12/10/2013 03:15 GMT+7

Sainteny và tướng Võ Nguyên Giáp

QUỐC VIỆT lược thuật
QUỐC VIỆT lược thuật

TT - Đại tá A.Patti của phái bộ OSS Mỹ kể ngay buổi chiều cùng ngày tiếp đoàn đại biểu Võ Nguyên Giáp, Sainteny đã mời ông đến gặp ở dinh toàn quyền Hà Nội.

Kỳ 1:Vị khách đặc biệt

Viên cựu sĩ quan tình báo Pháp này từng ở VN, rồi tham gia chống phát xít ở quê hương. Cuối Thế chiến thứ hai, ông ta làm trưởng phái đoàn 5 tình báo (MI5) ở Côn Minh với nhiệm vụ thâm nhập Đông Dương. Thế chiến kết thúc, Sainteny sang Hà Nội và được xem là đại diện của chính phủ mình lúc ấy.

nuEOOEYS.jpgPhóng to
Tướng Võ Nguyên Giáp (x) và tướng Pháp Leclerc chào Quốc kỳ VN trong cuộc duyệt binh tại Hà Nội ngày 22-3-1946. Jean Sainteny mặc đồ trắng, góc trái bức ảnh - Ảnh tư liệu

Sainteny muốn thu xếp một cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua trưởng phái bộ OSS A. Patti. Một cuộc gặp mà chính Sainteny đã nuối tiếc vì bỏ lỡ trước đó không lâu khi đang còn “kẹt đường” ở Côn Minh, Trung Quốc. Ngay tối ấy, viên sĩ quan Mỹ này kết nối với kênh liên lạc của mình và nhận được phản hồi: tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được phái đến.

Thói kiêu ngạo của Sainteny

Trong Tại sao Việt Nam?, A.Patti viết về cuộc gặp này rằng: “Sainteny không thấy được chút nào là ông đã đụng đầu ngay với một người, mà sau này được ghi nhận trong lịch sử bằng việc làm tan rã một cách cơ bản đế quốc thuộc địa Pháp ở Viễn Đông”.

Cuộc gặp được ấn định vào 10g sáng hôm sau. A. Patti kể Sainteny đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc gặp đặc biệt này. Ông ta đã bố trí một căn phòng rộng nhất, lịch sự nhất ở dinh toàn quyền để tiếp vị khách đặc biệt của chính quyền Việt Minh.

Chính A.Patti cũng không rõ khuất sau phép lịch sử đó là thật tâm hay ý đồ “phô diễn” chủ quyền của nước Pháp để uy hiếp tinh thần khách.

Tuy nhiên với tư cách nhân chứng trực tiếp từ đầu đến cuối buổi gặp, A.Patti đã được chứng kiến một vị tướng Việt hiên ngang, khôn khéo mà không chút sờn lòng trước bề ngoài này.

10g, từ cửa sổ tòa nhà, họ đã thấy tướng Võ Nguyên Giáp và Dương Đức Hiền trang trọng tiến đến trong một chiếc xe mui kín đen bóng, hai bên phía trước đều có cắm cờ đỏ sao vàng. Một vệ sĩ mang theo khẩu tiểu liên Sten đi theo ông Giáp, còn một vệ sĩ mở cửa xe.

A. Patti kể: “Ông vẫn mặc bộ đồ trắng thường ngày, thắt cà vạt thẫm, mang áo khoác có vết tích chiến đấu đã trở thành biểu tượng cho quyền lực của một lãnh tụ du kích Việt Minh và quân đội giải phóng. Đường hoàng và tự tin” (Why Vietnam - Tại sao Việt Nam, bản dịch của Lê Trọng Nghĩa).

Tướng Võ Nguyên Giáp tiến vào cửa chính. Đại tá A.Patti bước lên, chào ông, rồi giới thiệu ông Giáp và ông Hiền với Sainteny. Mọi người đi xuyên qua căn phòng rộng một cách lặng lẽ về phía bàn ghế ngồi. A. Patti mở đầu cuộc chuyện trò bằng những lời bình luận về tình hình sục sôi ngoài phố buổi sáng.

Ông Giáp cười trả lời đó là dân chúng Hà Nội xuống đường mừng bộ đội từ rừng núi trở về sau nhiều trận chiến với quân Nhật. Chính ông Giáp cũng đi đón mừng họ.

Cuộc gặp gỡ lịch sử này được A.Patti thuật lại rất tỉ mỉ. Sĩ quan Mỹ đã không ngại lời chê trách Sainteny: “Tài ngoại giao của Sainteny chắc chắn đang trong chiều hướng suy tàn tầm thường nhất. Mặc dù đã cố gắng nhiều để tỏ ra lịch sự, ông đã lên giọng chặn ông Giáp bằng bài diễn văn gia trưởng về sự xử sự của người “Anamít”. Không đếm xỉa gì tới mối ác cảm của người Việt Nam đối với tính gia trưởng của người Pháp ...”.

A.Patti kể Sainteny đã hỏi ông Giáp tại sao Việt Minh đã liều lĩnh làm cho thế giới biết rằng sự có mặt của Pháp ở Đông Dương từ lâu đã không được mọi người quan tâm nữa. Không ngừng để chờ giải đáp, Sainteny tiếp tục phát biểu là lời tuyên bố như thế chỉ làm cho các nước đồng minh thêm lo lắng về sự an ninh của dân chúng Pháp tại Đông Dương và đưa họ đến kết luận là phải thận trọng giữ các nhà chức trách Pháp không cho họ vào Đông Dương lúc này.

Để nhấn vào sự không hài lòng, chứ không phải thất vọng đối với cách xử sự của Việt Minh, Sainteny cho các vị khách biết ông ta sẽ theo dõi một cách cảnh giác các hoạt động của cái gọi là Chính phủ lâm thời và sẽ tự mình đánh giá công sức các nhân viên chính phủ đó trong việc cai trị Đông Dương sau chiến tranh.

NzYVWelk.jpg

Sự đáp trả của tướng Giáp

Viên sĩ quan trưởng phái bộ OSS Mỹ A.Patti tường thuật: tình hình lúc ấy e rằng ông Giáp bước ra khỏi phòng bất cứ lúc nào. Nhưng bằng tiếng Pháp hoàn hảo với sự kiềm chế tuyệt đối, ông Giáp đáp trả ông đến đây không phải để nghe diễn thuyết cũng chẳng phải để biện minh cho các hoạt động của nhân dân VN. Ông đến theo lời mời của người mà ông cho là đại diện của Chính phủ Pháp mới để sẵn sàng tham gia cuộc trao đổi.

A.Patti viết: “Lần đầu trong đời mình, Sainteny đối mặt với một người VN dũng cảm đối đầu với mình. Thái độ viên cựu tình báo Pháp nhụt hẳn xuống, nở nụ cười hòa giải, và tuyên bố mình là đại diện của tướng De Gaulle”.

A.Patti chứng kiến ông Giáp không hoàn toàn bỏ qua thái độ của đối phương. Ông yêu cầu Saiteny phải cụ thể hơn những từ hoa mỹ mơ hồ về tự do cho “người An Nam”, một kiểu nói của thực dân. Sainteny trả lời sẽ vạch chi tiết cụ thể sau khi Nhật và Trung Quốc rút đi. Ông Giáp vẫn không đồng ý và tiếp tục yêu cầu phải cụ thể. Sainteny lại nói những lời hoa mỹ chung chung. Ông Giáp ngồi phớt lạnh, không biểu thị thái độ nào trước những lời hứa hẹn mơ hồ.

Không tác động nổi đối thủ, Sainteny trở về với cách nói cứng rắn, ngầm đe dọa. Nhưng ông Giáp và ông Hiền đều tiếp tục cứng rắn, tỏ rõ không nhân nhượng trước việc Pháp có tiếng nói về tương lai VN.

Cựu sĩ quan tình báo Pháp này bồi tiếp rằng chính thái độ “thiếu khôn khéo” của Việt Minh đã đẩy đến tình hình căng thẳng hiện tại. Các nước đồng minh thấy VN chống Pháp nên cho Trung Quốc vào, và sẽ mang lại hậu quả nặng nề như lịch sử Trung Quốc chắc chắn sẽ không rút sớm.

A. Patti kể Sainteny còn “mượn hơi” trưởng phái bộ OSS Mỹ để chứng minh lý lẽ mình. Tuy nhiên, A. Patti vẫn nói đúng như những gì đã nói với ông Giáp trước đó rằng Trung Quốc vào để nhận sự đầu hàng của Nhật ở Bắc vĩ tuyến 16. Còn phía Nam do người Anh giải quyết. Theo A. Patti biết, Trung Quốc không có ý định ở lại quá thời gian cần thiết để hồi hương phát xít Nhật.

A.Patti kể tiếp: “Trước con người vừa thâm trầm vừa thô thiển Sainteny, ông Giáp vẫn bình tĩnh, sắc sảo đáp trả từng vấn đề. Trước “con bài” đe dọa quân Tưởng, ông Giáp cứng rắn đây không phải là lần đầu tiên người Trung Quốc đến Đông Dương và họ không thể ở lại lâu được. Còn đề nghị của Sainteny không để quân Tưởng quấy nhiễu người Pháp ở Hà Nội, ông Giáp chỉ khéo léo trả lời không cần đồng minh giải quyết vấn đề này, chính phủ ông sẽ xem xét tới việc đó“.

“Ra đòn” đủ kiểu và liên tục gặp thất bại trước đối thủ người Việt nhỏ bé nhưng nội lực lại sừng sững như một quả núi, Sainteny thất vọng ra mặt. Ông ta xuống nước: mọi vấn đề có thể giải quyết nếu hai bên cùng làm việc với nhau như trước đây vì lợi ích của cả đôi bên. Ông Giáp chỉ cười một cách lạnh lẽo ở tư thế trên hẳn: “Mọi việc đều có thể”. Rồi ông nói ông phải đi duyệt binh của mình.

Kỳ tới: Đường đến Điện Biên Phủ

QUỐC VIỆT lược thuật
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên