uế ra khu dân cư, cắn người khác thì mọi người báo lên chính quyền để giải quyết.
Bạn đọc Tran Binh thì nói: "Nhà nào nuôi chó thì tổ trưởng dân phố đều biết hết, hay nếu muốn chính xác cứ cử một cán bộ phường cùng tổ trưởng đi thống kê để nắm xem trong địa bàn mình quản lý có bao nhiêu hộ nuôi chó, nuôi bao nhiêu con.
Bước đầu phát thông báo yêu cầu nuôi chó phải tiêm phòng đầy đủ, không thả rông, phóng uế nơi công cộng.
Phải ghi rõ nếu vi phạm thì sẽ có hình thức phạt như thế nào, phạt theo cấp số nhân nếu cứ liên tục vi phạm bị người dân phản ánh. Đồng thời cung cấp số điện thoại để người dân khu phố theo dõi, giám sát. Làm vậy thì trong thời gian ngắn mọi việc sẽ vào nề nếp ngay".
Rất nhiều bình luận bày tỏ sự bức xúc trước việc trong cộng đồng bị quấy nhiễu bởi sở thích nuôi chó của một vài hộ gia đình. Điều này cho thấy đây là một vấn nạn, một nỗi khổ chung không riêng của bất cứ nơi đâu.
Những câu chuyện, chủ đề như vậy khi gợi lên luôn được quan tâm. Việc lên tiếng, cùng đưa ra các giải pháp là cách cùng nhau đi tìm lời giải đáp, hạn chế những tiêu cực để cuộc sống được bình yên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận