21/07/2020 13:29 GMT+7

Sẽ có các tổ lưu động tiêm vắcxin phòng bạch hầu

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Lãnh đạo Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định để đảm bảo dập dịch, trong chiến dịch tiêm chủng tới sẽ triển khai các tổ lưu động tiêm vắcxin phòng bạch hầu.

Sẽ có các tổ lưu động tiêm vắcxin phòng bạch hầu - Ảnh 1.

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, các địa phương sẽ hoàn thành tiêm vắcxin phòng bạch hầu cho các tỉnh Tây Nguyên trong vòng 46 tháng - Ảnh: TRUNG TÂN

Sáng 21-7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm và triển khai chiến dịch tiêm vắcxin bạch hầu khu vực Tây Nguyên.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng để đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng trên 90%, bộ sẽ triển khai các tổ lưu động tiêm vắcxin phòng bạch hầu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên toàn Tây Nguyên.

Tại hội nghị, ông Viên Chinh Chiến - viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (Bộ Y tế), cho biết đầu mùa dịch, đơn vị xác định có 12 xã, phường trên toàn vùng có ca nhiễm, ổ dịch bạch hầu. Tuy nhiên sau hơn một tháng, số xã phường phải ‘ưu tiên’ tiêm vắcxin phòng bạch hầu đã lên đến 32 xã, phường tại 4 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương Tây Quảng Nam.

Khi dịch bạch hầu bùng phát, đến nay ngành y tế các địa phương đã triển khai việc khoanh vùng, cách ly hàng ngàn người để điều trị dự phòng, dập dịch...

Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vắcxin tại Tây Nguyên

Từ ngày 7-7, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông với mục tiêu tiêm vắcxin đạt tỉ lệ trên 90%.

Tuy nhiên, ông Viên Chinh Chiến đánh giá chiến dịch tiêm chủng phòng bạch hầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là do vùng này có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, giao thông, đi lại rất khó khăn. Cùng với đó, nhiều người dân không hợp tác với ngành y tế trong việc tiêm vắcxin phòng bệnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

"Người dân, đặc biệt người Mông di cư từ miền Bắc vào sống ẩn khuất trong các cánh rừng. Hơn nữa, người lớn thường đi làm dài ngày, ở lại qua đêm tại các chòi rẫy nên các khu dân cư chỉ còn trẻ con, nhiều cháu sẽ không đến điểm tiêm chủng tập trung. Vì vậy, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai các tổ tiêm chủng lưu động để đến những khu, cụm dân cư nhỏ lẻ để đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng đã đề ra", ông Chiến đề nghị.

Trao đổi bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn cả nước nói chung và Tây Nguyên vừa qua là hết sức thành công, đáng ghi nhận.

Tại Tây Nguyên, hậu COVID-19 lại thêm dịch bạch hầu với hơn 100 ca dương tính, trong đó 90% ca mắc lại ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn…

Sẽ có các tổ lưu động tiêm vắcxin phòng bạch hầu - Ảnh 3.

Để đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai các tổ lưu động về các cụm dân cư nhỏ lẻ - Ảnh: TRUNG TÂN

"Qua đánh giá, hiện nay có 31 loại bệnh truyền nhiễm thì có 21 bệnh không tăng so với năm ngoái. Sau hội nghị này, bộ sẽ chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi hành vi trong công tác phòng bệnh và tiêm chủng mở rộng.

Tại sao tôi nói như vậy? Tại Tây Nguyên, vấn đề di cư tự do rất căng thẳng, trong khi nhận thức của đồng bào về phòng chống dịch còn hạn chế so với khu vực thành thị. Ngoài ra, việc tiêm chủng của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên tuy có tăng hơn năm 2019 nhưng cũng chỉ đạt 32%, là vùng lõm về tiêm chủng mở rộng.

Bộ đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tiêm phòng dịch bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó sẽ ưu tiên tiêm ở vùng có nguy cơ lan tỏa trở ra. Bộ phấn đấu trong vòng 46 tháng sẽ hoàn thành tiêm chủng các khu vực Tây Nguyên.

Chúng tôi cũng yêu cầu sở y tế các tỉnh phối hợp với địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền đảm bảo công tác vệ sinh môi trường khu dân cư, nơi sinh sống của các gia đình, cá nhân", Thứ trưởng Tuyên lưu ý.

Thêm ca bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn Thêm ca bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn

TTO - Sáng 19-7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông, xác nhận tại địa phương xuất hiện thêm ca nhiễm bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn vì có tiền sử dịch tễ phức tạp...

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên