Những đặc sản núi rừng Quảng Ngãi được thu gom và bày bán tại huyện Sơn Tây - Ảnh : T.MAI
Siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và các kênh thương mại điện tử đã đưa sản phẩm của bà con đồng bào H’rê, Ca Dong đi xa.
Ông Phùng Tô Long, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết những sản phẩm núi rừng của bà con đồng bào H’rê trên địa bàn đang hút hàng, các cửa hàng nông sản sạch và siêu thị đặt mua với số lượng lớn nhưng địa phương không đủ sức cung ứng. Trong khi đó, huyện Sơn Tây đưa các loại rau rừng, gà và cá niên vào giỏ quà phục vụ Tết.
"Ngoài cá niên tươi, người dân Sơn Hà còn chế biến đặc sản mắm cá niên. Với công thức bao đời của người H'rê, cá được muối vào chum sành kèm với các gia vị là lá cây rừng, gừng... sau một thời gian sẽ thành món mắm thơm ngon, có vị đặc biệt, là món quà đặc sắc để dành tặng người thân, bạn bè ngày Tết", ông Long nói.
Tại vùng cao huyện Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ, người dân cũng đang vào mùa khai thác cá niên phục vụ dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Cá niên hiện có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Tuy giá cao nhưng thực khách muốn thưởng thức phải đặt hàng trước qua người dân hoặc thông qua các hợp tác xã nông sản của các địa phương.
Cùng với cá niên, người dân các xã vùng cao trong tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chuẩn bị đặc sản heo ky đưa ra thị trường dịp Tết. Giá heo ky hơi dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg và cũng đã được các cửa hàng, siêu thị đặt trước.
Những năm qua, những sản phẩm lành và ngon của đồng bào thiểu số ở miền tây Quảng Ngãi đã đi rất xa qua việc hợp tác với các siêu thị. Đợt Tết năm nay, người dân muốn giới thiệu thêm những sản phẩm mới mang đậm bản sắc đồng bào mình đến với thực khách cả nước.
Trong những ngày này, đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây tập trung thu gom lúa nếp rẫy để bán ra thị trường với giá 50.000 đồng/kg, tương đối cao so với các loại nếp khác nhưng vẫn "cháy hàng".
Ông Đinh Văn Quanh (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây) cho biết ngoài nếp rẫy do gia đình sản xuất, ông đi gom ở trong làng về bán nhưng bị đứt hàng. Theo ông Quanh, đây là giống truyền thống, từ lúc trồng đến khi thu hoạch không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, nên thơm ngon, an toàn.
"Nếp này gói bánh tét để được rất lâu. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ, số lượng cũng có hạn, nên nhiều người đặt mua số lượng lớn, tôi không có hàng để cung cấp", ông Quanh nói.
Liên kết tiêu thụ đặc sản núi rừng
Ông Nguyễn Ngọc Trân, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết với sự hợp tác nhiều đầu mối bán quà Tết từ trước, dịp Tết này, nhiều đặc sản núi rừng của người dân bán rất nhanh, nhiều cửa hàng bán lẻ cũng cạn nguồn cung.
Đây là tín hiệu đáng mừng và mở ra cơ hội đưa sản phẩm của bà con tiếp tục đi xa hơn nữa trong những năm đến. "Hy vọng những sản vật núi rừng sẽ giúp cho mâm cỗ của khách hàng thêm đậm vị trong dịp Tết đến xuân về", ông Trân nói.
Độc đáo giỏ quà Tết OCOP
Những giỏ quà Tết OCOP lên kệ - Ảnh: NGỌC DIỄM
Những giỏ quà Tết từ đặc sản OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã góp mặt vào thị trường quà Tết Nhâm Dần tại Cần Thơ, trở thành một lựa chọn mới mẻ được nhiều khách chọn mua về làm quà biếu Tết cho người thân và bạn bè.
Anh Trương Hòa Hội, chủ cửa hàng Đặc Sản Miền Tây Quê Tôi (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cho biết đã nhận được đơn hàng gói 500 giỏ quà Tết từ đặc sản của OCOP. Để phục vụ nhu cầu của từng nhóm khách hàng khác nhau, cửa hàng anh Hội đã chuẩn bị sẵn những giỏ quà Tết với chủ đề như Tết sum vầy, Quà tặng cho mẹ, Quà tặng cho ba, Quà tặng bạn bè... hoặc khách hàng có thể tự chọn sản phẩm để gói.
Giỏ quà gói sẵn có giá dao động từ 300.000 - 700.000 đồng/giỏ. Nhiều khách hàng chia sẻ đây là món quà ý nghĩa và độc lạ cho mùa Tết này, cũng như là cách để lan tỏa những sản phẩm gọi là "sứ giả" văn hóa vùng miền. Sản phẩm OCOP như dừa sấy giòn (Bến Tre), đường hoa dừa (Trà Vinh), trà trái mãng cầu (Đồng Tháp), tôm khô (Cà Mau)... ngày càng được tin dùng bởi chất lượng và mẫu mã đẹp mắt mang tính đặc trưng từng vùng miền.
LAN NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận