26/12/2019 07:17 GMT+7

Rụng tóc, nhức đầu... vì ăn kiêng theo 'bác sĩ mạng'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Rất nhiều người đang áp dụng chế độ ăn bỏ hẳn tinh bột và đường, kể cả trái cây có vị ngọt để thay thế bằng đạm, chất béo, rau củ. Riêng rau củ chỉ ăn những thứ như xà lách, dưa leo, củ đậu (củ sắn). Như thế có ổn?

Rụng tóc, nhức đầu... vì ăn kiêng theo bác sĩ mạng - Ảnh 1.

Chỉ nên giảm ăn tinh bột thay vì loại bỏ hoàn toàn tinh bột trong bữa àn - Ảnh: TRẦN KINH BANG

Những người áp dụng nghiêm chế độ ăn này chủ yếu là người thừa cân, béo phì hoặc e ngại về cân nặng. Có thể giảm nhiều ký/tháng, nhưng đã có những cảnh báo tình trạng rụng tóc nhiều, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, có nốt trắng lớn ở móng tay...

Đã có những trường hợp tôi biết gặp các tình huống khá nghiêm trọng trong thời gian áp dụng không ăn tinh bột hoàn toàn như dị ứng, tróc da, hay quên, giảm trí nhớ, hoa mắt, chóng mặt, rụng rời tay chân, hôi miệng, răng ố, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh nhiều hơn bình thường, thậm chí cả người nhức mỏi, đau đớn như bị đau nhiều tháng trời.

BS Hoàng Thị Bạch Dương

Giảm cân, nhưng...

Có nhiều nhóm đang áp dụng hoặc quan tâm đến chế độ ăn kiêng tinh bột và đường "sinh hoạt" trên mạng xã hội, trong số này có một nhóm lên đến hơn 250.000 thành viên.

Chị T., một thành viên của nhóm, chia sẻ chị đã ăn theo chế độ này một tháng rưỡi nay, đã giảm được 7kg, nhưng một tuần trở lại đây chị bị táo bón, hoàn toàn không thể đi vệ sinh. Chị ăn trở lại bình thường 2 ngày nay nhưng cũng không thể "đi" nổi.

Táo bón chỉ là một trong những tác dụng phụ mà những người ăn theo chế độ này gặp phải. Có người ăn kiêng hoàn toàn tinh bột thì tóc rụng như mưa, có chị bị rối loạn kinh nguyệt, đau đầu âm ỉ, khó thở, có người xuất hiện những cơn buồn nôn như đang nghén mặc dù không có thai, hoặc có những đốm trắng lớn trên móng tay, đốm trắng có khi lan đến 2/3 móng tay, thoạt nhìn đã thấy có bất thường...

Bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương cho hay bản thân bà cũng từng áp dụng chế độ ăn thế này và gặp phải tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Theo bà Dương, đây là hệ quả của tình trạng mất cân bằng vi chất dinh dưỡng trong cơ thể. 

Việc phục hồi để cân bằng trở lại ở một số trường hợp kéo dài hàng tháng trời, thậm chí nhiều tháng. Có người tới 3 tháng sau khi ăn lại như bình thường mới mọc tóc trở lại.

Làm sao giữ sức khỏe khi giảm cân?

Nhóm có hơn 250.000 thành viên kể trên chỉ là một trong những nhóm đang áp dụng hoặc quan tâm đến chế độ ăn kiêng hoàn toàn tinh bột trên mạng xã hội. Hình thức giảm cân này đang nở rộ trên mạng xã hội, với cả triệu người quan tâm hoặc tham gia. 

Tuy nhiên, đã có những tác dụng không mong muốn kéo theo cũng rất nhiều. Hầu hết người ăn kiêng kiểu này chủ yếu là học theo trên mạng, ít ai có được hướng dẫn tường tận, khắc phục những tình huống xấu như khi có táo bón, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt...

Theo bác sĩ Dương, nếu gặp những tình huống bất thường thì nên quay lại chế độ ăn bình thường, hoặc ăn xen kẽ có ngày ăn uống bình thường, có ngày không ăn tinh bột và đường ngọt, hoặc có ăn nhưng ăn ít đi. 

Một cách áp dụng phù hợp nữa là ăn tinh bột vào bữa sáng, trưa và đến chiều không ăn tinh bột mà tăng rau, thịt cá, trái cây... Không nên tuyệt đối bỏ ăn tinh bột hoàn toàn.

Theo các bác sĩ, quan trọng nhất để giảm cân, không gì bằng một chế độ dinh dưỡng cân bằng kết hợp tập luyện vừa sức, vừa lành mạnh, vừa bảo đảm sức khỏe.

Đừng cắt hoàn toàn nguồn năng lượng hoạt động trí não

Ông Phan Thanh Tâm - phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết tinh bột (còn được gọi là carbohydrat) có vai trò chủ đạo trong việc cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động của cơ thể người. "Kiêng khem tinh bột trong 1-2 ngày thì chưa có biểu hiện rõ rệt nhưng lâu dài có thể dẫn đến thiếu hụt, không cân đối các thành phần dinh dưỡng với nhau" - ông Tâm nói.

Theo một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, khi cắt hoàn toàn tinh bột trong khẩu phần mỗi ngày tức là đã cắt đi nguồn năng lượng ổn định cho các hoạt động thể chất và trí não. Thiếu tinh bột trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường trong máu, gây hoa mắt, chóng mặt, hạ đường huyết, nhịp tim tăng nhanh...

Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo người dân cần đảm bảo cân đối giữa các chất xơ, chất đạm, chất béo và tinh bột. Đặc biệt không cắt bỏ hoàn toàn tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn bằng cách nhịn cơm, mì, bún... bởi đây là cách giảm cân phản khoa học. (XUÂN MAI)

Nên ăn bao nhiêu cơm mỗi ngày?

Ăn nhiều cơm đang được cho là nguyên nhân của nhiều loại bệnh lý, như thừa cân, tiểu đường, vì vậy ăn bao nhiêu cơm mỗi ngày là đủ?

Theo bác sĩ Dương, việc một người cần ăn bao nhiêu tinh bột trong ngày phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: độ tuổi, giới tính, công việc và các hoạt động hằng ngày của người đó. Do vậy, sẽ không có một mức quy định chung nào cho việc này.

Nếu như muốn bắt đầu chế độ ăn ít tinh bột, có thể bắt đầu với việc ăn 1 chén cơm vào mỗi bữa ăn. Sau đó cắt giảm cơm vào bữa tối và cuối cùng là cắt giảm cơm vào bữa trưa.

Chế độ ăn phòng ngừa bệnh tiểu đường giúp giảm nguy cơ ung thư gan Chế độ ăn phòng ngừa bệnh tiểu đường giúp giảm nguy cơ ung thư gan

TTO - Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và ung thư lần đầu tiên được bác sĩ phẫu thuật người Pháp Theodore Tuffier nêu ra từ cuối thế kỷ 19.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên