Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos diễn ra trực tuyến với 4.415 người trưởng thành ở Mỹ, từ ngày 9-5 đến 15-5, cho thấy số người Mỹ thấy trước những hậu quả bất lợi từ AI cao gấp 3 lần số người không thấy.
Cụ thể, hơn 2/3 người Mỹ trong cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos lo ngại về tác động tiêu cực của AI. 61% người được hỏi tin rằng AI có thể đe dọa nền văn minh nhân loại, chỉ có 22% không đồng ý và 17% không chắc chắn.
Thành công của chatbot ChatGPT của OpenAI đã phát động một cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI, với sự tham gia của những đối thủ nặng ký như Microsoft, Google và một số công ty Trung Quốc.
Như thường lệ, cái gì phát triển quá nóng cũng gây lo ngại vì khó kiểm soát. Đích thân Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 16-5, bày tỏ lo ngại về khả năng lạm dụng công nghệ và yêu cầu ban hành quy định về AI.
"Không có cách nào để đặt vị thần này vào trong chiếc đèn. Nó đang bùng nổ trên toàn cầu", Thượng nghị sĩ Cory Booker, một trong nhiều nhà lập pháp đặt câu hỏi về cách tốt nhất để quản lý AI, nhận định.
Trong khi đó, một số người trong ngành cho biết công chúng nên hiểu rõ hơn về lợi ích của AI thay vì chỉ lo ngại.
"Lo ngại là rất chính đáng, nhưng tôi nghĩ điều còn thiếu là trả lời câu hỏi vì sao chúng ta phát triển AI", ông Sebastian Thrun, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết. "AI sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, đồng thời giúp mọi người nâng cao năng lực và làm việc hiệu quả hơn".
Ông Ion Stoica, giáo sư tại Đại học California, cho biết các ứng dụng tích cực của AI như việc cách mạng hóa việc nghiên cứu thuốc, thường thầm lặng chứ không đình đám như ChatGPT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận