
Ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc tiếp tục có chiều hướng tăng cả về quy mô lẫn mức độ, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, kết quả quan trắc nhiều năm qua cùng các nghiên cứu chuyên ngành chỉ ra rằng giao thông đường bộ là nguồn phát thải chính, làm suy giảm chất lượng không khí đô thị - ô nhiễm không khí.
Từ đầu năm 2025 đến nay, TP.HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận một số thời điểm chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép.
Cụ thể tại trạm quan trắc tự động liên tục của Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt tại số 200 Lý Chính Thắng (quận 3), có 4 ngày (7-1, 14-1, 25-3 và 26-3) chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém. Trạm tại đường Lê Hữu Kiều (TP Thủ Đức) cũng ghi nhận 3 ngày AQI ở mức kém trong cùng kỳ.
Mặc dù số ngày không khí ở mức kém không nhiều, song nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trung bình vẫn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các điều kiện khí tượng thay đổi bất thường, việc kiểm soát và hạn chế phát thải trở thành yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
TP.HCM đã xác định ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường cấp bách, cần được giải quyết bằng nhiều cách.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã và đang tập trung làm chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 và kế hoạch về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí giai đoạn 2024-2025.
Kế hoạch này đặt ra 5 mục tiêu giảm phát thải bụi và khí thải, đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiểm soát phát thải từ xe cộ là nguyên nhân lớn nhất làm ô nhiễm không khí tại TP.HCM.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực tham mưu, phối hợp các sở ngành, địa phương quản lý chất lượng môi trường không khí.
Còn Sở Giao thông công chánh chủ trì tham mưu, làm các nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu giảm ô nhiễm không khí do giao thông - lĩnh vực được xác định là nguyên nhân chính phát thải bụi, khí thải ở TP.HCM.
Chính phủ yêu cầu TP.HCM kiểm soát ô nhiễm không khí
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo các địa phương, trong đó có TP.HCM, tiếp tục làm các giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch, kỹ thuật đến truyền thông với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Việc kiểm soát ô nhiễm không khí sẽ không dừng lại ở lĩnh vực giao thông mà còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và quản lý chất thải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận