22/12/2023 10:42 GMT+7

Sắm đặc sản Tết với giá hấp dẫn

Với hơn 700 gian hàng đến từ 45 địa phương, hội nghị "Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2023", diễn ra từ ngày 21 đến 24-12 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), đã thu hút nhiều người dân mua sắm thực phẩm, đặc sản.

Bánh kẹo, mứt đã được nhiều siêu thị đưa lên kệ với lượng lớn - Ảnh: N.TRÍ

Bánh kẹo, mứt đã được nhiều siêu thị đưa lên kệ với lượng lớn - Ảnh: N.TRÍ

Trong dịp này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho biết đã tung ra lượng lớn hàng đặc sản bán Tết với giá bán ổn định.

Tất bật mời khách mua nho, táo, măng tây, ông Quách Văn Thảo, giám đốc Công ty Nhật Duy (Ninh Thuận), cho biết mang đến hơn 200kg nho, táo và măng tây với giá bán 50.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng khả năng sẽ nhập thêm hàng vì khách đông.

Theo ông Thảo, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng nho và táo năm nay tăng mạnh so với năm ngoái, trong đó riêng cao điểm Tết có thể cung ứng hơn chục tấn các loại với giá ổn định.

Cũng mang đến hội nghị hàng nghìn hũ tương hột, chao các loại có giá bán từ 20.000 - 35.000 đồng/hũ tùy loại, bà Nguyễn Thị Nguyệt Loan, đại diện Công ty Hồng Hương (Vĩnh Long), cho biết chưa hết ngày khai mạc nhưng đã bán khoảng 300 - 400 hũ các loại. Theo bà Loan, đơn vị sản xuất với số lượng lớn và chủ yếu tham gia để quảng bá thương hiệu nên giá bán các sản phẩm được đưa ra tại chương trình ở mức khá tốt.

"Nhu cầu tăng cao nên lượng sản xuất hiện đã gấp đôi ngày thường. Là sản phẩm có thời gian sử dụng dài ngày, thời điểm này, khách hàng có thể mua để tiêu dùng Tết", bà Loan nói.

Bán ra gần 90kg đặc sản khô các loại trong ngày đầu hội nghị, bà Trần Thị Lan, chủ cơ sở khô Phú Cường (Đồng Tháp), hào hứng cho biết khô cá sặt, cá lóc, cá tra có giá 200.000 - 300.000 đồng/kg được nhiều người chọn mua. Theo bà Lan, giá bán trên đã giảm 15 - 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và khả năng mức giá này sẽ duy trì trong dịp Tết.

"Cá lóc tươi năm ngoái 60.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 35.000 đồng, nhiều loại thủy sản tươi mua vào giá cũng giảm. Do đó, giá khô được đơn vị bán ra giảm theo", bà Lan lý giải.

Tương tự, với giá bán trên dưới 70.000 đồng/chục bánh tráng, đại diện cơ sở làng nghề bún bánh đặc sản Cô Phương (Bình Định) cho biết không chỉ riêng cơ sở, mà hiện hàng trăm hộ dân ở làng nghề truyền thống An Phong (Phù Cát, Bình Định) đã "tăng ca" sản xuất cho mùa Tết nên lượng bán ra đang tăng mạnh.

Theo đại diện đơn vị này, do giá gạo tăng cao so với năm ngoái nên giá bánh tráng bán ra cũng tăng theo. Tuy nhiên, đối với đơn hàng đã ký kết với người mua, giá bán từ nay đến Tết sẽ duy trì ổn định.

Vẫn khó đưa hàng vào siêu thị

Trong ngày đầu hội nghị, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã gặp gỡ xúc tiến, chào hàng thực phẩm, đặc sản... đến các hệ thống siêu thị. Tuy vậy, nhiều đơn vị cho biết do chỉ ghi nhận thông tin nên cơ hội đưa hàng vào siêu thị vẫn còn gian nan.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện một đơn vị thu mua tại TP.HCM cho biết nhiều đơn vị không thể đưa hàng vào siêu thị do sản phẩm bị trùng lặp, không có yếu tố mới lạ. Tuy nhiên tại sự kiện, đơn vị sẽ tạo điều kiện để thu mua thêm những sản phẩm đặc sản, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.

Người dân TP.HCM sắm Tết với hàng nghìn đặc sản đến từ 45 tỉnh, thànhNgười dân TP.HCM sắm Tết với hàng nghìn đặc sản đến từ 45 tỉnh, thành

Tại Hội nghị kết nối cung cầu, hàng nghìn đặc sản đến từ 45 tỉnh, thành như bánh tráng Bình Định, nem chua Thanh Hóa, thịt trâu gác bếp Đắk Lắk, quýt hồng Đồng Tháp... đã thu hút đông đảo người dân TP.HCM dùng thử và chọn mua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên