22/03/2016 11:00 GMT+7

Sập cầu Ghềnh: Những cảnh báo 
bị bỏ qua…

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Cầu Ghềnh bị đổ sập do sà lan tông. Hệ lụy kéo theo rất nghiêm trọng khi đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn. Người dân vất vả, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt bị ngưng trệ.

Giao thông đi/đến ga Sài Gòn trước và sau khi cầu Ghềnh bị sập - Ảnh: Vân Lam - Đồ họa: Tấn Đạt
Giao thông đi/đến ga Sài Gòn trước và sau khi cầu Ghềnh bị sập - Ảnh: Vân Lam - Đồ họa: Tấn Đạt

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn do sà lan, tàu bè đâm vào cầu.

Trước đó không lâu, vào tháng 11-2015 một sà lan chở đá đã tông vào cầu Bình Lợi làm thanh ray tàu lửa bị lệch hẳn sang một bên, các dầm gỗ cố định đường ray bị gãy.

Sự cố khiến lịch khởi hành của nhiều chuyến tàu bị hoãn, các đoàn tàu đang di chuyển phải dừng khẩn cấp. Thống kê cho thấy từ năm 2009 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ tàu, sà lan đâm va cầu Bình Lợi khiến đường sắt phải gián đoạn tương tự.

Và khi sự cố xảy ra, người ta mới giật mình khi thấy quá nhiều lỗ hổng từ công tác quản lý nhà nước đến ý thức của người lái tàu, lái sà lan.

Từ một số vụ tai nạn gần đây cho thấy có nguyên nhân từ phía người lái tàu, lái sà lan. Như trong vụ sập cầu Ghềnh này, ông Phan Thế Thượng là tài công chính đã bỏ tàu lên bờ, giao lại cho hai người không có giấy phép lái tàu điều khiển.

Trước đó, vào tháng 4-2014, trong vụ sà lan đâm vỡ dầm cầu Hóa An (cách cầu Ghềnh chưa tới 1km), tài công chính cũng giao cho hai tài phụ không có bằng lái điều khiển. Hai tài phụ này còn chủ quan đến mức nhậu xỉn “quắc cần câu”, để sà lan trôi tự do đâm vào trụ cầu.

Bên cạnh trách nhiệm của các chủ tàu, tài công không thể không kể đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi sự cố xảy ra, người ta mới biết chiếc tàu kéo SG-3745 kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh đã… hết hạn kiểm định gần 3 tháng.

Để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trên là lỗi của ai? Vì sao một phương tiện không đủ điều kiện như vậy lại có thể dễ dàng lưu thông từ Tiền Giang đến Đồng Nai?

CSGT, thanh tra giao thông đường thủy ở đâu mà để một phương tiện như vậy lọt qua nhiều địa phương trong khi trên đường đi của nó có nhiều đội, trạm chức năng chốt chặn?

Còn bao nhiêu phương tiện không đủ điều kiện được lái bởi những “tay ngang” không giấy phép đang lưu thông trên các dòng sông ngoài kia?

Thêm nữa, lẽ ra đối với những cây cầu “trăm tuổi” như thế này thì cơ quan quản lý phải xây dựng các trụ chống va đập, vành đai bảo vệ cầu…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì nói tỉnh đã lưu ý Bộ GTVT nhưng không hiểu vì sao chưa được giải quyết? Lãnh đạo Bộ GTVT thì bảo thời gian tới bộ sẽ cho khảo sát lại để tiến hành xây dựng các trụ chống va đập.

Đã có quá nhiều sự cố xảy ra với các cây cầu, nhất là những cây cầu có đường sắt đi qua. Riêng cầu Bình Lợi mấy năm qua đã xảy ra hàng chục vụ va đập làm gián đoạn tàu lửa, cũng may nó chưa sập như cầu Ghềnh.

Không cần nghĩ đâu xa, chỉ riêng hiện tượng và nguy cơ từ cầu Bình Lợi đã là những cảnh báo cấp thiết cho cầu Ghềnh và các cây cầu khác, nhưng đáng tiếc nó đã không được người ta để ý tới.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên