Thào A Chú, Giàng A Vênh đi bộ từ Hà Nội về quê Trạm Tấu (Yên Bái) - Ảnh: VŨ TUẤN
Thào A Chú bỏ chiếc điện thoại xuống manh chiếu nhựa đã mục gãy nham nhở: "Cháu về. Hà Nội giãn cách tiếp rồi. Làm gì được nữa". Ông chủ thầu của A Chú ôm chiếc điếu cày ngồi kế cửa căn lán nhìn mông lung qua kẽ hở hàng rào tôn thở dài.
Mắc kẹt ở Hà Nội
Thào A Chú và người bạn Giàng A Vênh quê ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vừa mới nhận việc ở công trình này được 20 ngày thì Hà Nội giãn cách vì dịch COVID-19 bùng lan. Công trường buộc phải nghỉ, những lao động khác ở ngay ngoại thành Hà Nội đã lấy tiền công rồi vội về quê lánh dịch. Ba người, một chủ và hai tớ, trong đó có A Chú, cố gắng cầm cự trong căn nhà xây dở nhôm nhoam vôi vữa, xộc mùi hôi hám.
Tiền công A Chú được nhận hơn 6 triệu đồng, nhưng anh đã ứng trước 4 triệu gửi về nhà, 2 triệu nộp tiền ăn. Gần hai tháng trời dịch giã căng thẳng, bữa ăn sinh tồn của ba người quanh quẩn chỉ có trứng rán, bát canh loãng và mì gói. Hai tuần gần đây, cả ba đã quen với cơm nguội chan nước mì tôm.
Nghe tin Hà Nội tiếp tục giãn cách, A Chú bàn với Vênh phải về quê. Cả hai mở Google Maps để mò mẫm tìm kiếm rồi thốt lên: "Đây rồi, nhà mình ở xã Pá Lau này! Cuốc bộ 214km về đến xã, rồi về bản chỉ vài cây nữa thôi". Giàng A Vênh giơ điện thoại lên khoe đã "tìm được đường thoát dịch".
Ông chủ (không muốn xưng danh) ngại ngùng, chỉ thở dài, bật đi bật lại chiếc bật lửa gas. Những đồng tiền ứng trước của chủ công trình đã gần cạn. Ông mở chiếc hòm tôn, lôi ra trong đống sổ sách nhàu nhĩ hơn 2 triệu đồng đưa cho A Chú. Tiền ứng trước của chủ công trình đã hết. Mang tiếng là chủ thầu xây dựng nhưng ông cũng kiệt sức, cạn túi vì nuôi quân.
"Cầm tạm chỗ này đi làm xét nghiệm rồi để tiền ăn đường. Hết dịch thì xuống đây làm tiếp" - người chủ thầu nói. Hai người phụ hồ cầm vội mấy tờ tiền, mắt sáng tia hy vọng về lại quê nhà Yên Bái.
Tìm đường về quê nhà
Gần tối, họ ra khỏi con ngõ trên đường Lương Thế Vinh, lần nhắm hướng đường vành đai 3 trên cao rảo bước. A Chú và A Vênh - một người khấp khểnh khoác balô, một người lặng lẽ xách chiếc túi nilông. Hành lý của hai phụ hồ chỉ nhét vừa chiếc balô nhỏ. Mấy cái mắc áo nhôm thò ra ngoài kêu xoành xoạch theo từng bước chân dò đường đi bộ về quê. Túi nilông còn lại là vài chiếc bánh mì và chai nước - thực phẩm sinh tồn của hai người trẻ.
Họ dự định sẽ đi dọc bên đường vành đai 3, đến Mỹ Đình, rẽ sang Nhổn rồi cứ nhắm theo quốc lộ 32 ngược về Yên Bái. A Chú mở chiếc điện thoại lên tính toán, cả hai đi hết đêm sẽ đến được cầu Trung Hà - nơi giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ. Con đường này nhiều xe tải về Yên Bái, nếu may mắn họ sẽ đi nhờ được. Nếu không, họ tiếp tục đi bộ như kế hoạch.
Ở miền sơn cước quê nhà, Thào A Chú từng đeo dao, theo người trong bản luồn rừng nhiều ngày để lên dãy núi Phú Lương tìm phong lan. Có những chuyến đi, họ đi xuyên rừng sang đến địa phận Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) hay vượt núi đến dãy U Bò ở Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La). Những chuyến đi vất vả cả tuần trời trong rừng.
Lúc đi họ khoác gạo, muối và ít thịt khô, khi về thì lòa xòa phong lan rừng. Đi bộ xuyên ngày xuyên đêm miệt mài là chuyện bình thường của hai phụ hồ người Mông này, cho nên lần này họ vẫn tự tin dù giữa dịch giã và chỉ có chút ít lương thực.
A Vênh chia cho bạn chai nước rồi lôi bánh mì ra gặm, đêm sương mà mồ hôi ướt đầm lưng áo. Cả hai lại rảo bước. Ánh đèn đường vàng vọt của đô thị lùi lại phía sau. Con đường chỉ còn mờ mờ, hun hút như những lối mòn trên núi trong sương mù. Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy ngược chiều khiến cả hai lóa mắt, bước thấp bước cao một lúc mới định hình được đường đi.
Một chiếc xe máy vụt qua rồi phanh dúi dụi để dừng lại trước họ. Người lái xe hỏi thăm hai gã thanh niên lạ đang thất thểu trên đường đêm. Người đi xe máy quê ở Phú Thọ, đang về nhà sau chuyến giao hàng muộn. Thấy hai gã phụ hồ mệt nhọc, anh cho cả hai đi nhờ đến cầu Trung Hà. A Chú, A Vênh mừng như thanh niên bản làng mới kéo được vợ, ngồi lên cái đèo hàng sắt cứng ngắc trên chiếc xe thồ cà tàng.
Gần đến cầu Trung Hà thì người thanh niên cho A Chú, A Vênh xuống đi bộ.
Hai anh phụ hồ đi như chạy đến chốt kiểm dịch bên kia cầu Trung Hà. Họ vừa vuốt mồ hôi vừa trình bày lý do ra đường. Họ đưa tờ giấy xét nghiệm test nhanh COVID-19 rồi đo thân nhiệt, khai báo y tế.
Anh cán bộ ở chốt kiểm dịch thông báo A Chú, A Vênh phải làm lại xét nghiệm PCR, nếu âm tính họ mới được đi tiếp. Anh cán bộ trực chốt đưa cho hai người hai hộp cơm đã nguội, cả hai ăn ngon lành như chưa bao giờ được ăn ngon như thế.
Lúc này không chỉ có mình họ, còn hơn chục người khác trong gian nhà văn hóa gần chốt kiểm dịch. Họ đều là người đi làm thuê ở Hà Nội tìm đường về quê nhà...
A Vênh (trái) và A Chú nghỉ chân, uống nước ở Đan Phượng, Hà Nội trên đường về quê
Ăn chuối trừ bữa, vượt đèo giữa đêm
Sáng hôm sau, họ xếp hàng xét nghiệm PCR. A Chú, A Vênh hồi hộp chờ kết quả. Cả ngày hôm đó, mấy anh cảnh sát chốc chốc lại hỏi tài xế xe tải nào đó cho họ đi nhờ. Nhưng họ đều đi hướng TP Yên Bái, còn nhà A Chú lại đi đường khác. Chiều tối, cả hai nhận kết quả âm tính rồi cuốc bộ ra đường.
Đi được chừng hơn 1km thì chiếc xe taxi rà rà hỏi thăm. Trên xe có một khách đi về thị trấn Thu Cúc (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), giáp ranh Yên Bái. Hai thợ hồ vét nốt số tiền còn lại đưa cho lái xe 500.000 đồng để được chở đến gần địa phận Yên Bái, quãng đường gần 60km.
Đèo Khế đây rồi! Con đèo đầu tiên bước vào địa phận Yên Bái theo quốc lộ 32. Hai phụ hồ xuống xe, tiếp tục đi bộ vượt con đèo dài gần 30km, đường dốc quanh co không bóng người. Hơi thở gấp gáp vì mệt và đói.
Bước vào địa phận Yên Bái vài cây số thì gặp chốt kiểm dịch. A Chú, A Vênh chìa tờ giấy xét nghiệm PCR. Anh cán bộ trẻ trực chốt khuyên họ ngủ lại để sáng hôm sau tìm xe về nhà, nhưng họ đã hết tiền rồi. Từ đèo Khế về đến nhà họ còn hơn 90km, họ quyết định tiếp tục đi bộ.
Một anh dân quân lấy cho hai phụ hồ mấy chai nước và nải chuối. Cả hai ăn ngon lành, rồi gọi điện cho người nhà và khoác balô tiếp tục đi theo con đường quanh co khuất dần trong đêm tối. Gần 3h sáng hôm sau thì ông Giàng A Chinh, bố của A Vênh, đi xe máy gặp được hai người. Ông Chinh "kẹp ba" đưa cả hai về trạm y tế xã để chuẩn bị cách ly tập trung.
Chị Cứ Thị Cù, người vợ trẻ mới cưới một năm của A Chú, đã đợi cả đêm để đón chồng với đôi mắt đỏ hoe. Nhưng cô không được đến gần, chỉ đứng xa xa ngoài sân trạm xá ngóng nhìn bóng chồng qua song cửa sổ. A Chú kéo chiếc khẩu trang xuống cằm cười với vợ mà cả hai cùng chảy nước mắt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận