Ở tuổi 22, Nguyễn Quốc Trung - sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - sở hữu hành trang khoa học đáng mơ ước khi đã công bố 11 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Tìm hợp chất từ dược liệu thiên nhiên
Trong 11 bài báo công bố, Trung là chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với định hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên bảo vệ sức khỏe.
Đề tài nghiên cứu tận dụng cỏ cúc leo - một loại cỏ ngoại lai xâm hại làm mất cân bằng sinh thái - mọc ở vùng ven TP.HCM để tổng hợp nano bạc đã được nghiệm thu đạt yêu cầu. Dung dịch nano bạc có khả năng kháng khuẩn mạnh, không gây độc, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
Nghiên cứu như đã ăn vào máu nên đi đâu Trung cũng tìm tòi. Đang làm chiến sĩ Xuân tình nguyện tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), anh cũng kịp phát hiện tinh dầu từ cây cóc trắng có tiềm năng chống lại trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng. Trực khuẩn mủ xanh nếu xâm lấn vào cơ thể có thể gây nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm tai giữa, viêm phổi trong khi tụ cầu vàng gây ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn da, nhiễm trùng máu…
Đề tài làm Trung hao hơi tổn sức nhất phải kể đến nghiên cứu cơ chế gene CHID1 và sử dụng các hợp chất tự nhiên ngăn chặn sự di căn, phát triển của tế bào u nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma). U nguyên bào thần kinh đệm là loại ung thư rất khó điều trị. Do đó việc tạo "nội công" để các hợp chất tự nhiên vượt qua hàng rào máu não, tiêu diệt tế bào ung thư là bài toán khá hóc búa.
Trung thừa nhận thời điểm bắt tay tìm tòi hồi năm trước vẫn chưa nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trên tế bào, đặc biệt là tế bào ung thư não. Anh kể quả đúng là hành trình đầy gian nan, không nhớ hết đã làm bao nhiêu thử nghiệm, cả điều chỉnh quy trình nghiên cứu rồi đi tìm, thỉnh giáo không ít giáo sư đầu ngành.
Anh cho biết đã phân lập, sử dụng hợp chất MB04 từ lá mãng cầu xiêm để ức chế sự phát triển của u nguyên bào thần kinh đệm. Trung nói kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy hiệu quả ức chế cao hơn nhiều lần so với việc điều trị hiện tại.
"Các hợp chất được tìm thấy có hoạt tính sinh học rất tốt, thậm chí vượt trội so với một số loại thuốc điều trị hiện có. Thử nghiệm sử dụng một lượng nhỏ hợp chất song lại cho hiệu quả điều trị tốt nên khả năng giảm thiểu một số tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh tương đối khả quan", Trung nói.
Mất ăn, thiếu ngủ, có lúc sụt 10kg
Trung nói đam mê nghiên cứu của mình bắt đầu từ cảm hứng trong những lần chơi lắp ghép mô hình hợp chất hữu cơ hóa học với anh trai. Đam mê lớn dần mỗi ngày, anh đặt mục tiêu đậu vào lớp chuyên hóa ngôi trường chuyên của tỉnh.
Thỏa ước nguyện khi đã là học sinh lớp chuyên hóa Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, cậu học trò tỉnh Kiên Giang từng có giai đoạn nhiều tuần liền đóng đô ở phòng thí nghiệm từ sáng đến tối. Thậm chí có khi chỉ ăn ngày một bữa, đỉnh điểm sụt gần 10 cân.
Vậy mà dự án nghiên cứu tổng hợp polymer phân hủy sinh học bạn theo đuổi lúc đó thất bại. Phần vì phòng thí nghiệm của trường thiếu hóa chất, Trung nói cái thiếu nhất là chưa có kinh nghiệm nghiên cứu. Lần mò Internet, anh biết PGS.TS Hà Thúc Huy - giảng viên khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - có hướng nghiên cứu mà Trung theo đuổi.
May mắn tìm được email, anh đã gửi thư và được thầy Huy hồi đáp liền. "Vui hơn khi thầy đã hỗ trợ hóa chất, dụng cụ thí nghiệm, hướng dẫn để mình có thể nghiên cứu thành công sau đó. Thầy chính là người đã đặt nền móng cho hướng nghiên cứu của mình cho đến hiện nay", Trung cho biết.
Nhưng bạn trẻ này cũng có không ít lần thất bại bởi làm khoa học chưa bao giờ là lối đi bằng phẳng. Giữ vững tinh thần, tư duy linh hoạt, kiên trì con đường đã chọn, sẵn sàng đối mặt với thất bại đã thành bài học nằm lòng. Với Trung, quan trọng là tìm ra điểm sai của quy trình và luôn trong tâm thế đi tìm để học hỏi, lắng nghe ý kiến không chỉ của chuyên gia mà ngay với các cộng sự.
Có áp lực nhưng thấy rõ trách nhiệm hơn
Trung chia sẻ, danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" vừa nhận không chỉ dành riêng cho cá nhân mà là ghi nhận sự giúp đỡ của những người thầy, người bạn đồng hành với mình. "Có chút áp lực khi được vinh danh song tôi biết mình cần phải phấn đấu, nỗ lực học hỏi thêm nữa cũng như phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn cho xã hội", Trung bày tỏ.
Đảng viên tuổi 18
* Vào Đảng năm 18 tuổi, điều gì làm bạn nghĩ nhiều nhất?
- Chắc chắn có niềm tự hào không nhỏ khi trở thành đảng viên tuổi 18. Nhưng tôi biết đó cũng là trách nhiệm lớn, giúp bản thân xác định rõ ràng hơn lý tưởng phục vụ Tổ quốc, nhân dân.
Tôi luôn tự nhắc mình không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn để xứng đáng với niềm tin được trao gửi. Tôi tự xác định bản thân cần tiên phong, gương mẫu trong học tập, nghiên cứu và dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội.
* Nếu phải khắc họa chân dung nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Trung, chân dung đó ra sao?
- Chứng kiến sức khỏe của ba mẹ ngày càng suy yếu, tôi khao khát tìm ra các dược liệu, giải pháp điều trị bệnh, cải thiện sức khỏe bền vững từ thiên nhiên. Tiềm năng của nguồn dược liệu Việt Nam cùng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng rất lớn. Tôi khát khao tạo ra những sản phẩm dược liệu "made in Vietnam".
Tôi dự định du học để trau dồi thêm kiến thức, kỹ thuật hiện đại cũng như tiếp cận phương pháp nghiên cứu tiên tiến. Mình chỉ có thể đóng góp hiệu quả cho đất nước khi tích lũy nền tảng chuyên môn thật vững song song với rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng mềm, tư duy hội nhập. Tôi kỳ vọng sớm hoàn thành việc học để có thể quay về, áp dụng điều đã học trong nước.
Đây vừa là cách phát triển bản thân vừa hiện thực hóa khát vọng đóng góp sức mình cùng nâng cao chất lượng chăm sóc y tế, nâng tầm thương hiệu khoa học Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Tôi đã và sẽ luôn làm việc với tâm thế chủ động học hỏi, đón nhận kiến thức mới, cởi mở để bắt kịp xu thế toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận