OpenAI: Khi thành công đến bất ngờ

TỊNH ANH 16/02/2023 05:52 GMT+7

TTCT - Với các nhân viên hiện tại, việc tung ra ChatGPT ngay từ đầu đã khiến họ bất ngờ.

Sam Altman, CEO của OpenAI, qua nét vẽ của AI Midjourney.

Sam Altman, CEO của OpenAI, qua nét vẽ của AI Midjourney.

Khi ChatGPT bắt đầu gây sốt toàn cầu, người ta cũng chú ý nhiều hơn tới "cha đẻ" của nó - startup công nghệ openAI (San Francisco, Mỹ). Điều này lại khiến CEO Sam Altman lúng túng và cố dập bớt sức nóng của sản phẩm này dù chính anh là người quyết định mở cửa phần mềm này cho bá tánh, theo đúng tôn chỉ "trí tuệ nhân tạo cho mọi nhà".

ChatGPT được phát triển dựa trên GPT-3.5, một mô hình ngôn ngữ quy mô lớn sử dụng kỹ thuật học máy để tạo ra văn bản dựa trên thông tin được tiếp nhận, do OpenAI phát triển và cung cấp.

OpenAI là một công ty khác thường, xét theo tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon. Khi mới thành lập năm 2015, đây chỉ là một phòng thí nghiệm nghiên cứu phi lợi nhuận của một nhóm các nhà lãnh đạo công nghệ bao gồm Sam Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman và Elon Musk. 

Năm 2019, OpenAI lập một công ty con, hoạt động vì lợi nhuận, do Altman làm CEO. Theo nhà lãnh đạo này, công ty nhanh chóng mở rộng, số nhân viên tăng thêm 375 người và được Microsoft rót 1 tỉ USD đầu tư.

Ngay từ đầu, OpenAI cho biết hướng tới sứ mệnh đảm bảo AI sẽ an toàn và phù hợp với các giá trị của con người. Những mục tiêu ban đầu này bắt đầu bị lung lay trong vài năm trở lại đây, nhất là từ mùa hè 2022, khi OpenAI tung ra DALL-E 2, AI chuyển yêu cầu bằng chữ thành tranh vẽ, vừa gây ấn tượng vừa làm dấy lên các lo ngại như họa sĩ mất việc hay hình ảnh giả, khiêu dâm sẽ tràn lan. Tranh cãi còn chưa dứt thì tháng 11 cùng năm, đến lượt ChatGPT được mở cửa cho công chúng - một quyết định mà ngay cả nội bộ công ty cũng ngạc nhiên, theo The New York Times ngày 3-2.

Nhà nhà đang nói về ChatGPT, từng ngành nghề bắt đầu đánh giá tác động ảnh hưởng của chatbot này với lĩnh vực của mình, nhưng không mấy ai nói về nguồn gốc của ChatGPT hay chiến lược mà OpenAI dành cho nó. Trong nội bộ, ChatGPT là một cú sốc lớn, một kiểu thành công sau một đêm, mang lại cả cơ hội lẫn các mối lo, theo nhiều nhân viên và cựu nhân viên OpenAI.

Sam Altman, CEO của OpenAI. Ảnh: REUTERS

Sam Altman, CEO của OpenAI. Ảnh: REUTERS

Với các nhân viên hiện tại, việc tung ra ChatGPT ngay từ đầu đã khiến họ bất ngờ - tất cả vốn đang bận rộn với GPT-4, phiên bản nâng cấp với khả năng viết vượt xa GPT-3.5. Đội ngũ của OpenAI đã mất nhiều tháng thử nghiệm và tinh chỉnh GPT-4 với mục tiêu tung ra vào đầu năm 2023 cùng với vài chatbot khác, thì đùng một cái, cuối tháng 11-2022, lãnh đạo bắt họ phải tung AI có tên "Chat with GPT-3.5" miễn phí cho người dùng, ba nguồn thạo tin từ nội bộ tiết lộ với NYT.

Lý do được phỏng đoán là lãnh đạo OpenAI sợ sẽ chậm chân khi các đối thủ có thể tung ra chatbot trước GPT-4 của họ. Thôi thì có sẵn GPT-3.5, cứ ra mắt cái đã - vừa chiếm thế thượng phong vừa có thể tiếp nhận phản hồi của người dùng để cải thiện tiếp GPT-4. Thế là 3 ngày sau khi lệnh trên hạ xuống, ngày 30-11 ChatGPT (may mà ai đó đã đề xuất đừng dùng cái tên vừa dài vừa dở kia) được tung ra, và từ bấy đến nay là gần 2 tháng cả OpenAI lẫn ChatGPT thành cái tên ai cũng biết.

ChatGPT thu hút 1 triệu người dùng trong vỏn vẹn 5 ngày sau khi ra mắt, biến nó trở thành một trong những sản phẩm công nghệ có màn chào sân ấn tượng nhất lịch sử. Chỉ mất thêm hơn 1 tháng - chính xác là 40 ngày sau khi ra mắt chính thức - để công cụ này vượt 10 triệu người dùng hằng ngày. Instagram phải mất gần 1 năm mới đạt đến cột mốc này.

Thành công bất ngờ của ChatGPT đã đưa OpenAI vào hàng ngũ các thế lực ở Thung lũng Silicon. Microsoft ký thỏa thuận mới, trị giá 10 tỉ USD với OpenAI, với mục tiêu đưa công nghệ AI của công ty này vào bộ máy tìm kiếm Bing, trong khi Google phải "báo động đỏ" - vừa sợ mất nồi cơm tìm kiếm trên Internet, vừa nháo nhào tăng tốc các sản phẩm AI của mình hòng bắt kịp với startup non trẻ kia.

CEO Altman giờ phải ở trong tình huống trớ trêu - sản phẩm gây tiếng vang nhưng chính mình phải tìm cách để thiên hạ bớt hào hứng. Theo hai nguồn tin thân cận với nhà lãnh đạo này, Altman lo ngại cả thế giới cứ phát cuồng vì ChatGPT thì các nhà làm luật sẽ bắt đầu để mắt đến công nghệ này, đặt ra các luật lệ mới gắt gao hơn, hoặc khiến công chúng kỳ vọng quá nhiều vào các sản phẩm tiếp theo dễ gây áp lực cho hãng. Vì vậy, Altman đã lên Twitter để dập bớt sự hào hứng với ChatGPT, cảnh báo rằng AI này "cực kỳ hạn chế" và "sẽ là sai lầm nếu có chuyện quan trọng mà trông cậy vào nó vào lúc này".

Mặt khác, Altman cũng yêu cầu nhân viên không được khoe khoang về thành công của ChatGPT. Hồi tháng 12-2022, chỉ vài ngày sau khi OpenAI công bố có 1 triệu người đăng ký dùng chatbot, Chủ tịch công ty Greg Brockman hào hứng khoe trên Twitter con số đã tăng gấp đôi, nhưng Altman yêu cầu ông xóa tweet vì quảng bá tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như thế là không khôn ngoan.

OpenAI: Khi thành công đến bất ngờ - Ảnh 3.

Trước mắt, chỉ sau 2 tháng, các cơ quan quản lý khắp nơi đã bắt đầu để mắt tới ChatGPT. Đầu tháng 2, Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu, cho biết các rủi ro tiềm ẩn của ChatGPT cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra các quy định để kiểm soát lĩnh vực này, như ông đã đề xuất từ năm ngoái. Còn ở Mỹ, ít nhất hai chính trị gia đã đặt vấn đề Quốc hội phải chú ý đến ChatGPT. Và điều bất ngờ là họ đều sai ChatGPT thảo luôn các đề xuất đó, và AI đã làm rất tốt.

Trước tình hình đó, Altman đang cố giữ ChatGPT tránh xa mọi rắc rối. Cuối tháng 1, anh bay đến thủ đô Washington DC, gặp gỡ các nhà lập pháp để "giải thiêng" ChatGPT, nói rõ điểm mạnh và hạn chế của AI này cũng như làm rõ các hiểu lầm xung quanh nó.

Giờ đây, khi đã quay lại Thung lũng Silicon, Altman và cả Công ty OpenAI sẽ còn nhiều việc phải làm, nhất là khi cứ mỗi ngày lại có ai đó chỉ ra một nguy cơ tiềm tàng của ChatGPT, một cơ quan có thẩm quyền nào đó ra quyết định cấm tiệt AI này, và hơn hết là cuộc chạy đua AI đã được làm nóng trở lại.

Có một điều chưa rõ là kế hoạch tung ra GPT-4 có thay đổi gì không. Trước mắt, OpenAI đã tung ra bản ChatGPT có thu phí (20 USD/tháng) với nhiều đặc quyền hơn bản dùng thử.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận