21/05/2023 19:31 GMT+7

Sản xuất gặp khó, doanh nghiệp còn phải hồi hộp với lịch cúp điện

Người dân, doanh nghiệp vẫn phập phồng lo bị cúp điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, tiến độ đơn hàng. Trong khi đó nhiều nhà máy điện vẫn trong quá trình đàm phán để được phát điện.

Sản xuất gặp khó, doanh nghiệp còn phải hồi hộp với lịch cúp điện - Ảnh 1.

Người dân, doanh nghiệp mong muốn hạn chế cúp điện, tránh ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Trong ảnh: Công nhân của Công ty Điện lực Thủ Đức xử lý sự cố đầu cáp trên đường dây vào trưa 19-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải tăng công suất nguồn, đa dạng các nguồn điện để tránh "lặp đi lặp lại" tình trạng thiếu điện, cúp điện mùa nóng trong khi năm nay nhu cầu điện cho sản xuất đã suy giảm.

Có điện không truyền tải được hết, người dân chịu cảnh cúp điện

Ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho biết hiện nay việc đàm phán đối với các dự án năng lượng tái tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, tới đây sẽ có nhiều dự án được đẩy điện lên lưới với giá tạm thời.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay do chưa đảm bảo về truyền tải, đến nay vào khung giờ cao điểm (9h - 15h), một số nhà máy năng lượng tái tạo vẫn bị cắt giảm công suất phát, thậm chí cắt 100% vào khung giờ trên.

Do đó, ông Thịnh cho biết điều quan trọng là cần phát triển hệ thống truyền tải, lưu trữ để năng lượng tái tạo được phát tối đa. 

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết hiện các nguồn điện chạy nền như thủy điện, nhiệt điện than, khí… gặp khó nên cũng không dễ để huy động thêm nguồn năng lượng tái tạo vào các khung giờ cao điểm bởi tỉ lệ phát điện tái tạo đã ở mức cao.

Do đó, ông Thịnh cho rằng vấn đề quan trọng là phải phát triển thêm các nguồn điện chạy nền như điện than, điện khí, lưu trữ điện năng… để tiếp tục huy động cao nguồn năng lượng tái tạo.

Cần tạo thị trường điện cạnh tranh

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng không chỉ năm nay mà những năm tới, khả năng thiếu điện xảy ra rất cao bởi những vấn đề bất thường của thời tiết cũng như nhu cầu tiêu thụ điện cao. 

Do đó, ông Thiên cho rằng đây là "bài học lớn", cần phải sớm khắc phục để đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo về nguồn điện.

Theo ông Thiên, thời gian qua đã phát triển bùng nổ năng lượng tái tạo nhưng lại xảy ra nghịch lý là "làm nhiều nhưng không tiêu thụ được", lãng phí tài nguyên quốc gia, nguồn lực đầu tư xã hội. 

Trong đó, phát triển nguồn tái tạo nhưng hệ thống truyền tải lại chưa phát triển một cách đồng bộ, dẫn đến nhà máy chưa thể đẩy hết công suất lên lưới. Bên cạnh đó, việc phát triển các nguồn điện chạy nền khi huy động điện tái tạo cao cũng chưa phát triển tương ứng.

Theo ông Thiên, Nhà nước phải đóng vai trò "người thiết định, giám sát luật chơi" mang tính thị trường, tạo ra thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo cho các lực lượng tham gia vào thị trường này một cách bình đẳng, trên nền tảng đảm bảo được lợi ích phát triển.

"Giá điện thấp rất nguy hiểm ở chỗ là nó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, song mặt khác nó khuyến khích nền sản xuất dựa trên công nghệ kém, tiêu thụ điện nhiều, tổn hại ghê gớm", ông Thiên phân tích.

Do đó, ông Thiên cho rằng sắp tới đây Nhà nước không cần quá lo lắng cho việc đầu tư nguồn, mà quan trọng là lo cơ chế thị trường một cách hợp lý trên nền tảng khuyến khích tư nhân đầu tư. 

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) để các nhà sản xuất tiêu thụ điện lớn ký hợp đồng trực tiếp với các nhà máy điện.

Lo nhà máy phải ngừng sản xuất vì cúp điện

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-5, ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho biết ngay doanh nghiệp của ông nằm trong khu công nghiệp ở TP.HCM nhưng vừa qua đã nhận được thông báo cắt điện từ 8h - 14h.

Tuy nhiên, may mắn sau đó là lại nhận được thông báo hoãn cúp, khiến hoạt động sản xuất tại nhà máy vẫn diễn ra bình tường.

Theo ông Hiến, nếu cúp điện, nhà máy phải khởi động hệ thống máy điện dự phòng để duy trì một số dây chuyền, đảm bảo hệ thống kho lạnh hoạt động. 

Thế nhưng, một số dây chuyền khác, các khối văn phòng… sẽ không đủ điện để vận hành nên sẽ giảm hiệu suất lao động. Do đó, ông Hiến cho biết việc cung ứng đủ điện cho sản xuất rất quan trọng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trí - tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - cho rằng dù nhà máy chưa bị cúp điện, song doanh nghiệp vẫn lo lắng việc cúp điện nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sản xuất bởi nhà máy không có hệ thống điện dự phòng, buộc phải ngưng hoạt động.

Vì vậy, ông Trí đề nghị trường hợp phải cắt điện, ngành điện cần chủ động sớm thông báo cho doanh nghiệp để thông báo cho nhân viên, điều chỉnh kế hoạch sản xuất tăng ca bù lại thời điểm cúp điện.

Thông báo cúp điện hàng loạt điểm tại TP.HCM rồi bất ngờ hoãnThông báo cúp điện hàng loạt điểm tại TP.HCM rồi bất ngờ hoãn

Nhiều người dân ở TP.HCM đã chuẩn bị ứng phó khi mất điện bởi lịch cắt điện trước đó nhưng bất ngờ nhận được thông báo hoãn, hôm nay vẫn có điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên