Lễ hội ẩm thực “Ngày hội quê tôi” tại TP.HCMĐua xe đạp đôi: "sản phẩm du lịch" mới ở Nha TrangSay lòng người với ẩm thực xứ Huế
Phóng to |
Du khách nước ngoài chọn mua thức ăn tại lễ hội ẩm thực tại công viên 23-9, Q.1, TP.HCM tối 7-12-2013 - Ảnh: Q.Định |
Cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 do Công ty Minh Long 1 và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, được Tổng cục Du lịch VN, Phòng Thương mại và công nghiệp VN bảo trợ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lý Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty Minh Long 1, trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết: Ngoài việc tìm kiếm và tôn vinh những món ăn đặc trưng của từng vùng miền với thông điệp “mỗi món ăn quảng bá văn hóa cho một vùng miền”, cuộc thi cũng nhằm tôn vinh các đầu bếp tài nghệ có sự sáng tạo, tinh tế trong việc nâng cao giá trị sẵn có của ẩm thực Việt “không chỉ ngon mà còn lành”; các nhà hàng có đóng góp cho sự phát triển, làm giàu trên nền văn hóa ẩm thực Việt, góp phần thúc đẩy phong trào “du lịch ẩm thực” ở VN...
Ông Lý Ngọc Minh - Ảnh: L.Nam |
- Các món ăn VN rất bổ dưỡng, ngon, lành và vô cùng phong phú chứ không chỉ có phở và chả giò. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có cách marketing hiệu quả nên chưa được nhiều khách biết đến. Ẩm thực Việt thiếu những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn và cách kể chuyện lồng ghép vào món ăn ngon, bổ dưỡng, đặc trưng của từng địa phương. Chẳng hạn với món cơm hến Việt, một món ăn của dân vạn chài, nhưng làm thế nào mà nhà vua biết đến rồi trở thành món ăn của vua? Rồi những chuyện dinh dưỡng mà món ăn này có thể mang lại cho thực khách... Nếu biết khéo léo chọn lọc, chuyển tải những món ăn đặc sắc của VN bằng những câu chuyện hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều thực khách quốc tế.
* Một chuyên gia marketing nước ngoài từng đề nghị “VN nên trở thành bếp ăn của thế giới”, cuộc thi này có “tham vọng” biến ý tưởng trên thành hiện thực?
- Dù là một món ăn phải được trình bày và bảo quản rất công phu, nhưng sushi (Nhật Bản) lại được bày bán đầy trong siêu thị, cửa hàng tiện dụng. Các loại gia vị, rau quả, nông sản các nước cũng xuất hiện trong các siêu thị. Vậy tại sao các món ăn ngon của VN lại không thể đóng gói, bán trong các siêu thị, cửa hàng hoặc thậm chí xuất khẩu đi các nước?
Nếu chúng ta làm được điều này, tức đưa các món ăn ngon được chế biến từ nguyên liệu đặc trưng của VN lên quầy kệ tại các siêu thị, chắc chắn nhiều du khách quốc tế sẽ biết đến. Đặc biệt, phải làm sao để món ăn VN có thể xuất hiện thường xuyên hơn trên các bàn tiệc cao cấp, được các đầu bếp lớn, nổi tiếng lựa chọn cho thực đơn của mình. Đây cũng là cách hiệu quả nhất để giúp các nông sản, gia vị, nguyên liệu VN có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
* Việc quảng bá điểm đến du lịch được gắn kết với hoạt động giới thiệu món ăn VN như thế nào, thưa ông?
- Du khách khi đến một vùng đất nào cũng mong muốn được trải nghiệm món ăn ngon và đặc trưng của vùng đất đó. Sự phong phú về nguyên liệu cũng như đặc trưng thổ nhưỡng các vùng miền, thông qua tài năng chế biến của các đầu bếp, chúng ta sẽ có những món ăn ngon đặc trưng của từng vùng miền và đây là một trong những cách quảng bá hiệu quả khái niệm “du lịch ẩm thực qua các vùng miền”.
Chương trình này cũng giới thiệu các lợi ích, lợi thế của các món ăn nổi tiếng ở các vùng miền của VN với du khách bằng nhiều kênh thông tin: các món ăn được trình bày đẹp, sang trọng trên những bàn tiệc cao cấp, các quán ăn, nhà hàng phổ biến... Tôi tin ẩm thực sẽ thuyết phục hiệu quả, để lại ấn tượng mạnh mẽ với du khách.
* Ngoài cuộc thi, ban tổ chức có kế hoạch nào để giới thiệu cho du khách những món ăn ngon của VN?
- Trên website www.chiecthiavang.com (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) sẽ giới thiệu những món ăn đoạt giải qua các vòng thi, tôn vinh các nhà hàng, quán, đầu bếp thực hiện. Các nhà hàng đảm bảo tiêu chí mang đậm tính VN, sử dụng nguyên liệu tự nhiên để pha chế, phù hợp với khẩu vị, ngon, tốt cho sức khỏe, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng... sẽ được công khai thông tin (hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ, bản đồ...) trên website này... Các địa phương nào có món gì đặc trưng, có những quán ăn, nhà hàng bán món gì ngon... cũng được giới thiệu. Ngoài ra, chúng tôi sẽ xuất bản sách Tinh hoa ẩm thực Việt giới thiệu các nhà hàng, món ăn đã đoạt giải trong cuộc thi này...
Dự kiến có 220 đội chia thành 10 khu vực tham gia vòng sơ kết (từ ngày 21-5 đến 8-10). Vòng bán kết sẽ tổ chức tại Hà Nội (ngày 5-11) và TP.HCM (ngày 19-11) dành cho 36 đội thắng cuộc. Vòng chung kết xếp hạng (ngày 10-12) sẽ diễn ra tại Bình Dương với sự tham gia của 10 đội. Các đội tham gia đều được hỗ trợ tiền di chuyển đến địa điểm thi, chi phí nguyên vật liệu. Mỗi vòng thi đều có giải thưởng bằng tiền và sản phẩm trị giá 100 triệu đồng. Giải nhất cuộc thi trị giá 1 tỉ đồng (500 triệu tiền mặt, 500 triệu sản phẩm) và một cúp. Các đầu bếp chuyên nghiệp tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn hoặc ở các đơn vị có kinh doanh phục vụ ăn uống đều có thể đăng ký tham gia (ba người/đội) từ nay đến hết ngày 15-5 với ban tổ chức hoặc tại website www.chiecthiavang.com. |
Ông NGUYỄN VĂN TUẤN (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN - VNAT): Hi vọng tạo được hiệu ứng tốt Việc phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực của VN thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng phong phú của du lịch VN. Hằng năm VNAT cũng tổ chức các sự kiện nhưng chưa tạo ra quy mô và quy tụ nhiều doanh nghiệp, đầu bếp... tham gia. Tôi hi vọng với cách làm của ban tổ chức cuộc thi Chiếc thìa vàng cùng sự đồng hành và hỗ trợ của VNAT sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn. Do đó, khi Công ty Minh Long 1 đề nghị, chúng tôi đã đồng ý tham gia bảo trợ và đồng hành cuộc thi này vì đây là hướng rất tốt cho việc xúc tiến quảng bá cho du lịch ẩm thực của VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận