Xe buýt lấn làn, chèn ép người đi xe máy dẫn đến tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 1, huyện Bình Chánh, TP.HCM (ảnh chụp chiều 2-5) - Ảnh: NHẬT THỊNH
4h sáng 30-4, bạn tôi rời nhà về Bến Tre bằng xe máy, sớm hơn 2 tiếng đồng hồ so với những kỳ lễ tết khác. Và bạn đã về quê an toàn, chỉ mất 3,5 tiếng cho hành trình 100km.
Chúng tôi đi ôtô 7 chỗ, dự định khởi hành lúc 7h sáng. Nghe nói cao tốc TP.HCM - Trung Lương rất căng vì kẹt xe từ sáng sớm nên chúng tôi khởi hành sau 9h với hi vọng đường đã thông thoáng hơn. Nhưng đường về miền Tây kẹt xe cả ngày. Chúng tôi đã có một chuyến đi nhớ đời, mất 8 tiếng chúng tôi mới đi hết hành trình 100km.
Tài xế quyết định đi quốc lộ, không đi cao tốc, với hi vọng đỡ khổ hơn. Nhưng cứ đến những điểm giao có đường dẫn lên cao tốc Bến Lức, Tân An và cuối cao tốc ở Tiền Giang, dòng xe kẹt lại hơn một tiếng đồng hồ.
Hầu hết các tuyến quốc lộ này có dải phân cách cứng, đường không rộng, xe máy và ôtô chen nhau làn trong cùng. Có lúc ôtô dàn ngang, chiếm 3-4 làn đường, toàn bộ xe máy buộc phải leo lề để tiến về phía trước. Có đoạn dưới mặt đường chỉ toàn ôtô, người đi xe máy phải tấp vào mái hiên, khoảng trống hoặc quán nước bên đường để nghỉ mệt. Cũng có khi xe máy xẹt ngang, luồn lách giữa 3 làn ôtô mà đi. Mạnh ai nấy cố gắng tiến về trước, không cần biết làn nào cho xe nào! Những lúc đó tôi nghĩ đến hình ảnh kẹt xe ở nước ngoài, họ cũng kẹt nhưng không có chuyện lấn làn, leo lề.
Bạn bè tôi có người đã rời TP.HCM từ ngày 29-4, nhưng các con đường từ TP.HCM đi các tỉnh đã bắt đầu ùn ứ nhiều nơi. Đi chơi, về quê hay đi công việc, ai cũng muốn chờ ngày lễ để đi. Chuyện này không lạ nhưng kẹt xe như năm nay thì chưa từng! Và ngày sau chắc cũng sẽ còn khổ dài dài khi đường sá chậm mở thêm, con người thì có trăm ngàn lý do để đi. Giờ người ta tranh thủ mấy ngày lễ làm đám giỗ, đám cưới, họp lớp... nên tình hình sẽ căng thẳng hơn.
Và lại thấy cảnh các trạm thu phí buộc phải xả trạm cho xe qua. Đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt và cũng là một trong rất nhiều lý do gây kẹt xe. Nếu các trạm đều tổ chức thu phí tự động không dừng, tài xế chấp hành, mỗi xe qua nhanh hơn một chút cũng đỡ kẹt. Nhưng mấy năm rồi vẫn không thể thay đổi để khá hơn.
Bài học nào sau lần kẹt xe lịch sử này? Mỗi người sẽ có một cách rút kinh nghiệm. Ở nhà ngày lễ hoặc cố đi lệch giờ với đám đông cũng là một cách. Nhưng không thể có sự thay đổi chung khi chưa có những thay đổi từ số đông với thói quen chấp hành giao thông kém, càng kẹt xe càng lộ rõ sự đi đứng tùy tiện trên đường. Kẹt xe đã khổ càng khổ hơn khi chúng ta cứ làm khổ nhau!
Và tôi mong lực lượng chức năng có những dữ liệu tốt hơn về tình hình để có giải pháp dự phòng trước sự cố.
Điều tiết giao thông chỉ là giải pháp tạm thời
Ông Não Thiên Anh Minh - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Trong ngày 30-4, ngày đầu kỳ nghỉ lễ năm nay, các tuyến quốc lộ 51, quốc lộ 1, quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh đều kẹt xe trong nhiều giờ do lượng phương tiện ôtô và môtô tăng đột biến. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài như vậy".
Giải pháp nào cho lâu dài, khi các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh đang trong tình trạng quá tải trầm trọng? Giải pháp căn cơ, mang tính quyết định sự thay đổi là đầu tư các tuyến giao thông mới để giảm tải cho các tuyến hiện hữu như cao tốc, các tuyến đường tỉnh, đường huyện...
Trung tá Trần Trọng Thủy - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết lực lượng của phòng đã bố trí sẵn sàng 120 cán bộ chiến sĩ ở nhiều điểm xung yếu để cùng với cảnh sát cơ động chủ động phân luồng, giải tỏa trong nhiều giờ để không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc phân công lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết phòng ngừa ùn tắc giao thông mới chỉ là giải pháp tình huống, tạm thời.
Lượng xe trên các quốc lộ qua địa bàn Đồng Nai ngày càng tăng cao. Như quốc lộ 51, lưu lượng xe qua lại đã cao gấp 5-7 lần so với thiết kế. Cần gấp rút đầu tư đường mới, đường nhánh, mở rộng đường cũ để giảm tải cho quốc lộ. Cũng cần nhiều giải pháp trước mắt nhằm đi lại ngày lễ tết đỡ vất vả hơn. Mọi người cần chấp hành luật giao thông bởi chen lấn, chuyển làn, chuyển hướng tùy tiện cũng dẫn đến ùn tắc trên các quốc lộ...
H.MI
Chương trình "10 thói quen văn minh giao thông" cần được lan tỏa
Sau mỗi lần bị kẹt xe, bài học của bạn là gì? Mỗi người sẽ có một cách rút kinh nghiệm.
Nhằm góp phần lan tỏa "10 thói quen văn minh giao thông" - chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Grab Việt Nam, mời truy cập: https://tuoitre.vn/chuyenxevanminh và lần lượt thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Đề xuất 1 thói quen nhỏ mà bạn nghĩ là sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông (Ví dụ: quên gạt chân chống, bóp kèn xe inh ỏi, sử dụng điện thoại khi đang lái xe…)
Bước 2: Nhập đầy đủ các thông tin được yêu cầu trong phần bảng hiện ra sau khi bạn ấn nút "Gửi".
Bước 3: Chia sẻ đường link thói quen mà bạn vừa đề xuất lên trang Facebook cá nhân ở chế độ "Công khai" và kêu gọi người thân, bạn bè vào bình chọn. Ban tổ chức sẽ trao 10 phần thưởng (1 triệu đồng/người) từ đơn vị đồng hành Grab Việt Nam đến 10 người tham gia có bài viết được bình chọn nhiều nhất.
Với thông điệp "Thay thói quen nhỏ, tạo ý nghĩa to", chương trình sẽ chọn ra 10 bài viết có lượt bình chọn nhiều nhất tổng hợp thành 1 bộ cẩm nang "10 Thói quen văn minh giao thông" và được đăng trên website của chương trình để có thể chia sẻ rộng rãi ra cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận